Tin tức

ADH hay vasopressin: hormone chống bài niệu của vùng dưới đồi

Ngày 04/09/2016

PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC

ADH (Antidiuretic Hormone), còn có tên là Arginine Vasopressin (AVP) hay Vasopressin, là hormone chống bài niệu của vùng dưới đồi (Clarke W 2011 [3]).
Các xét nghiệm có liên quan là: áp suất thẩm thấu, creatinine, Na+, tổng phân tích nước tiểu.

1. Sinh học của ADH

ADH là một hormone peptide, phân tử gồm 9 gốc acid amin và một cầu nối disulfur (Hình 1), được sản xuất bởi vùng dưới đồi (Hypothalamus) của não và được lưu trữ ở hậu yên (Posterior Pituitary) ở nền não (Norman L 2009 [5]). ADH thường được bài tiết bởi tuyến yên để đáp ứng với các cảm biến (sensors) để phát hiện sự tăng độ thẩm thấu của máu (số lượng các phần tử hòa tan trong máu) hoặc sự giảm thể tích máu. Thận đáp ứng với tác động của ADH bằng cách tăng tái hấp thu nước và do đó làm cô đặc nước tiểu. Nước giữ lại làm loãng máu, làm giảm độ thẩm thấu của máu, làm tăng khối lượng và áp lực máu. Nếu điều này là không đủ để khôi phục lại sự cân bằng nước thì cảm giác khát cũng được kích thích để người bị ảnh hưởng sẽ uống nhiều nước hơn.

http://www.jle.com/e-docs/00/04/18/38/texte_alt_jlebdc00297_gr1.jpg
Hình 1. Cấu trúc của ADH

Nhiều tình trạng, rối loạn và một số thuốc có thể ảnh hưởng đến cả số lượng ADH được bài tiết hoặc đến cả đáp ứng của thận với ADH. Sự thiếu và dư thừa ADH có thể gây ra các triệu chứng cấp tính và mạn tính, đôi khi có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Nếu có quá ít ADH hoặc thận không đáp ứng với ADH thì quá nhiều nước sẽ bị mất qua thận, nước tiểu sẽ loãng hơn bình thường và máu trở nên bị cô đặc hơn. Điều này có thể gây nên sự khát quá nhiều, đi tiểu thường xuyên, mất nước và - nếu không được bù đủ nước thì natri trong máu sẽ tăng.

Nếu có quá nhiều ADH thì nước sẽ được giữ lại, khối lượng máu tăng lên và bệnh nhân có thể sẽ buồn nôn, đau đầu, mất phương hướng, thờ ơ và natri trong máu sẽ bị giảm.


Hình 2. Sự điều hòa và tác dụng của ADH

Sự thiếu hụt ADH còn được gọi là đái tháo nhạt (diabetes insipidus) (McPherson R 2011 [4]). Có hai loại rối loạn này: đái tháo nhạt trung ương (central) và đái tháo nhạt do thận (nephrogenic).

  • Đái tháo nhạt trung ương có liên quan với sự thiếu sản xuất ADH bởi vùng dưới đồi hoặc bài tiết từ tuyến yên và có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do sự khiếm khuyết di truyền, chấn thương đầu, u não hay do nhiễm khuẩn gây ra viêm não hoặc viêm màng não.
  • Đái tháo nhạt do thận có nguồn gốc tại thận và có liên quan với sự thiếu đáp ứng của thận đối với ADH, làm mất khả năng cô đặc nước tiểu. Đái tháo nhạt do thận có thể do di truyền hoặc do một số bệnh thận.
    Cả hai loại đái tháo nhạt này đều có thể dẫn đến sự bài xuất một lượng lớn nước tiểu loãng.

Sự tăng mức độ ADH thường gặp với sự bài xuất "các hội chứng hormone chống bài niệu không phù hợp" (syndromes of inapprpoproate antidiuretiv hormone: SIADH). Hội chứng này được đặc trưng bởi sự sản xuất quá nhiều ADH (có nghĩa là không phải do độ thẩm thấu trong máu cao hoặc khối lượng máu thấp), dẫn đến sự giữ nước tăng, natri máu và độ thẩm thấu của máu giảm. Hội chứng này có thể do một số  bệnh và tình trạng kích thích sự sản xuất và bài tiết ADH quá mức hoặc do ngăn chặn sự kìm hãm ADH. Hội chứng này cũng có thể được thấy ở khối ung thư sản xuất ADH hoặc các cơ chất giống ADH của vùng dưới đồi và tuyến yên. Bất kể do nguyên nhân hay nguồn gốc nào, sự dư thừa ADH cũng làm cho natri máu và độ thẩm thấu thấp do nước bị giữ lại và khối lượng máu tăng lên.

2. Sự sử dụng xét nghiệm ADH

Xét nghiệm hormone chống bài niệu (ADH) được sử dụng để phát hiện, chẩn đoán và xác định nguyên nhân của sự thiếu hụt hoặc dư thừa ADH (Pagana KD 2011 [2]). Tuy nhiên, ADH thường ít được sử dụng, việc chẩn đoán các tình trạng này thường vào bệnh sử, lâm sàng và các xét nghiệm khác, chẳng hạn như các xét nghiệm về máu, độ thẩm thấu và các chất điện giải nước tiểu.

Sự thiếu hụt ADH có thể gây nên một trong hai loại đái tháo nhạt. Đái tháo nhạt trung ương là do giảm sự sản xuất ADH của vùng dưới đồi hoặc do giảm sự giải phóng ADH từ tuyến yên, còn đái tháo nhạt do thận được đặc trưng bởi sự giảm đáp ứng của thận đối với ADH. Cả hai loại đái tháo nhạt đều dẫn đến sự bài tiết một lượng lớn nước tiểu loãng.

Nghiệm pháp kích thích ADH để giữ lại nước (water deprivation ADH stimulation test) đôi khi được sử dụng để phân biệt giữa hai loại đái tháo nhạt này. Các xét nghiệm về độ thẩm thấu của máu nước tiểu được thực hiện theo thời gian trước và sau khi ADH (vasopressin) được đưa vào cơ thể để theo dõi đáp ứng của cơ thể đối với sự giữ lại nước. Nghiệm pháp này phải được thực hiện dưới sự giám sát y tế chặt chẽ vì đôi khi có thể dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho một số người có bệnh tiềm ẩn.

ADH tăng có thể gặp trong "hội chứng bài tiết ADH không thích hợp" (Syndrome of inappropriate ADH: SIADH). Các xét nghiệm cho SIADH có thể bao gồm độ thẩm thấu của máu nước tiểu, natri, kali và clorua huyết tương và đôi khi là ADH.

Nghiệm pháp kìm hãm ADH để chịu tải nước (water loading ADH suppression test) đôi khi được sử dụng. Với nghiệm pháp này, bệnh nhân trong điều kiện đói được uống một lượng nước nhất định, sau đó, lượng nước tiểu và những thay đổi về độ thẩm thấu trong máu và nước tiểu được theo dõi theo thời gian. Xét nghiệm ADH cũng được thực hiện. Nghiệm pháp này cũng phải được thực hiện dưới sự giám sát y tế vì có thể gặp rủi ro ở những người bị bệnh thận và đôi khi có thể dẫn đến hạ natri máu trầm trọng.

Một số xét nghiệm khác có thể được thực hiện để phân biệt SIADH với các rối loạn khác có thể gây phù nề, natri máu thấp và/ hoặc giảm sản xuất nước tiểu, chẳng hạn như suy tim sung huyết, bệnh gan, bệnh thận, bệnh tuyến giáp.

3. Chỉ định

Xét nghiệm ADH huyết tương có thể được chỉ định cùng với các xét nghiệm khác khi có nghi ngờ có sự mất nước hoặc quá tải nước có liên quan đến sư sản xuất dư thừa hoặc thiếu hụt ADH. ADH có thể được chỉ định khi một người có natri máu thấp mà không có một nguyên nhân rõ ràng và/ hoặc có các triệu chứng liên quan với SIADH. Nếu SIADH phát triển dần dần, có thể không có triệu chứng, nhưng nếu tình trạng cấp tính, các dấu hiệu và triệu chứng thường là những người liên quan với nhiễm độc nước (water intoxication) và có thể bao gồm:

  • Nhức đầu.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Lú lẫn.
  • Trong trường hợp nặng có thể hôn mê và co giật.

Xét nghiệm ADH còn có thể được chỉ định khi một người khát nước, đi tiểu thường xuyên và thầy thuốc nghi ngờ đái tháo nhạt.

4. Giá trị tham chiếu
Mức đô ADH ở người khỏe mạnh là: 0-5 pg/mL (0-5 ng/L) hay 0-4,6 pmol/L.

5. Ý nghĩa lâm sàng

Kết quả xét nghiệm ADH một mình không phải là một chẩn đoán của một tình trạng bệnh cụ thể. ADH thường được đánh giá cùng với bệnh sử của một người bệnh, khám lâm sàng và kết quả của các xét nghiệm khác. Sự dư thừa và thiếu hụt của ADH có thể là tạm thời hay kéo dài, cấp tính hoặc mạn tính và có thể là do một bệnh tiềm ẩn, một nhiễm khuẩn, một bệnh di truyền, hoặc do phẫu thuật hoặc chấn thương não.
Sự tăng mức độ ADH thường gắn liền với hội chứng SIADH, có thể là do nhiều loại ung thư, bao gồm cả bệnh bạch cầu, ung thư hạch, ung thư phổi, tuyến tụy, bàng quang hoặc não. Mức độ ADH có thể tăng lên rất cao với các bệnh ung thư như: bệnh bạch cầu, lymphoma, các ung thư phổi, tụy, bàng quang và não. Sự tăng mức đô ADH huyết tương có sự tương quan chặt chẽ với độ thẩm thấu huyết tương được chỉ ra ở Bảng 1 (Hell W 1997 [1]):

Bảng 1. Sự tương quan giữa mức độ ADH và độ thẩm thấu huyết tương

Độ thẩm thấu (mosmol/ kg H20)

ADH ng/L (pmol/L)

270-280

< 1,5 (1,4)

281-285

< 2,5 (2,3)

286-290

1-5 (0,9-4,6)

291-295

2-7 (1,9-6,5)

296-300

4-12 (3,7-11,1)


Sự tăng ADH vừa phải có thể gặp trong các rối loạn hệ thống thần kinh như hội chứng Guillain-Barré, bệnh đa xơ cứng, bệnh động kinh và porphyria cấp tính, các rối loạn phổi như xơ nang, bệnh khí thũng và bệnh lao, HIV/ AIDS.

Xét nghiệm ADH đôi khi có thể được chỉ định để giúp điều tra natri trong máu thấp, các triệu chứng liên quan của nó và để phát hiện SIADH. Tuy nhiên, ADH không được chỉ định để chẩn đoán hay theo dõi bất kỳ bệnh hoặc tình trạng nào có thể gây ra SIADH.

ADH có thể tăng trong đái tháo nhạt do thận, mất nước, chấn thương hoặc phẫu thuật.

ADH có thể giảm trong đái tháo nhạt trung ương, uống quá nhiều nước hoặc khi độ thẩm thấu huyết thanh thấp.

C ác nghiệm pháp ức chế hoặc kích thích ADH có thể giúp phát hiện mức độ thích hợp của ADH, độ thẩm thấu và các đáp ứng giữ nước của thận.

  • Nghiệm pháp kìm hãm ADH của sự giữ nước có thể được sử dụng để giúp chẩn đoán SIADH. Với xét nghiệm này, những người có SIADH thường đã giảm natri và độ thẩm thấu của máu. Bệnh nhân không sản xuất nhiều nước tiểu như mong đợi, độ thẩm thấu nước tiểu tương đối cao tương quan đến thẩm thấu huyết thanh và nồng độ ADH tăng sẽ là thích hợp và không giảm một cách thích hợp với tải nước.
  • Một thiếu nước ADH thử nghiệm kích thích có thể được sử dụng để phân biệt giữa hai loại đái tháo nhạt.
    • Trung đái tháo nhạt là đặc trưng của sản xuất thấp bất thường của ADH và không có khả năng cô đặc nước tiểu được phản ánh như tăng độ thẩm thấu nước tiểu sau khi dùng ADH nhưng không tăng do thiếu nước một mình.
    • Đái tháo nhạt do thận (Nephrogenic diabetes) là do thận không có khả năng đáp ứng với ADH, dẫn đến mất khả năng cô đặc nước tiểu trước khi hoặc sau khi tiêm ADH và ADH trong máu cao. Bệnh này do di truyền hoặc các bệnh nhận khác nhau gây nên.

Một số điều cần chú ý
Nói chung, khả năng cô đặc nước tiểu giảm theo tuổi.

Sự bài tiết ADH tăng khi đứng, tăng vào ban đêm, khi đau, căng thẳng và tập thể dục. Sự bài tiết ADH giảm trong tăng huyết áp và khi nằm.

Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến nồng độ ADH:

  • Các thuốc kích thích bài tiết ADH, chẳng hạn như: thuốc an thần, desipramine, morphine, nicotine, amitriptyline và carbamazepine.
  • Các thuốc tăng cường tác dụng của ADH, chẳng hạn như: acetaminophen, metformin, tolbutamide, aspirin, theophylline, thuốc chống viêm không steroid.
  • Các thuốc giảm ADH hoặc tác dụng của nó, chẳng hạn như: ethanol, lithium, phenytoin.
  • Xét nghiệm ADH không cần được sử dụng một cách rộng rãi vì ở người bình thường, ADH được sản xuất và sử dụng một cách thích hợp bởi cơ thể để duy trì cân bằng nước.
  • Đái tháo đường có liên quan đến sự giảm sản xuất insulin hoặc kháng insulin và làm tăng glucose máu. Đái tháo nhạt không liên quan đến insulin hoặc glucose mà liên quan đến sự sản xuất thiếu ADH của tuyến yên hoặc đáp ứng kém của thận đối với ADH.
  • Đái tháo nhạt có thể được điều trị bằng một dạng tổng hợp của ADH để thay thế cho ADH ở những người bị đái tháo nhạt trung ương hoặc bằng cách uống đủ lượng nước để thay thế lượng nước mất đi trong nước tiểu ở những người bị đái tháo nhạt do thận.
KẾT LUẬN
  1. ADH hay vasopressin là một hormone chống bài niệu của vùng dưới đồi, được bài tiết bởi tuyến yên để đáp ứng với sự tăng độ thẩm thấu của máu hoặc sự giảm thể tích máu bằng cách tăng tái hấp thu nước ở thận và do đó làm cô đặc nước tiểu.  
  2. Xét nghiệm ADH được sử dụng để phát hiện, chẩn đoán và xác định nguyên nhân của sự thiếu hụt hoặc dư thừa ADH.
  3. Xét nghiệm ADH huyết tương có thể được chỉ định cùng với các xét nghiệm khác khi có nghi ngờ có sự mất nước hoặc quá tải nước có liên quan đến sư sản xuất dư thừa hoặc thiếu hụt ADH.
  4. Sự tăng mức độ ADH thường gắn liền với hội chứng SIADH, có thể là do nhiều loại ung thư như: bệnh bạch cầu, ung thư hạch, ung thư phổi, tuyến tụy, bàng quang hoặc não.
  5. Sự thiếu hụt ADH có thể gây nên đái tháo nhạt trung ương là do giảm  sản xuất ADH của vùng dưới đồi hoặc do giảm sự giải phóng ADH từ tuyến yên và đái tháo nhạt do thận là do giảm đáp ứng của thận đối với ADH.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hell W, Koberstain R, Zawta B. Reference Ranges for Adult and Children Pre-Analytical Considerations. Boehringer Mannheim GmbH, 1997 Mar: 302-306.
  2. Pagana KD and Pagana TJ. Mosby’s Diagnostic and Raboratory Test Reference 10th Edition: Mosby. Inc., Saint Louis, MO 2011: 78-80.
  3. Clarke W. Contemporary practice in Clinical Chemistry 2nd Edition: AACC Press, Washinhgton DC 2011: 424-428.
  4. McPherson R and Pincus M. Henry’s Clinical Diagnosis and Mansgement by Laboratory Methods 22nd Edition: Elsevier Saunders, Philadelphia, PA 2011: 183-373.
  5. Norman L. Manual of Endocrinology and Metabolism. Lippincott Williams and Wwillkins 2009: 67.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.