Tin tức

Gần 1000 bác sĩ tham dự hội nghị: “Cập nhật các thăm dò cận lâm sàng mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh”

Ngày 23/12/2017
Ban biên tập
Chiều ngày 22/12, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã tổ chức thành công Hội nghị: “Cập nhật các thăm dò cận lâm sàng mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh”, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế với sự tham dự của đại diện Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội cùng lãnh đạo và gần 1000 bác sĩ công tác ở các bệnh, phòng khám tại Hà Nội và các tỉnh.

ThS.BS Nguyễn Thị Kim Len - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC phát biểu khai mạc chương trình.

Với ý nghĩa cập nhật kỹ thuật hiện đại nhất điều trị bướu giáp nhân, bài báo cáo “Xu hướng mới trong điều trị bướu giáp nhân, do bà Kate Suh - Quản lý khu vực Đông Nam Á, Australia và NewZealand tập đoàn Y tế Starmed trình bày đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các quý vị. Theo đó, bà Kate Suh đã chia sẻ cùng quý đồng nghiệp phương pháp đốt sóng cao tần (RFA) trị bệnh bướu giáp nhân.

Bướu giáp nhân (hay còn gọi là u tuyến giáp lành tính) là bệnh lý thường gặp nhất của tuyến giáp. Theo các nghiên cứu khác nhau trên thế giới cho thấy: tỷ lệ mắc bệnh trong dân cư lên tới khoảng 40 đến 60% và tỷ lệ nữ/nam khoảng 3:1. U lành tuyến giáp có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như: Ho, khó thở, vướng khi nuốt, đau, khối nổi vùng cổ gây mất thẩm mỹ.

Bà Kate Suh - Quản lý khu vực Đông Nam Á, Australia và NewZealand tập đoàn Y tế Starmed báo cáo tại hội nghị.

Bà Kate SuhHiện cho biết: Có nhiều phương pháp điều trị bướu giáp nhân như nội khoa, phẫu thuật. Song các phương pháp này vẫn còn tồn tại những hạn chế như điều trị bằng thuốc cần dùng kéo dài nhiều năm, không loại bỏ nhân mà chỉ ngăn không cho nhân to ra, có thể gây ra những biến chứng tim mạch, loãng xương, bệnh thận. Do không làm giảm kích thước bướu nên ảnh hưởng tới thẩm mỹ của người bệnh. Vì vậy, đốt sóng cao tần u tuyến giáp hiện được đánh giá là phương pháp điều trị bệnh bướu giáp hiện đại nhất hiện nay. Những ưu điểm của kỹ thuật mang lại cho người bệnh như không để lại sẹo ngang vùng cổ, tỷ lệ tổn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược rất thấp so với phẫu thuật, thời gian phục hồi nhanh, có thể ra viện trong ngày do không phải gây mê, không gây tổn thương các cấu trúc quanh tuyến giáp,…

Bên cạnh đó, bà Kate Suh đã thông tin tới các bác sĩ tại hội nghị những trường hợp có thể dùng phương pháp đốt sóng cao tần như khi có triệu chứng lâm sàng (vùng cổ, loạn cảm họng, nuốt vướng, khó thở), vấn đề thẩm mỹ, nhân độc tuyến giáp và một số lưu ý sau khi làm thủ thuật. Đó là bệnh nhân chỉ cần kiểm tra định kỳ: Sau 1, 2, 6 và 12 tháng, sau đó 1 năm 1 lần trong 5 năm, siêu âm, có dopple màu, làm các xét nghiệm liên quan. Thường thì thể tích khối bướu sẽ giảm khoảng 40-60% sau 1 tháng, khoảng 90-95% sau 1 năm và hết các triệu chứng khó chịu của bệnh nhân.

PGS. TS Lê Văn Phủng - Nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vaccine và sinh phẩm y tế, Hội đồng cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC báo cáo tại hội nghị.

Nội dung quan trọng tiếp theo mang đến các quý đồng nghiệp là cái nhìn toàn diện về những trường hợp cần chỉ định xét nghiệm vi sinh qua bài “Chỉ định xét nghiệm vi sinh hợp lý trong chẩn đoán và điều trị bệnh” được PGS. TS Lê Văn Phủng - Nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vaccine và sinh phẩm y tế; Hội đồng cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC báo cáo.

Nhiễm trùng hiện là loại bệnh có tỷ lệ mắc đứng đầu trong các mặt bệnh ở nước ta, biểu hiện đa dạn và gặp ở tất cả các cơ quan. Hàng năm, mọi người dân đều có thể bị nhiễm trùng từ một đến nhiều lần ở một hoặc nhiều cơ quan nào đó. Vì vậy, PGS. TS Lê Văn Phủng cho biết: “Tất cả các trường hợp nhiễm trùng đều cần làm xét nghiệm Vi sinh. Xét nghiệm này đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán, tiên lượng bệnh, từ đó giúp thầy thuốc có hướng xử trí, điều trị hay đưa ra lời khuyên phòng bệnh tốt nhất cho người bệnh”. Đồng thời, PGS Phủng đã chia sẻ tới các bác sĩ phương pháp thực hiện, cách lấy mẫu đúng của từng loại xét nghiệm, bởi theo ông: “Xét nghiệm vi sinh có được thực hiện và thực hiện đúng hay không còn phụ thuộc vào lấy bệnh phẩm có đúng không”

Hiện nay, để theo dõi và chẩn đoán bệnh, thầy thuốc không chỉ dựa vào các biểu hiện thăm khám “nhìn, sờ, gõ, nghe” mà cần kết hợp với các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng. Với kết quả xét nghiệm chính xác, thời gian trả kịp thời và những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả chẩn đoán giai đoạn bệnh, theo dõi sau điều trị và điều trị.

Toàn cảnh hội nghị

Ngoài ra, trong nội dung hội nghị, quý đồng nghiệp đến từ nhiều bệnh viện, phòng khám đã được cập nhật những xét nghiệm mới năm 2017 -2018 và xu hướng sử dụng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện nay qua hai bài báo “Cập nhật xét nghiệm mới năm 2017-2018” và “Vai trò Chẩn đoán hình ảnh trong chẩn đoán và điều trị”.

GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí - Chủ tọa chương trình điều hành nội dung thảo luận tại hội nghị, cùng tham gia chủ tọa gồm có Giám đốc BVĐK MEDLATEC - ThS.BS Nguyễn Thị Kim Len, PGS.TS Phạm Thiện Ngọc, PGS.TS Lê Văn Phủng, PGS.TS Trịnh Thị Ngọc (ảnh theo thứ tự từ trái qua phải).

Từ những kiến thức, kinh nghiệm được Giáo sư, Chuyên gia đầu ngành lĩnh vực Vi sinh, Chẩn đoán hình ảnh chia sẻ tại hội nghị, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC mong muốn được cùng quý đồng nghiệp cả nước cập nhật các ứng dụng cận lâm sàng để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị phục vụ nhân dân.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.