Tin tức
Chuyên gia giải đáp: Buồng trứng đa nang có con được không?
1. Buồng trứng đa nang là bệnh như thế nào?
Đây là bệnh xảy ra do sự rối loạn của nội tiết tố. Những trường hợp mắc bệnh thường có nồng độ Androgen tăng bất thường, trong đó Androgen là một hormone nam giới. Chính vì hiện tượng này đã gây gián đoạn quá trình phát triển của nang noãn. Từ đó, buồng trứng xuất hiện nhiều nang nhỏ (từ 6 - 10 nang < 10mm) do nang noãn không phát triển được, trứng không thể trưởng thành và không có hiện tượng rụng trứng, dẫn tới không có khả năng thụ thai.
Phụ nữ mắc buồng trứng đa nang có tâm lý thất thường, hay lo lắng
1.1. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh
Các chuyên gia cho biết, hiện nay vẫn chưa thể tìm được nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh này. Nhưng một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể được tính đến như sau:
Yếu tố di truyền: Những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, các trường hợp có mẹ hoặc chị em gái ruột đã mắc bệnh thì nguy cơ bị đa nang buồng trứng của họ cũng sẽ cao hơn những người khác. Rất có thể khả năng đột biến gen chính là một yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh.
Dư thừa insulin: Như chúng ta đã biết Insulin chính là hormone được tế bào tuyến tụy sản xuất để sử dụng đường (glucose) và tạo ra năng lượng chính cho cơ thể chúng ta. Trong trường hợp tuyến tụy tiết nhiều insulin dẫn đến dư thừa chính là nguyên nhân dẫn đến sự tăng bất thường nồng độ Androgen của buồng trứng. Từ đó dẫn đến nang trứng không thể phát triển, trường thành và từ đó làm giảm khả năng rụng trứng.
Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống nhiều tinh bột, ăn không cân bằng dưỡng chất gây béo phì cũng có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
1.2. Những triệu chứng của bệnh buồng trứng đa nang
Khi mắc buồng trứng đa nang, chị em có thể gặp phải những biểu hiện bệnh như sau:
Chu kỳ kinh không đều: Đôi khi vòng kinh ngắn hơn bình thường, hoặc đôi khi lại kéo dài tới vài tháng mới xuất hiện một lần.
Phụ nữ mắc bệnh thường có chu kỳ kinh không đều
Phụ nữ có biểu hiện tăng cân, béo phì, đặc biệt là béo bụng. Những trường hợp này là do glucose không được chuyển hóa mà thành chất béo tích tụ lại trong cơ thể.
Thường xuyên có cảm giác bị đầy bụng hoặc luôn có cảm giác khó chịu ở vùng chậu, lưng. Trong kỳ kinh, biểu hiện này càng rõ rệt hơn.
Ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ: Biểu hiện bệnh này là do rối loạn nội tiết tố và sự tăng cân bất thường gây ra.
Sắc tố da ở háng, cổ và nách đậm màu hơn.
Chị em bị bệnh sẽ thấy xuất hiện nhiều lông trên mặt, ngực, bụng, lưng và 2 chi.
Da người bệnh tiết nhiều dầu hơn và mọc nhiều mụn trứng cá.
Tóc rụng thường xuyên và nhiều hơn, nhất là phần đỉnh đầu.
Khi mắc hội chứng buồng trứng đa nang, chị em cũng có sự thay đổi khá nhiều về tâm lý, dễ buồn, dễ vui, tâm lý rất thất thường,...
Chậm mang thai hoặc dễ mắc vô sinh hiếm muộn.
Rối loạn nội tiết tố, dư thừa Insulin,… chính là những nguyên nhân khiến cho bệnh nhân dễ mắc tiểu đường tuýp 2.
Bệnh nhân dễ bị tăng huyết áp, có nguy cơ cao mắc những bệnh về tim mạch.
2. Buồng trứng đa nang có con được không?
Nhiều chị em phụ nữ khi biết mình mắc bệnh thường vô cùng lo lắng đến khả năng mang thai của bản thân. Vậy thực chất căn bệnh này có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như thế nào, buồng trứng đa nang có con được không?
Thực tế, phụ nữ mắc buồng trứng đa nang vẫn có thể mang thai nếu được điều trị kịp thời và đúng cách. Nếu để bệnh càng lâu thì nguy cơ khả năng mang thai càng thấp. Thông thường, mỗi trường hợp bệnh khác nhau sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị theo phương pháp phù hợp nhằm giúp phụ nữ điều hòa kinh nguyệt và giúp bảo vệ khả năng sinh sản cho chị em.
Tập luyện để cải thiện bệnh
Một số phương pháp điều trị bệnh thường được áp dụng như sau:
Trước hết, bệnh nhân cần phải thay đổi thói quen sống và cố gắng đưa cân nặng về mức hợp lý. Nên ăn uống cân bằng dưỡng chất, không nên ăn quá nhiều tinh bột, đường, các thực phẩm nhiều đạm, nên ăn nhiều chất xơ, nhiều vitamin và sắt. Đặc biệt cần lưu ý đến chế độ vận động, nên lựa chọn bài tập phù hợp và tập thường xuyên, tốt nhất nên hạn chế thức khuya, nên giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng lo âu,…
Thăm khám sức khỏe định kỳ: Đây là cách giúp bạn phát hiện sớm những loại bệnh tật và phòng ngừa tối đa nguy cơ biến chứng.
Dùng thuốc kích thích buồng trứng: Với những trường hợp đang cố gắng để mang thai, các bác sĩ sẽ có thể chỉ định sử dụng thuốc kích thích buồng trứng phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân. Có 2 dạng: Thuốc uống và thuốc tiêm.
Phẫu thuật: Trong một số trường hợp, phương pháp phẫu thuật sẽ được lựa chọn, cụ thể là phẫu thuật nội soi đốt điểm buồng trứng với mục đích làm giảm mức độ kích tố nam và tăng cường rụng trứng cho bệnh nhân.
Sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm
Hỗ trợ sinh sản : Bao gồm thụ tinh trong ống nghiệm và Bơm IUI. Những trường hợp quá khó khăn khi mang thai, bác sĩ có thể tư vấn về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Nghĩa là trứng và tinh trùng sẽ được thụ tinh trong ống nghiệm, khi hình thành phôi thai sẽ đưa vào tử cung của người vợ. Đây là phương pháp hiện đại nhất hiện nay, nhưng tỉ lệ thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là độ tuổi của người phụ nữ. Tuổi càng cao thì cơ hội thành công sẽ ít hơn.
Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi buồng trứng đa nang có con được không. Nếu có nhu cầu tư vấn thêm, bạn hãy gọi đến số 1900 56 56 56, bác sĩ bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ tư vấn miễn phí cho bạn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!