Các tin tức tại MEDlatec
Dấu hiệu sức khỏe từ răng miệng
Ảnh: Shutterstock |
Viêm nướu răng. Đây có thể là biểu hiện của một vấn đề về tim. Các loại vi khuẩn trong miệng dễ dàng xâm nhập các mạch máu và gây ra mảng bám. Đây chính là nơi trú ngụ lý tưởng của vi khuẩn, giúp vi khuẩn có cơ hội lưu thông trong toàn bộ cơ thể. Những vi khuẩn này xâm nhập các vết lở loét ở nướu, lợi để vào tim. Chúng bám chặt vào thành mạch khiến cho hệ miễn dịch khó phát hiện để loại bỏ chúng. Nhờ đó, chúng hoành hành và làm tổn thương các mô ở thành mạch. Nhiều trường hợp vi khuẩn còn là nhân tố thúc đẩy sự hình thành các cục máu đông - nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng nhồi máu cơ tim.
Răng có vết nứt. Theo các nha sĩ, răng có nhiều vết nứt là do a xít trong dạ dày trào ngược lên miệng trong lúc ngủ. Khi răng bị ngập trong a xít dạ dày và có độ pH thấp thì men răng bị xói mòn. Để phòng ngừa hội chứng trào ngược dạ dày, nên giảm ăn các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá; đồng thời tránh ăn quá no hoặc uống nhiều nước có gas cũng như tránh làm tăng áp lực xoang bụng như mặc áo ngực quá chật.
Hôi miệng. Miệng có mùi hôi được liên hệ đến các vấn đề về dạ dày. Dù bạn đã chăm chỉ đánh răng, dùng chỉ nha khoa và đi khám răng thường xuyên nhưng vẫn bị hôi miệng thì vấn đề này có thể xuất phát từ những trục trặc xảy ra ở dạ dày. Theo Womenshealthmag, nguyên nhân của tình trạng này là do sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong dạ dày, tạo thành mùi hôi và đưa lên miệng. Những người bị bệnh gan, thận, hoặc tiểu đường cũng có thể bị hôi miệng do sự cân bằng vi khuẩn trong cơ thể bị phá vỡ, các vi khuẩn gây hại phát triển mạnh hơn vi khuẩn có lợi.
Chảy máu nướu răng. Theo các chuyên gia, khi sự cân bằng nội tiết thay đổi, một hậu quả tất yếu xảy ra là chảy máu nướu răng. Tình trạng này thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai và những người đang ở giai đoạn tiền mãn kinh bởi 2 giai đoạn này chính là thời điểm có sự thay đổi lớn của hormone trong cơ thể phụ nữ. Tương tự, trong thời gian kinh nguyệt, chị em nên hạn chế việc khám chữa hay nhổ răng, vì trong những ngày này sự cân bằng hormone thay đổi làm nướu rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương.
Miệng đỏ, lưỡi sưng. Nếu các góc của miệng có màu đỏ, có thể là một dấu hiệu của việc thiếu hụt vitamin B. Ngoài ra, khi thấy lưỡi bị sưng hoặc đỏ thì đó là dấu hiệu của thiếu sắt. Ngược lại, lưỡi nhợt nhạt cảnh báo nguy cơ thiếu máu. Tóm lại miệng đỏ, lưỡi sưng là dấu hiệu cho biết cơ thể thiếu hụt một số chất dinh dưỡng cần thiết.
Miệng có vết loét. Khi phát hiện một hay nhiều vết loét màu trắng, sưng to và đau nằm trong miệng kéo dài hơn 3 tuần, hãy nhanh chóng đến bác sĩ kiểm tra. Nhiễm vi rút HPV qua đường miệng đang gia tăng với tốc độ chóng mặt ở phụ nữ trẻ và có thể dẫn đến ung thư miệng. Một nghiên cứu gần đây cho biết chăm sóc sức khỏe răng miệng để phòng ngừa việc lây lan vi rút HPV là một trong những cách ngăn ngừa ung thư hiệu quả.
Nguồn: thanhnien.com.vn
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!