Tin tức

Chủ quan với “uốn ván” - Hậu quả nặng nề

Ngày 18/06/2014
BS. Phạm Quốc Tuấn
Thời gian gần đây, nhiều ca bệnh uốn ván liên tục nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết: Các ca bệnh uốn ván hiện nay hay gặp ở người lớn, vì họ là những người chưa tiêm vaccin uốn ván, hoặc đã tiêm vaccin nhiều năm trước, nay đã giảm khả năng bảo vệ. Để giúp bạn đọc biết cách phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm này, báo SK&ĐS giới thiệu bài viết sau đây.


Vết thương nhỏ nhưng tai họa lớn

Bà Trương Thị A., 52 tuổi, ở Duy Tiên, Hà Nam, giẫm phải cọc tre, xuyên vào mu bàn chân. Bà đã tự rửa và băng vết thương. Tưởng đã lành bệnh nhưng chỉ một tuần sau tai nạn, bà bị cứng hàm, khó há miệng, đến bệnh viện huyện điều trị. Sau 3 ngày bệnh càng nặng, bà bị co giật nhiều cơn, phải chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị trong tình trạng co cứng toàn thân, co giật, co cứng các cơ hô hấp, không thở được, phải mở khí quản, thở máy.

Ông Trần Văn D., 45 tuổi, ở Quế Võ, Bắc Ninh, bị gạch rơi vào chân. Ông đã tự rửa, băng vết thương, những tưởng đã lành. Ít ngày sau, ông bị cứng hàm, khó há miệng, rồi bị co cứng cơ toàn thân. Ông được khám và chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị bệnh uốn ván.

Theo các bác sĩ điều trị ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Hầu hết các trường hợp uốn ván là do bị các vết thương trong sinh hoạt như cành tre đâm bàn chân, tay; vết thương do mảnh sành, do gạch, ngói... Tuy bệnh nhân đã xử trí vết thương bằng rửa nước và băng bó, nhưng không tiêm phòng uốn ván.

Vi khuẩn uốn ván vào cơ thể như thế nào?

Uốn ván là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván có tên khoa học là Clostridium tetani gây ra. Ở dạng nha bào, vi khuẩn có thể tồn tại nhiều năm trong một số môi trường và kháng với nhiều loại thuốc khử khuẩn, không bị tiêu diệt khi bị đun sôi 20 phút. Nha bào uốn ván có trong đất, cát bụi, phân trâu, bò, ngựa và gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không tiệt khuẩn kỹ, sắt thép gỉ... Nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua vết thương, sau đó thoát nha bào thành thể hoạt động, giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công các bản vận động thần kinh - cơ, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền co cứng đó xuất hiện các cơn co giật. Bệnh nhân bị tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim. Uốn ván có tỷ lệ tử vong rất cao 25 - 90%, đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, tử vong trên 95%.

Những người có nguy cơ mắc bệnh là: người lao động nông nghiệp, làm việc ở các trang trại, các nông lâm trường, chăn nuôi gia súc và gia cầm, dọn vệ sinh cống rãnh, chuồng trại, công nhân xây dựng...

Dấu hiệu nhận biết uốn ván

Sau khi bị thương, khoảng 15% trường hợp khởi phát bệnh trong vòng 3 ngày và 10% phát bệnh sau 14 ngày, trung bình là 7 ngày. Uốn ván toàn thân là thể bệnh hay gặp nhất với dấu hiệu điển hình là tăng trương lực cơ và co cứng toàn thân. Mới đầu tăng trương lực cơ ở các cơ nhai, nuốt khó và cứng hay đau các cơ cổ, vai, lưng. Tiếp theo các cơ khác cũng bị tăng trương lực gây ra cứng bụng và cứng các cơ ở gốc chi; do co cứng liên tục các cơ mặt, bệnh nhân có vẻ mặt nhăn nhó hay kiểu cười khẩy, cười nhăn. Co cứng cơ lưng tạo ra một tư thế lưng cong ưỡn lưng. Có bệnh nhân xuất hiện các cơn co cứng toàn thân kịch phát, với cường độ mạnh, những cơn đau làm cho bệnh nhân xanh tím và đe dọa ngừng thở. Các cơn này có thể lặp đi lặp lại, có thể là tự phát hoặc do kích thích dù là rất nhẹ. Thể bệnh nhẹ: bệnh nhân chỉ bị tình trạng cứng cơ và có một vài cơn co cứng hoặc không có cơn co cứng nào. Thể vừa: bệnh nhân có dấu hiệu cứng hàm, khó nuốt, cứng cơ và các cơn co cứng. Thể nặng: bệnh nhân bị nhiều cơn kịch phát, có thể bị sốt (phần lớn không sốt). Các phản xạ gân sâu tăng. Nuốt khó hoặc chướng bụng làm cho bệnh nhân ăn uống khó khăn. Ngoài ra, có thể gặp rối loạn hệ thần kinh thực vật: huyết áp tăng thất thường, hoặc thường xuyên; nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim; sốt cao, vã mồ hôi. Một số biến chứng về tim mạch có thể gặp là hạ huyết áp và chậm nhịp tim, có khi ngừng tim đột ngột. Những biến chứng khác là viêm phổi, gãy xương, vỡ cơ, loét do nằm.

Uốn ván ở trẻ sơ sinh: thường khởi phát trong 2 tuần đầu sau khi sinh với các dấu hiệu là trẻ bỏ bú, cứng cơ và các cơn co cứng; thường là uốn ván toàn thân và dễ dẫn đến tử vong nếu không điều trị.

Uốn ván cục bộ ít gặp, biểu hiện chỉ giới hạn ở các cơ gần vết thương, đây là thể nhẹ, tiên lượng tốt. Uốn ván đầu là thể hiếm gặp của uốn ván cục bộ, diễn ra sau chấn thương đầu hay nhiễm khuẩn tai. Các triệu chứng gồm: cứng hàm, rối loạn chức năng một hoặc nhiều dây thần kinh sọ, hay gặp là dây số VII, tỷ lệ tử vong cao.

Lời khuyên của bác sĩ

Uốn ván là bệnh nguy hiểm dễ gây tử vong, nên mọi người cần cảnh giác phòng tránh bệnh. Phụ nữ mang thai cần tiêm vaccin phòng bệnh uốn ván để phòng uốn ván khi sinh. Khi bị vết thương, đặc biệt vết thương bẩn cần xử lý đúng cách, rửa vết thương bằng nước sạch để trôi chất bẩn; rửa lại vết thương bằng nước ôxy già từ 3 - 4 lần; sát trùng bằng cồn iod tại vết thương và quanh vết thương; dùng băng vô khuẩn để băng vết thương, sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để khám và tiêm phòng uốn ván.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.