Các tin tức tại MEDlatec
Thói quen ảnh hưởng đến nội tiết tố
Một số thói quen sau đây có thể khiến nội tiết tố trong cơ thể tăng hoặc giảm.
Uống cà phê vào buổi chiều. Chất caffeine thúc đẩy cơ thể sản xuất cortisol nhiều hơn, làm gia tăng cảm giác bồn chồn, lo lắng và đặc biệt khi tiêu thụ vào buổi chiều sẽ dễ dẫn đến mất ngủ. Giới hạn không quá 2 ly cà phê mỗi ngày và uống trước 3 - 4 giờ chiều để cơ thể không bị ảnh hưởng.
Lười thể thao. Không tập thể dục thường xuyên, cơ thể không sản xuất và phát ra số lượng tối ưu của endorphins, tiến sĩ Phillips cho biết. Theo Womenshealthmag, endorphin là những hợp chất được sản xuất bởi tuyến yên và vùng dưới đồi trong các hoạt động nhất định, bao gồm không chỉ tập thể dục mà kể cả những phấn khích, tiếng cười hay bất cứ điều gì gây niềm vui. Theo giới chuyên gia, việc tiết endorphin dẫn đến cảm giác ngon miệng khi tiêu thụ thực phẩm, phát ra hoóc môn giới tính và tăng cường đáp ứng miễn dịch thông qua đặc tính kháng viêm tự nhiên của nó. Khi endorphin được sản xuất nhiều, mức độ viêm nhiễm cơ thể sẽ thấp xuống.
Tập luyện khắc nghiệt. Estrogen đóng vai trò trong việc phát triển các đặc điểm giới tính nữ như ngực nở, eo thon, thân hình mềm mại, làn da mịn màng, giúp điều hòa kinh nguyệt, kích thích ham muốn tình dục. Tuy nhiên, những phụ nữ có thói quen tập thể dục cường độ cao và liên tục với mục đích khiến lượng mỡ mất đi càng nhiều càng tốt, thì có thể sẽ dẫn đến nguy cơ làm giảm nồng độ estrogen, gây ức chế sự rụng trứng và làm cho kinh nguyệt không đều. Vì thế, nên điều chỉnh thói quen tập thể dục cho phù hợp, tránh cố gắng quá sức; có thể chuyển sang các bài tập cường độ thấp như đi bộ, aerobic, yoga... vừa có tác dụng giảm cân, vừa thúc đẩy khả năng sinh sản.
Ăn đồ ngọt. “Ăn nhiều thực phẩm chứa đường được liên kết trực tiếp đến tăng cân, và thừa cân có thể dẫn cơ thể đến việc đề kháng với insulin - một loại hoóc môn giúp chuyển hóa đường trong máu thành năng lượng đi đến các tế bào”, tiến sĩ Holly Phillips - chuyên gia sức khỏe phụ nữ ở New York và phóng viên y tế của kênh CBS News cho biết.
Căng thẳng. Thông thường mức độ cortisol - hoóc môn căng thẳng sụt giảm vào buổi tối nhằm giúp cơ thể thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ. Nếu tình trạng căng thẳng quá mức liên tục xảy ra vào mỗi buổi chiều sẽ khiến mức độ cortisol tăng cao, gây mất ngủ vào buổi tối. Vì vậy hãy tìm cách trấn an và giải tỏa những áp lực, lo âu để cơ thể không bị ảnh hưởng.
Thường xuyên mất ngủ. Thiếu ngủ làm tăng nồng độ cortisol, trong khi đó cortisol có liên quan đến việc điều chỉnh được lượng đường trong máu thấp xuống, đồng thời làm gia tăng mức độ căng thẳng và muốn ăn vặt, tiến sĩ Phillips phân tích. Ngoài ra, việc thiếu ngủ có thể gây mất cân bằng hoóc môn ghrelin (hoóc môn báo hiệu thời điểm cần phải ăn và chịu trách nhiệm về cảm giác đói) và leptin (hoóc môn gây no báo hiệu thời điểm dừng việc ăn uống lại). Khi thiếu ngủ, ghrelin được sinh ra nhiều hơn, làm tăng cảm giác ngon miệng và thèm ăn; đồng thời hoóc môn leptin sẽ giảm xuống. Việc thiếu leptin sẽ ngăn cản não bộ thông báo đến dạ dày rằng bạn đã no, kết quả bạn sẽ liên tục cảm thấy đói cồn cào và dễ mắc nguy cơ tăng cân.
Nguồn: thanhnien.com.vn
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!