Tin tức
Biến chứng do sỏi bàng quang
Sỏi bàng quang do đâu mà có?
Bàng quang nằm ở vùng hạ vị, được cấu tạo bởi các cơ trơn, có tính chất đàn hồi và có hệ thống thần kinh điều khiển trong việc đào thải nước tiểu ra ngoài. Sự có mặt của sỏi bàng quang khá đa dạng, có thể là sỏi từ thận hoặc niệu quản (hoặc cả hai) rơi xuống. Khi sỏi đã xuống bàng quang, nếu là sỏi nhỏ, có thể được đào thải ra ngoài khi tiểu tiện, nếu sỏi lớn thì rất khó đào thải theo nước tiểu mà sẽ nằm lại bàng quang, lâu ngày sỏi to dần lên bởi bị các cặn sỏi có sẵn trong bàng quang tiếp tục bám vào. Một số trường hợp sỏi bàng quang được hình thành ngay tại bàng quang do một thời gian dài người bệnh sử dụng thuốc điều trị các bệnh khác có nhiều chất làm kết tủa, lắng đọng gây ra sỏi hoặc sử dụng nhiều chất khoáng, canxi, photpho…
Sỏi bàng quang cũng có thể xuất hiện do mắc một số bệnh nào đó ngay tại bàng quang (túi thừa bàng quang, viêm, nhiễm trùng) hoặc cổ bàng quàng bị chít hẹp (ở nam giới, do u xơ tiền liệt tuyến, viêm tiềm liệt tuyến mãn tính đè vào cổ bàng quang gây ứ đọng nước tiểu), chít hẹp niệu đạo, hoặc do có dị vật trong bàng quang, từ đó gây nên ứ đọng nước tiểu, ứ đọng cặn sỏi tạo thành sỏi. Ngoài ra, một số trường hợp do hạn chế đi lại, thường xuyên nhịn tiểu (nhân viên văn phòng, lái xe đường dài…), lười hoặc ngại uống nước, ăn rau, canh, cũng có thể gây nên ứ đọng nước tiểu, lắng đọng các chất gây sỏi bàng quang.
Sỏi bàng quang đôi khi chỉ có 1 viên nhưng cũng có thể là nhiều viên sỏi. Kích thước mỗi viên sỏi cũng khác nhau, đôi khi chỉ nhỏ bằng hạt ngô, đốt ngón tay nhưng có trường hợp to bằng quả trứng gà, đặc biệt có những trường hợp sỏi bàng quang nặng tới 1kg. Thành phần hóa học của sỏi bang quang, chủ yếu là chất canxi và amoni - magiê - photphat hoặc photphat canxi hoặc oxalic hoặc xystin, nhưng thường là sỏi hỗn hợp và được bao bọc xung quanh bởi một lớp nhân tơ huyết - bạch cầu
Biến chứng thường gặp
Trong trường hợp sỏi nhỏ, chưa gây viêm bàng quang, chưa có bít tắc đường niệu thì hầu như không có biểu hiện gì đặc biệt, sự phát hiện ra sỏi do tình cờ khám bệnh định kỳ hoặc khám bệnh với lý do khác thông qua chụp X-quang (X-quang cột sống thắt lưng, khung chậu, ổ bụng) hoặc siêu âm ổ bụng. Khi sỏi bàng quang to sẽ gây viêm bàng quang. Viêm nhiễm bàng quang do sỏi là một biến chứng thường gặp bởi sỏi to làm tổn thương niêm mạc bàng quang, khi co bóp, sỏi cọ xát nhiều lần vào niêm mạc gây viêm, loét và nhiễm khuẩn, thậm chí chảy máu. Viêm bàng quang cấp, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm mãn tính, từ đó có thể gây teo bàng quang hoặc rò bàng quang do lượng nước tiểu thay đổi liên tục.
Ngoài ra, sỏi bàng quang còn có thể gây nên các biến chứng rất nguy hiểm là viêm thận do nhiễm khuẩn ngược dòng và suy thận. Đây là các biến chứng gây nên không ít khó khăn cho điều trị, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Sỏi to sẽ gây kích thích, chèn ép, bít tắc cổ bàng quang (chỗ nối bàng quang và niệu đạo) làm cho người bệnh bị đau buốt vùng hạ vị. Cơn đau hạ vị có thể lan dần ra phía đầu bộ phận sinh dục ngoài hoặc tầng sinh môn, trội lên về cuối bãi tiểu tiện (nam giới, đôi khi phải bóp chặt đầu dương vật để đỡ đau, ở nữ giới nước tiểu chảy ri rỉ qua âm đạo hoặc hậu môn gây nhiễm khuẩn). Biến chứng rò bàng quang, tầng sinh môn hoặc âm đạo (nữ giới), nước tiểu cũng chảy ri rỉ qua âm đạo hoặc hậu môn gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt và gây nhiễm trùng.
Một số trường hợp, sỏi bàng quang to, có thể gây bí tiểu hoàn toàn làm nước tiểu ứ lại trong bàng quang, bàng quang căng phồng, tạo nên “cầu bàng quang” ở trên xương mu.
Có thể điều trị và phòng bệnh sỏi bàng quang được không?
Khi sỏi còn nhỏ có thể dùng thuốc để làm tan dần sỏi, sỏi sẽ theo nước tiểu ra ngoài, thêm vào đó nên dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn (nếu có biểu hiện viêm nhiễm). Sỏi to, cần tán sỏi hoặc phẫu thuật lấy sỏi càng sớm càng tốt. Phòng bệnh là việc làm vô cùng cần thiết. Bởi vì, nguyên nhân gây sỏi thường là do ứ đọng nước tiểu lâu ngày. Dó đó, hằng ngày cần uống đủ nước (1,5 - 2,0 lít, bao gồm cả nước có trong thức ăn, rau, củ, quả) và tránh thói quen nhịn tiểu. Cần đi khám bệnh ngay khi có rối loạn tiểu tiện (đái rắt, đái buốt hay đái ra máu cuối bãi).
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!