Tin tức

Cơ tim hạn chế: phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả

Ngày 16/08/2021
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Trong các bệnh lý tim mạch, cơ tim hạn chế là bệnh tương đối hiếm gặp nhưng tiên lượng rất xấu, tỉ lệ tử vong cao. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra cơ tim hạn chế, một số nguyên nhân có thể điều trị để kiểm soát bệnh tốt hơn, một số chỉ có thể điều trị duy trì.

1. Nhận biết dấu hiệu bệnh cơ tim hạn chế

Bệnh cơ tim hạn chế là bệnh xảy ra khi cơ tim có vấn đề, khiến buồng tâm thất không đủ khả năng giãn ra để đồ đầy máu và bơm đi.

Cơ tim hạn chế là bệnh tim mạch nguy hiểm

Cơ tim hạn chế là bệnh tim mạch nguy hiểm

Vì thế lượng máu được đẩy đi nuôi các cơ quan trong cơ thể thường xuyên trong tình trạng thiếu hụt, giảm sút, gây ra những triệu chứng:

  • Cơ thể mệt mỏi, khó thở, triệu chứng này giống với triệu chứng bệnh suy tim.

  • Rối loạn nhịp tim, thỉnh thoảng xuất hiện tim rung lên trong lồng ngực.

  • Người bệnh bị khó thở, cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi hoặc ngất xỉu khi làm việc gắng sức, tập thể dục hoặc đột ngột thay đổi tư thế.

  • Buồn nôn, chán ăn.

  • Tăng cân do tích nước, sưng phù ở nhiều cơ quan, đặc biệt là ở chân, mắt cá chân, bụng và bàn chân.

  • Nổi tĩnh mạch ở cổ,...

2. Các phương pháp giúp chẩn đoán bệnh cơ tim hạn chế

Các dấu hiệu lâm sàng giúp bác sĩ có thể dự đoán bệnh, song để chẩn đoán chính xác bệnh cũng như tình trạng bệnh thì cần dựa trên các xét nghiệm cận lâm sàng. Dưới đây là dấu hiệu cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh cơ tim hạn chế:

2.1. Chụp tim phổi

Bệnh nhân cơ tim hạn chế khi chụp tim phổi sẽ thấy bóng tim thường không to, trừ trường hợp giãn rộng hai nhĩ hoặc ứ huyết phổi nặng.

Điện tâm đồ cho thấy bất thường trong hoạt động của tim

Điện tâm đồ cho thấy bất thường trong hoạt động của tim

2.2. Điện tâm đồ

Kết quả điện tâm đồ hầu hết mọi lúc đều bất thường, tình trạng bất thường ở mỗi bệnh nhân có thể khác nhau. Thường gặp nhất là block nhánh trái và dày nhĩ trên điện tâm đồ.

2.3. Siêu âm tim

Kết quả siêu âm tim giúp bác sĩ đánh giá các tình trạng sau trong bệnh cơ tim hạn chế:

  • Xơ hóa nội mạc cơ tim.

  • Đánh giá tình trạng thất, chức năng tim, tình trạng màng tim và các van.

  • Phát hiện hở hai lá và hở các van.

  • Đánh giá các rối loạn chức năng tâm trương, bao gồm: giãn nở tim của thất,…

2.4. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu không giúp cung cấp nhiều thông tin về tình trạng bệnh, nhưng lại rất quan trọng để tìm nguyên nhân dẫn đến cơ tim hạn chế như:

  • Hàm lượng bạch cầu ái toan tăng trong xơ hóa nội mạc cơ tim.

  • Tình trạng thừa sắt, bilan miễn dịch.

2.5. Các kỹ thuật khác

Những chẩn đoán trên đã cung cấp tương đối đầy đủ thông tin về bệnh cơ tim hạn chế cũng như nguyên nhân. Song các trường hợp khó chẩn đoán hoặc cơ sở y tế trang bị đầy đủ thiết bị hơn, có thể dùng đến các kĩ thuật như:

Thông tim cho phép chẩn đoán và sinh thiết mô cơ tim

Thông tim cho phép chẩn đoán và sinh thiết mô cơ tim

Thông tim

Thông tim giúp bác sĩ có thể chẩn đoán phân biệt tình trạng cơ tim hạn chế với viêm co thắt màng ngoài tim. Ngoài ra, trong kỹ thuật này bác sĩ có thể đồng thời lấy mô nhỏ cơ tim để phân tích, tìm ra nguyên nhân dẫn đến bệnh.

Chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ

Hình ảnh siêu âm có thể không rõ ràng, trong khi ảnh chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ MRI có độ phân giải cao, tìm kiếm tổn thương dễ dàng hơn. Đặc biệt, ảnh chụp này được thực hiện khi bác sĩ cần chẩn đoán phân biệt bệnh cơ tim hạn chế với viêm màng ngoài tim co thắt, trong đó dấu hiệu màng ngoài tim dày là dấu hiệu phân biệt.

Sinh thiết nội mạc cơ tim

Kết quả phân tích sinh thiết giúp chẩn đoán xác định và tìm nguyên nhân dẫn đến bệnh cơ tim hạn chế.

3. Tiên lượng và điều trị cho bệnh nhân cơ tim hạn chế 

Trên cả thế giới, bệnh cơ tim hạn chế khá hiếm gặp nên nghiên cứu về cơ chế, nguyên nhân cũng như điều trị bệnh còn nhiều hạn chế. Đa phần bệnh nhân phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn cuối, khi bệnh đã muộn, khả năng phục hồi kém nên tiên lượng bệnh rất xấu.

Cơ tim hạn chế là bệnh có tiên lượng nặng

Cơ tim hạn chế là bệnh có tiên lượng nặng

3.1. Tiên lượng bệnh

Tiên lượng bệnh sẽ dựa trên tiến triển, tiến triển càng nặng thì tiên lượng càng xấu, có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân:

  • Bệnh cơ tim hạn chế tiến triển thành suy tim, gây ra phù toàn thân, xuất hiện những cơn khó thở kịch phát, tắc tĩnh mạch,…

  • Rối loạn nhịp tim nặng, hình thành cục máu đông gây biến chứng thuyên tắc mạch, dẫn tới nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận, hoại tử tay chân,… và nghiêm trọng nhất khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.

  • Bệnh cơ tim hạn chế không được điều trị tốt hoặc điều trị không có hiệu quả, bệnh sẽ gây suy giảm chức năng tim dần dần cho đến khi tim không đủ khả năng hoạt động.

3.2. Điều trị

Nếu không điều trị, thường bệnh nhân cơ tim hạn chế sẽ tử vong do biến chứng bệnh sau 2 - 3 năm. Các trường hợp phát hiện sớm, điều trị tích cực thì tỉ lệ sống sót sau 10 năm đạt khoảng 50%. Hiện chưa tìm được phương pháp điều trị bệnh triệt để, can thiệp điều trị cần hướng tới 3 mục tiêu chính là: giảm nhẹ triệu chứng, kiểm soát nhịp tim và ngăn ngừa biến chứng.

Các phương pháp điều trị hiện được áp dụng cho bệnh nhân cơ tim hạn chế bao gồm:

  • Dùng thuốc lợi tiểu: có tác dụng giảm áp lực đổ đầy tim, giảm nguy cơ tiền tải một cách nghiêm trọng và từ đó tăng cường chức năng cũng như hoạt động của tim.

  • Thuốc điều chỉnh nhịp tim hoặc thuốc ngăn ngừa miễn dịch để kiểm soát bất thường nhịp tim, những rối loạn này là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở bệnh nhân cơ tim hạn chế.

  • Điều trị và ngăn ngừa thuyên tắc mạch bằng cách sử dụng thuốc kháng đông suốt đời với liều dùng hàng ngày phù hợp.

  • Điều trị bệnh lý nền tim mạch cùng tồn tại với cơ tim hạn chế hoặc là nguyên nhân gây cơ tim hạn chế, đây là mục tiêu điều trị quan trọng giúp bệnh nhân kéo dài sự sống. Tuy nhiên việc điều trị và hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh và mức độ nguy hiểm.

Điều trị ngoại khoa có thể cần thiết cho bệnh nhân cơ tim hạn chế

Điều trị ngoại khoa có thể cần thiết cho bệnh nhân cơ tim hạn chế

  • Điều trị ngoại khoa: Bác sĩ sẽ cần cắt bỏ phần xơ gây hẹp ở cơ tim, đồng thời thay van nhĩ thất để khắc phục rối loạn hoạt động do cơ tim hạn chế.

  • Phẫu thuật ghép tim: Hiện còn nhiều tranh cãi về hiệu quả của phương pháp phẫu thuật ghép tim với bệnh nhân cơ tim hạn chế do đã xảy ra tình trạng tổn thương tái phát trên tim mới được ghép.

Cơ tim hạn chế là bệnh lý hiếm gặp và nguy hiểm, phát hiện và điều trị bệnh càng sớm, tiên lượng bệnh càng tốt, thời gian sống của bệnh nhân càng dài. Do đó, nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh, bệnh nhân nên sớm tới cơ sở y tế để kiểm tra.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ