Tin tức
Bị rắn cắn xử trí sao cho đúng?
Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm có ít nhất 2,5 triệu trường hợp bị rắn cắn với 125.000 người bị tử vong. Tại Việt Nam, ước tính 30.000 trường hợp rắn cắn mỗi năm và tử vong lên đến 22%. Theo Trần Thị Ngọc Liên - Cử nhân điều dưỡng Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, những sai lầm trong sơ cứu và những xử trí ban đầu chưa đúng đã góp phần làm diễn tiến bệnh nặng và tiên lượng xấu hơn đối với các trẻ bị rắn cắn. Trẻ bị rắn cắn thường bị nặng hơn người lớn Bé L.T.T.D (8 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai), khi ra vườn hái hoa, bị rắn nấp ở cành hoa cắn ở cẳng chân phải. Sau khi đã được sơ cứu ban đầu tại bệnh viện địa phương, bệnh nhi được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM. Tại đây, bác sĩ ghi nhận vết thương rắn cắn ở cẳng chân phải, chảy máu, sưng nề, đau nhức, lan lên cẳng chân và đùi phải, xuất huyết da rải rác toàn thân, bé than mệt, lừ đừ, li bì. Xét nghiệm chức năng đông máu cho thấy em bị rối loạn đông máu nặng. Nhờ người nhà mang theo con rắn nên bác sĩ xác định được đó là rắn lục. Em được quyết định truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục cùng với điều trị hỗ trợ khác như thở oxy, kháng sinh, dịch truyền. Kết quả tri giác em khá hơn, tỉnh táo, tình trạng rối loạn đông máu cải thiện, vết thương rắn cắn ngưng chảy máu, tự ăn uống được. CNĐD Trần Thị Ngọc Liên cho biết, trong khoảng 3.000 loài rắn, có khoảng 200 loài rắn độc và 90% trong số đó thuộc 3 loài rắn biển, rắn hổ và rắn lục. Đa số trường hợp rắn cắn và tử vong do rắn cắn không được báo cáo thống kê, nhất là các nước đang phát triển. Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 4.000 - 7.000 trường hợp rắn cắn, trong đó xấp xỉ 2.000 trường hợp là do rắn độc, và khoảng 0,2% trong số đó bị tử vong. Rắn cắn là một bệnh nghề nghiệp quan trọng ở Đông Nam Á. Đa số nạn nhân bị rắn cắn là nông dân đang làm việc trên đồng hoặc công nhân đồn điền cao su hoặc người nuôi thú. 95% trường hợp rắn cắn ở chi, nhất là ở tay. Ở trẻ em, tai nạn rắn cắn thường xảy ra quanh nhà vào mùa hè và vết cắn thường ở chi dưới. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và cũng là nước nông nghiệp nên tai nạn rắn cắn không hiếm. Theo Hội thảo chuyên đề “Cấp cứu và điều trị bệnh nhân rắn cắn” tổ chức tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tại Việt Nam, ước tính 30.000 trường hợp rắn cắn mỗi năm và tử vong lên đến 22% trong 430 trường hợp do rắn chàm quạp cắn. Tuy nhiên, không phải lúc nào rắn cắn cũng là rắn độc và mức độ nhiễm độc nặng tùy thuộc loại rắn và lượng chất độc vào cơ thể. Cân nặng của trẻ thấp hơn so với người lớn nên trẻ em bị rắn độc cắn thường nặng hơn. Khi bị rắn độc cắn, nếu không xử trí thích hợp, kịp thời sẽ dễ đưa đến tử vong. Tỉ lệ sơ cứu và xử trí ban đầu đúng khi bị rắn cắn là… 0%! Theo ĐD. Ngọc Liên, sơ cứu khi bị rắn cắn gồm trấn an nạn nhân, bất động và nẹp chi bị rắn cắn, để chi bị rắn cắn vị trí thấp hơn tim, cởi bỏ các nữ trang ở vùng bị rắn cắn, rửa sạch vết thương, băng ép vùng bị rắn cắn (càng lên cao càng tốt) và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế có đủ điều kiện điều trị. Thế nhưng, theo ghi nhận 30 trường hợp bị rắn cắn nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 2, tình hình sơ cứu bệnh nhân rắn cắn của thân nhân bệnh nhân chưa tốt. Không có trường hợp nào (0%) được bất động, nẹp chi bị rắn cắn, rửa sạch vết thương, băng ép trước khi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.
Vết thương của bệnh nhân bị hoại tử do sơ cứu ban đầu không đúng cách
Trái lại, có 7 trường hợp đã được sơ cứu bằng những biện pháp không được thích hợp. Như đắp mật rắn lên vết cắn, người nhà tự mua thuốc cho bệnh nhân uống, đến thầy lang để nặn máu… Tất cả những xử trí không phù hợp đó đã ảnh hưởng xấu đến tính mạng bệnh nhân sau đó. Làm chậm thời gian mang bệnh nhân đến cơ sở y tế đủ điều kiện điều trị và kết quả là 4 trong số 7 trẻ đó đã ra viện trong bệnh cảnh gần như tử vong hoặc mang di chứng nặng. Thời gian tính từ lúc bị rắn cắn đến lúc đến cơ sở y tế càng dài thì tiên lượng càng xấu. đối với nhóm diễn tiến tốt, thời gian này là 0,15 giờ (0 - 2 giờ), trong khi đối với nhóm bệnh nặng xin về thì thời gian đó là 16,67 giờ (2 - 26 giờ). Đối với các cơ sở y tế tuyến trước, các biện pháp làm chậm hấp thu độc tố như nẹp, bất động chi, rửa vết thương, băng ép (nếu chưa thực hiện trước đó khi sơ cứu tại nơi xảy ra tai nạn), sử dụng kháng sinh, huyết thanh kháng uốn ván, truyền plasma (nếu có rối loạn đông máu)… cũng chưa được thực hiện thường xuyên. Băng ép chỉ thực hiện trong 16,7% trường hợp, rửa vết thương chỉ thực hiện trong 10% trường hợp và chỉ có 20% bệnh nhân được sử dụng kháng sinh trước khi đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. CNĐD Trần Thị Ngọc Liên khuyến cáo, các biện pháp rạch da, hút nọc độc bằng miệng hay giác hút, garrot,…đều không hiệu quả, thậm chí còn gây nhiễm trùng, tăng sự hấp thu nọc độc vào cơ thể và chảy máu tại chỗ. Thân nhân nạn nhân nên mang xác rắn đến đến cơ sở y tế, nếu có thể, để nhân viên y tế nhận dạng loại rắn mà chỉ định huyết thanh kháng nọc rắn phù hợp. Tại cơ sở y tế, nạn nhân cần được theo dõi ít nhất trong 24 giờ, ngay cả khi rắn cắn là rắn lành. Tùy theo bệnh cảnh lâm sàng và kết quả xét nghiệm mà nạn nhân sẽ được hỗ trợ hô hấp, điều trị rối loạn đông máu, sử dụng kháng sinh, phòng ngừa uốn ván, chăm sóc vết thương và giải áp chèn ép khoang hay cắt lọc phù hợp. Cá cơ sở y tế cần trang bị huyết thanh kháng nọc rắn để việc cấp cứu được kịp thời, hiệu quả và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở y tế địa phương với các chuyên gia của tuyến trung ương. Để phòng ngừa rắn cắn, cha mẹ hông cho trẻ leo trèo cây vì dễ bị tai nạn do té hoặc bị rắn lục núp trong các tàng lá tấn công. Mang giày ống cao và mặc quần dài phủ ra ngoài giày là cách tốt nhất khi đi trên cỏ rậm hoặc vườn cây có nhiều lá khô.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!