Tin tức
Thêm cơ hội sống cho người suy thận giai đoạn cuối
Một người chết cứu nhiều người sống Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), năm 2009, cả nước có 72 nghìn người mắc bệnh suy thận và trung bình mỗi năm có thêm tám nghìn người bệnh mới cần thay thận. Thế nhưng, trong nhóm người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, chỉ có dưới 10% được lọc màng bụng hoặc chạy thận nhân tạo vì không có nguồn thận để ghép, còn lại 90% đều tử vong. Ở nước ta, việc ghép thận được tiến hành lần đầu tại Bệnh viện Quân y 103 và Bệnh viện Chợ Rẫy vào năm 1992. Hiện nay, cả nước có 12 trung tâm ghép thận, nhưng số lượng các trường hợp được ghép thận trong 20 năm qua chỉ khoảng 500 người. Nguồn thận cũng chủ yếu từ người cho còn sống, một số trường hợp đã được nhận thận từ người cho chết não. Chưa có trường hợp nào được ghép thận từ người cho thận khi tim đã ngừng đập. Do vậy, chúng tôi thực hiện đề tài này nhằm áp dụng các thành quả có chứng cứ khoa học cao của các nước tiên tiến, tăng khả năng cung cấp nguồn tạng hiến, qua đó đem lại hy vọng cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người bệnh, giảm chi phí cho họ khi phải ra nước ngoài điều trị. Chết tim là từ ngữ dùng để chỉ trạng thái tim ngừng đập, máu ngừng tuần hoàn. Khi ấy, phần lớn cơ quan của cơ thể vẫn còn sống, thậm chí các chi bị cắt rời còn có thể nối lại và phục hồi thành công trong vòng sáu giờ sau; xương, gân cơ và da có thể sống từ 8 đến 12 giờ… Người hiến thận (hay tạng) khi được công bố là “đã chết” với sự xác nhận của bác sĩ về sự ngưng tuần hoàn máu, không hồi phục trong cơ thể con người. Trong hiến tạng, khi đã chết tim, tuy thời gian khẩn cấp nhưng bắt buộc và đòi hỏi phải thêm chứng cứ chắc chắn đã có sự ngừng tuần hoàn bằng cách đo điện tim, siêu âm Doppler để xác nhận và chứng nhận tình trạng chết. Điều đó bảo đảm trung thực về xác nhận cái chết, thuyết phục đối với nhân viên chuyên môn và người nhà bệnh nhân. Người nhận thận là các trường hợp được lựa chọn theo tiêu chuẩn nhận thận do Bộ Y tế Việt Nam quy định; có nguyện vọng ghép thận từ người cho tim ngừng đập; không có bệnh tim mạch nặng không cho phép mổ; không có chức năng đông máu kém, suy gan, viêm nhiễm… Việc mở rộng nguồn thận (hay tạng) được lấy từ người cho tim ngừng đập sẽ làm tăng thêm cơ hội được cứu sống cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối; bảo tồn chức năng thận ghép và kéo dài đời sống thận ghép. Hiện nay, ghép thận ngày càng được nhiều bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối lựa chọn vì đã cải thiện được cả thời gian và chất lượng cuộc sống của họ. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, có hơn 350 bệnh nhân đã được tiến hành mổ ghép thận. Quy trình khoa học, tiên tiến Quy trình ghép thận bao gồm: lấy thận, rửa bảo quản thận và ghép thận vào cơ thể người nhận. Với phương pháp rửa thận, ta dùng dung dịch Custadiol, hoặc Euro Collins ở 4 độ C rửa tại chỗ bằng canun hai bong bóng hoặc đặt trực tiếp qua mổ mở. Khi rửa xong, bác sĩ tiến hành lấy thận từ người chết tim (có thể kết hợp với lấy các tạng khác thì có các phương pháp lấy thận khác nhau) bằng cách đặt ống thông (catheter) ba đường và hai bong bóng vào động mạch chủ. Động mạch và tĩnh mạch đùi một bên được tiếp cận với một đường rạch da ngắn tại vùng bẹn. Catheter truyền rửa hai bong bóng được đưa vào động mạch chủ qua chỗ mở động mạch đùi.Thận được truyền rửa từ 10 đến 20 lít dung dịch citrate lạnh 4 độ C thẩm thấu cao… Sau đó mở bụng đường giữa lấy hai quả thận. Cột các mạch máu không để rò máu qua vết mổ. Khâu phục hồi thành bụng, da rồi băng kín cẩn thận. Sau khi rửa thận xong, đặt thận trực tiếp trong khay dung dịch Euro Collins có nhiệt độ khoảng 4 đến 6 độ C, chuyển sang bộ phận ghép. Thận được lấy từ người cho tim ngừng đập thường có thời gian thiếu máu nóng kéo dài, làm cho quá trình chăm sóc hậu phẫu gặp nhiều khó khăn và chi phí điều trị gia tăng do thời gian nằm viện kéo dài.Chức năng thận ghép chậm phục hồi. Tuy vậy, không có sự khác biệt về tỷ lệ thải ghép cấp, tỷ lệ biến chứng sau mổ giữa các nhóm thận lấy từ người cho tim ngừng đập và người cho thận chết não. Người cho thận (hay tạng) khi tim ngừng đập và hiến thận (tạng) sau chết não phải có thẻ đăng ký hiến sau khi chết hoặc được sự chấp thuận của gia đình; được công bố là chết tim hoặc chết não. Có những người tuy không còn trên cõi đời này, nhưng một số bộ phận cơ thể của họ vẫn tiếp tục giúp đỡ người khác tiếp tục sống và cống hiến cho xã hội. Họ là những người vĩ đại và bất tử.
Nguồn: nhandan.org.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!