Các tin tức tại MEDlatec

Hết kinh bao nhiêu ngày thì rụng trứng và cách tính đơn giản

Ngày 20/07/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Hết kinh bao nhiêu ngày thì rụng trứng là câu hỏi thường gặp của nhiều bạn nữ. Thực tế, ngày rụng trứng sau khi hết kinh khác nhau, tùy thuộc vào độ dài chu kỳ kinh nguyệt và tình trạng nội tiết của từng người. Do vậy, kết quả tính toán được chính xác nhất, bạn sẽ cần đánh giá dựa trên nhiều yếu tố tác động.

1. Giải đáp câu hỏi hết kinh bao nhiêu ngày thì rụng trứng?

rụng trứng xảy ra khi trứng trưởng thành được phóng ra khỏi buồng trứng để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh. Việc nhận biết đúng thời điểm này có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ sinh sản tự nhiên, tăng khả năng thụ thai hoặc tránh thai an toàn (trong trường hợp cần thiết).

Thực tế, thời gian rụng trứng thường vào giữa chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng việc xác định thời điểm rụng trứng không chỉ phụ thuộc vào ngày kết thúc kỳ kinh, mà còn chịu ảnh hưởng bởi độ dài chu kỳ và tính ổn định nội tiết tố.

Giải đáp câu hỏi hết kinh bao nhiêu ngày thì rụng trứng được nhiều người quan tâm

Ở người có chu kỳ ngắn (21 - 25 ngày), trứng có thể rụng sớm, khoảng 5 - 9 ngày sau khi hết kinh. Ngược lại, người có chu kỳ dài (30 - 35 ngày) thì thời điểm rụng trứng thường rơi vào 10 - 17 ngày sau sạch kinh. Lưu ý: cách tính này áp dụng với những vòng kinh 5 - 6 ngày hết kinh.

Những người có chu kỳ không đều rất khó xác định chính xác ngày rụng trứng nếu chỉ dựa trên số ngày hết kinh. Khi đó, bạn nên kết hợp theo dõi thêm các dấu hiệu khác của cơ thể để xác định chính xác hơn.

2. Nhận biết rụng trứng qua những dấu hiệu nào?

Dưới đây là các dấu hiệu điển hình giúp bạn nhận biết giai đoạn rụng trứng một cách tương đối chính xác.

2.1. Đau bụng vùng dưới

Một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất trong thời điểm rụng trứng là cảm giác đau nhói hoặc âm ỉ ở vùng bụng dưới, thường chỉ xuất hiện ở bên phải hoặc bên trái. Nguyên nhân là do khi trứng chín và được phóng ra khỏi nang buồng trứng, quá trình này có thể tạo ra áp lực nhẹ, kích thích niêm mạc bụng hoặc gây co thắt nhẹ ở cơ trơn vùng chậu.

Cơn đau thường không dữ dội mà âm ỉ, kéo dài từ vài phút đến vài giờ, đôi khi có thể lan ra vùng hông hoặc thắt lưng. Đây là biểu hiện sinh lý bình thường và không cần điều trị nếu không kèm theo triệu chứng bất thường như sốt, buồn nôn hoặc ra máu kéo dài.

Đau bụng vùng dưới là dấu hiệu rụng trứng dễ dàng nhận biết

2.2. Nhiệt độ cơ thể thay đổi

Khi tìm hiểu hết kinh bao nhiêu ngày thì rụng trứng, bên cạnh việc tính ngày, bạn cần lưu ý về dấu hiệu tăng nhẹ nhiệt độ cơ thể. Theo đó, mức tăng nhiệt thường không lớn, chỉ từ 0.3 - 0.5 độ C. Nếu theo dõi đều đặn bằng cách đo nhiệt độ vào mỗi sáng, trước khi ra khỏi giường (sau ít nhất 6 giờ ngủ liên tục), bạn sẽ nhận ra sự biến đổi mang tính chu kỳ này. 

Việc ghi lại số liệu và tạo thành biểu đồ thân nhiệt trong nhiều tháng giúp bạn xác định chính xác thời điểm rụng trứng ở mỗi chu kỳ, nhất là với người có kinh nguyệt không đều.

2.3. Âm đạo tiết nhiều dịch nhầy

Một dấu hiệu dễ nhận biết khác bạn cần lưu tâm chính là sự thay đổi của dịch nhầy cổ tử cung. Khi quá trình rụng trứng sắp xảy ra, estrogen tăng mạnh làm cho dịch tiết âm đạo trở nên nhiều hơn, có độ nhớt, trong suốt và co giãn đặc trưng giống lòng trắng trứng gà sống.

Dịch nhầy lúc này không chỉ là dấu hiệu nhận biết mà còn giúp tinh trùng dễ dàng bơi qua âm đạo, vào tử cung và tiến tới ống dẫn trứng, nơi trứng đang chờ được thụ tinh. Ngoài ra, môi trường dịch nhầy trong những ngày này cũng có tính kiềm, giúp kéo dài tuổi thọ của tinh trùng hơn bình thường.

Sau thời điểm rụng trứng, dịch nhầy sẽ dần trở nên đặc hơn, dính và ít hơn do ảnh hưởng của progesterone. Vì vậy, việc theo dõi sự thay đổi của dịch tiết âm đạo mỗi ngày là cách tự nhiên, an toàn để nhận diện ngày rụng trứng.

2.4. Ngực căng tức nhẹ

Khi cơ thể bước vào giai đoạn rụng trứng, nhiều phụ nữ cảm thấy căng tức hoặc đau nhẹ ở vùng ngực, đặc biệt là quanh đầu vú. Đây là phản ứng của mô tuyến vú với sự thay đổi của hormone, vốn xảy ra do sự gia tăng estrogen trước rụng trứng và progesterone sau rụng trứng.

Ngực căng tức nhẹ là một biểu hiện bạn cần lưu ý

Tình trạng căng tức ngực có thể kéo dài vài ngày, thường ở mức độ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, căng tức ngực rất dễ bị nhầm lẫn với biểu hiện của tiền kinh nguyệt hoặc do các yếu tố khác như căng thẳng, chế độ ăn uống, dùng thuốc nội tiết,…

Để đánh giá xem đây có phải dấu hiệu rụng trứng hay không, bạn có thể kết hợp đánh giá trên những biểu hiện khác như dịch âm đạo trong hơn, ham muốn tăng, hoặc đau bụng nhẹ. Việc ghi chú lại các dấu hiệu này theo từng chu kỳ sẽ giúp bạn hiểu rõ cơ thể mình hơn.

3. Hướng dẫn cách tính ngày rụng trứng đơn giản

Bạn có thể tính ngày rụng trứng một cách chính xác, dễ thực hiện theo các bước sau:

3.1. Bước 1: Tính chu kỳ trung bình

Để tính được ngày rụng trứng một cách chính xác bạn cần nắm được độ dài chu kỳ kinh nguyệt của mình. Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên bạn thấy kinh nguyệt trong kỳ này cho đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo. Mỗi người phụ nữ sẽ có chu kỳ khác nhau, thường dao động trong khoảng từ 28 đến 32 ngày, nhưng cũng có những trường hợp ngắn hơn hoặc dài hơn, vẫn được xem là bình thường nếu chu kỳ đều đặn.

Việc theo dõi một chu kỳ đơn lẻ là chưa đủ, bạn nên tính trung bình trong ít nhất 3 tháng liên tiếp. Chẳng hạn, nếu trong ba tháng liên tiếp bạn có chu kỳ dài lần lượt là 30, 28 và 29 ngày thì bạn cộng tổng số ngày của ba chu kỳ này lại, sau đó chia cho 3 để lấy trung bình. Kết quả là (30 + 28 + 29) / 3 = 29 ngày. Con số trung bình này sẽ là cơ sở để bạn tính ngày rụng trứng trong các chu kỳ sau đó.

Xác định chu kỳ kinh nguyệt bằng cách theo dõi hàng tháng

3.2. Bước 2: Tính ngày rụng trứng theo chu kỳ kinh

Sau khi xác định được độ dài chu kỳ trung bình, bạn có thể ước tính ngày rụng trứng bằng một công thức đơn giản. Về mặt sinh lý học, trứng thường rụng khoảng 14 ngày trước khi kỳ kinh tiếp theo bắt đầu, bất kể chu kỳ dài hay ngắn. Điều này là do giai đoạn sau rụng trứng thường kéo dài từ 12 đến 16 ngày và khá ổn định ở hầu hết phụ nữ.

Từ đó, bạn có thể áp dụng công thức: Ngày rụng trứng = Độ dài chu kỳ - 14. Quay lại ví dụ ở trên, nếu 29 ngày là chu kỳ rụng trứng trung bình của bạn thì ngày rụng trứng dự kiến sẽ vào ngày thứ 15 của chu kỳ (29 - 14 = 15). Nói cách khác, nếu ngày đầu tiên bạn có kinh là ngày 1/7, thì ngày 15/7 chính là thời điểm có khả năng trứng rụng.

Dựa vào chu kỳ có thể tính khá chính xác ngày rụng trứng

Lưu ý: Đây chỉ là phép tính ước lượng. Thời điểm rụng trứng thực tế có thể thay đổi do ảnh hưởng của các yếu tố như căng thẳng, thay đổi nội tiết, mất ngủ, hoặc chế độ sinh hoạt. 

Việc hiểu rõ hết kinh bao nhiêu ngày thì rụng trứng là bước đầu quan trọng giúp bạn chủ động chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, việc thăm khám định kỳ cũng rất cần thiết để bạn bảo vệ bản thân mình tốt hơn. Một địa chỉ y tế bạn có thể lựa chọn thăm khám là chuyên khoa Sản phụ khoa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ chi tiết. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.