Các tin tức tại MEDlatec
Không có thành phần nguy hiểm trong vắc-xin
ThS-BS Hồ Vĩnh Thắng, Trưởng nhóm Chương trình Tiêm chủng mở rộng khu vực phía Nam, Viện Pasteur TP.HCM cho rằng: “Việc chích ngừa phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ là cần thiết. Trước đây, ở Nhật Bản, Anh và xứ Wales có xảy ra việc dừng tiêm chủng, hậu quả là bệnh tật, tử vong ở trẻ tăng lên gấp 10 lần. Vì vậy, các bà mẹ vẫn cần đưa con đi tiêm chủng. Gần đây tại Việt Nam có những trường hợp phản ứng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem "5 trong 1" xảy ra ở các tỉnh/thành. Tất cả các trường hợp này đều được hệ thống y tế điều tra và xác minh, nguyên nhân tử vong có nhiều lý do khác nhau”.
PV: Theo Cục Y tế dự phòng, từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, tần số các trường hợp phản ứng sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem xuất hiện cao hơn. Phải chăng vắc-xin Quinvaxem của Chương trình Tiêm chủng mở rộng có thành phần ngừa bệnh ho gà là toàn tế bào nên nguy hiểm hơn thành phần vô bào của vắc-xin dịch vụ?
ThS-BS Hồ Vĩnh Thắng: Không có thành phần nào được gọi là nguy hiểm chứa trong vắc-xin, nếu có thì vắc-xin đó đã không được phép lưu hành. Mỗi lô nhập vắc-xin về Việt Nam hoặc đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đều phải được kiểm định trước khi sử dụng. “Thành phần ho gà toàn tế bào” tức là kháng nguyên làm từ tế bào vi khuẩn ho gà bất hoạt, với số lượng kháng nguyên nhiều hơn “thành phần ho gà vô bào” (chỉ có hai-ba kháng nguyên). Vì vậy, phản ứng của vắc-xin ho gà vô bào sẽ ít hơn một nửa. Tuy nhiên, cả hai loại trên đều được xem là an toàn.
Vắc-xin ho gà toàn tế bào vẫn được sử dụng rộng rãi trong chương trình tiêm chủng ở nhiều quốc gia.
* Nếu trẻ chích ngừa, phụ huynh cần phải lưu ý những điều gì?
- Việc theo dõi sát sao trẻ trong 24 giờ sau tiêm chủng rất quan trọng, khi trẻ có phản ứng, được đưa đến cơ sở y tế sớm thì hầu như không có trường hợp tử vong. Khi đến ngày chích ngừa, nếu trẻ mắc bệnh, sốt, cơ thể yếu... cần thông báo cho bác sĩ biết để có chỉ định thích hợp. Nếu trẻ đang sốt hoặc mắc bệnh có thể hoãn tiêm chủng, khi hết bệnh sẽ tiếp tục tiêm chủng. Nếu trẻ có phản ứng mạnh, dị ứng nặng, phản ứng quá mẫn với vắc-xin ở lần tiêm trước, cần thông báo để bác sĩ cho ngừng tiêm vắc-xin đó. Các loại vắc-xin khác vẫn có thể tiếp tục được tiêm chủng.
* Với trường hợp bé chích một mũi vắc-xin Quinvaxem của Chương trình Tiêm chủng mở rộng, đến thời điểm chích nhắc lại, gia đình không muốn bé chích mũi thứ hai mà chuyển sang vắc-xin dịch vụ thì lịch trình chích sẽ thay đổi như thế nào?
- Tất cả các vắc-xin thuộc loại “5 trong 1” hoặc “6 trong 1” sử dụng tại Việt Nam đều được tiêm lúc hai, ba, bốn tháng tuổi. Mũi tiêm nhắc trên một tuổi tùy theo loại vắc-xin. Việc chuyển đổi vắc-xin không được khuyến cáo, nhưng nếu có thay đổi thì cần đến khám tại cơ sở tiêm chủng và được bác sĩ chỉ định.
* Xin cảm ơn bác sĩ.
Thanh Toàn (ghi)
Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế cấp tỉnh, cấp bộ đã họp đánh giá các trường hợp phản ứng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem tại Bình Định, Kiên Giang và Hà Nội từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013 như sau: 1. Khẳng định không có bằng chứng về sự liên quan giữa các trường hợp phản ứng sau tiêm với quy trình bảo quản, vận chuyển vắc-xin và dịch vụ tiêm chủng. 2. Chưa có bằng chứng về sự liên quan giữa phản ứng sau tiêm chủng và chất lượng vắc-xin. Tuy nhiên cũng chưa đủ cơ sở để loại trừ nguyên nhân này. 3. Quy trình thẩm định, cấp giấy phép lưu hành, kiểm định và sử dụng vắc-xin tuân thủ theo quy định. 4. Khi sử dụng vắc-xin có thể xảy ra phản ứng do những nguyên nhân khác nhau. Việc xuất hiện các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng trong thời gian gần đây là đáng quan tâm. Tuy nhiên việc tiêm chủng cho trẻ em là cần thiết. 5. Các lô vắc-xin liên quan đến phản ứng tại tỉnh Bình Định, Kiên Giang và Hà Nội đã được tạm dừng sử dụng trên địa bàn. 6. Bộ Y tế đã có chỉ đạo Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia tăng cường tập huấn cho cán bộ tiêm chủng về tiêm chủng an toàn, giám sát xử lý phản ứng sau tiêm; tạm dừng sử dụng trên toàn quốc các lô vắc-xin có xảy ra phản ứng nặng khi nghi ngờ liên quan đến vắc-xin. 7. Khuyến cáo các bà mẹ theo dõi chặt chẽ trẻ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm và kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời. |
Nguồn: http://phunuonline.com.vn
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!