Các tin tức tại MEDlatec
Xuất hiện “siêu vi khuẩn” E.coli đa kháng thuốc
Cuối tháng 5, đầu tháng 6 này, tại BV Nhi đồng Cần Thơ ghi nhận 4 trường hợp trẻ dưới 5 tuổi bị tiêu chảy có kết quả dương tính với E.coli kháng thuốc, trong đó 2 trường hợp đã tử vong. Tại một số BV khác cũng đã từng xuất hiện vi khuẩn E.coli biến thể đa kháng với một số kháng sinh đặc hiệu, gây bệnh cảnh rất nặng.
Điều trị bệnh nhân tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương
TS. Phạm Văn Ca, Phó trưởng khoa Xét nghiệm - BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, vi khuẩn E.coli sống cộng sinh trong ruột, là nhóm vi khuẩn có ích tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, nếu không may nhiễm phải khuẩn E.coli kháng thuốc thì khuẩn này sẽ sinh độc tố, gây bệnh cảnh nặng nề, thậm chí tử vong nếu không kịp thời điều trị. Theo TS. Phạm Văn Ca, mức độ kháng thuốc của E.coli hiện ở mức trung bình. Số liệu giám sát trong năm 2012 tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho thấy, tỷ lệ kháng ampicilin lên tới 81,4%; amoxicillin/clavunanic và ampicillin/sulbactam khoảng 40%. Các kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 3 cũng bị kháng đến gần một nửa, và với các kháng sinh nhóm fluoro-quinolon bị kháng là khoảng 45%.
Hiện nay trên thế giới đã ghi nhận một số trường hợp tử vong do E.coli đa kháng, nhất là chủng có sinh ra men NDM-1 - được gọi là “siêu vi khuẩn” vì kháng nhiều loại kháng sinh. Ở Việt Nam gần đây đã ghi nhận một số ca đa kháng thuốc tương tự, tuy nhiên tỷ lệ tử vong không cao. TS. Phạm Văn Ca cho biết thêm, về mặt lâm sàng không có sự khác biệt giữa tiêu chảy do vi khuẩn E.coli kháng thuốc, đa kháng thuốc hay không kháng thuốc. Tuy nhiên, căn cứ theo diễn tiến của bệnh, tất cả các trường hợp tiêu chảy sau 3 ngày điều trị mà triệu chứng không thuyên giảm thì cần nghĩ ngay đến kháng thuốc và phải tìm căn nguyên để có biện pháp can thiệp hiệu quả. Khuẩn E.coli kháng thuốc có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em nhưng nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ đạt hiệu quả tốt nhờ biện pháp phối hợp các thuốc điều trị. Trường hợp vào viện khi đã muộn, bệnh nhân đã trong tình trạng sốc không hồi phục thì điều trị rất khó khăn, nguy cơ tử vong cao. Riêng với trường hợp đa kháng thuốc thì vẫn là thách thức của ngành y.
Dù vậy, các bác sĩ cũng khuyên người dân không nên quá lo lắng trước sự xuất hiện của dòng vi khuẩn mới này bởi tỷ lệ gặp thấp, tỷ lệ tử vong do E.coli nói chung cũng thấp, dưới 1%. Người dân nên chủ động phòng bệnh bằng biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi... Khi bị tiêu chảy, cần đi khám để được xác định sớm.
Được biết, trong một đề tài nghiên cứu khoa học của bác sĩ BV Nhi Đồng Cần Thơ thực hiện cuối năm 2012 dựa trên kết quả điều trị 157 bệnh nhi bị tiêu chảy, BV này đã cảnh báo việc xuất hiện vi khuẩn đa kháng thuốc trong điều trị tiêu chảy. Nghiên cứu phát hiện tỷ lệ kháng thuốc rất cao đối với một số loại kháng sinh vốn được WHO khuyến khích dùng cho các trường hợp tiêu chảy, lỵ rất hiệu quả, thậm chí thống kê được có loại vi khuẩn E.coli đã kháng đến 8 loại kháng sinh.
Virus Corona có khả năng gây đại dịch
Cũng liên quan đến diễn biến các dịch bệnh mới nổi, trong bản hướng dẫn tạm thời về dịch cúm vừa công bố hôm 10-6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo chủng virus corona có nguồn gốc từ Trung Đông - gần giống với virus SARS, có khả năng lây lan thành một đại dịch trên toàn cầu. WHO nhấn mạnh căn bệnh này có mức độ báo động dịch tương đương với hai chủng cúm khác có thể lây sang người là cúm A/H5N1 và A/H7N9. Trước đó, vào đầu tháng 6-2013, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế nước ta đã có công văn gửi các BV và Sở Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống chủng mới của virus Corona.
Nguồn: anninhthudo.vn
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!