Tin tức

Dị ứng thuốc, nam bệnh nhân nổi ban đỏ toàn thân, tổn thương vùng nhạy cảm

Ngày 23/06/2025
Ban biên tập
Ban đỏ tái phát tại cùng một vị trí trên cơ thể sau khi dùng thuốc là dấu hiệu điển hình của hồng ban cố định nhiễm sắc - một dạng dị ứng thuốc có tính chất lặp lại nhưng dễ bị bỏ sót. Ca bệnh ghi nhận tại MEDLATEC là lời nhắc nhở người dân về sự thận trọng khi tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là những thuốc không kê đơn.

Nổi ban đỏ toàn thân do dị ứng thuốc có thành phần paracetamol 

Anh L.A.T (48 tuổi, trú tại Hà Nội) đến thăm khám tại Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Tây Hồ trong tình trạng cơ thể xuất hiện ban đỏ lan rộng, kèm theo tổn thương da tại vùng sinh dục. Theo chia sẻ, các triệu chứng này xuất hiện sau khi anh dùng thuốc kháng sinh và giảm đau có paracetamol, được chỉ định hậu phẫu nhổ răng khôn. Đáng lưu ý, hiện tượng tương tự đã từng xảy ra cách đây 2 năm khi anh dùng thuốc cảm cúm. 

Tại Phòng khám, qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ ghi nhận tình trạng ban đỏ thẫm ranh giới rõ, kích thước 2-5cm, phân bố tại vùng cổ, bụng, sinh dục và đùi; các tổn thương không kèm theo ngứa hay đau, không lan sâu dưới da. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số IgE trong máu của bệnh nhân tăng cao bất thường - dấu hiệu điển hình của phản ứng dị ứng. 

Tình trạng ban đỏ thẫm xuất hiện trên cơ thể bệnh nhân

Tình trạng ban đỏ thẫm xuất hiện trên cơ thể bệnh nhân 

Dựa trên triệu chứng lâm sàng và kết quả cận lâm sàng, anh T. được chẩn đoán mắc hồng ban cố định nhiễm sắc - một dạng phản ứng dị ứng đặc hiệu, tái phát tại cùng một vị trí trên cơ thể khi tiếp xúc lại với tác nhân dị ứng, trong trường hợp này là paracetamol. 

Ngay lập tức, bệnh nhân được bác sĩ yêu cầu ngừng hoàn toàn các loại thuốc có chứa thành phần paracetamol. Đồng thời, anh T. được kê đơn điều trị ngoại trú để kiểm soát tổn thương da, tránh biến chứng. 

Tái phát ban đỏ tại cùng vị trí - Dấu hiệu điển hình của hồng ban cố định nhiễm sắc 

BSCKI. Nguyễn Thu Trang - Chuyên khoa Da liễu, Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Tây Hồ cho biết, hồng ban cố định nhiễm sắc là một dạng phản ứng dị ứng da đặc hiệu với thuốc, được đặc trưng bởi các tổn thương da tái phát tại cùng một vị trí mỗi khi người bệnh tiếp xúc lại với loại thuốc gây dị ứng. Bệnh dễ gây nhầm lẫn với các bệnh da liễu khác nếu không được chẩn đoán đúng cách và có hướng xử trí kịp thời. 

Theo bác sĩ, bệnh thường xuất hiện sau khi dùng một số loại thuốc phổ biến như thuốc giảm đau hạ sốt (đặc biệt là paracetamol), kháng sinh (nhóm sulfonamid, tetracycline...), thuốc chống co giật, hoặc các thuốc cảm cúm không kê đơn. 

Về triệu chứng, người bệnh có thể thấy xuất hiện các dát đỏ sẫm, bờ rõ, kích thước vài centimet, đôi khi kèm theo phồng rộp, ngứa nhẹ, hoặc không ngứa. Các tổn thương thường xuất hiện tại môi, vùng sinh dục, mặt trong đùi, tay, bụng... và sẽ tái phát tại cùng vị trí mỗi khi dùng lại thuốc gây dị ứng. Sau khi tổn thương lành, thường để lại vết tăng sắc tố (nhiễm sắc) sẫm màu kéo dài. 

Các tổn thương của hồng ban cố định nhiễm sắc (Nguồn ảnh: Internet)

Các tổn thương của hồng ban cố định nhiễm sắc (Nguồn ảnh: Internet) 

Hướng xử trí đầu tiên trong quá trình điều trị bệnh hồng ban cố định nhiễm sắc là ngưng sử dụng thuốc gây dị ứng ngay lập tức. Bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc bôi chống viêm, hoặc thuốc kháng histamin nếu cần. Đặc biệt, điều quan trọng là bệnh nhân cần được tư vấn tránh dùng lại thuốc liên quan, bởi mỗi lần tái phát có thể khiến tổn thương lan rộng, hoặc gây biến chứng nặng hơn. 

Cẩn trọng khi tự ý dùng thuốc không kê đơn 

Hiện nay, tình trạng người dân tự ý mua và sử dụng thuốc không kê đơn ngày càng phổ biến, đặc biệt là các thuốc cảm cúm, giảm đau, hạ sốt như paracetamol hay các loại kháng sinh dạng phối hợp.  

Nhiều người có thói quen “tự ý làm bác sĩ” mà không tham khảo ý kiến bác sĩ/ dược sĩ, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra các phản ứng bất lợi, trong đó có dị ứng thuốc gây tổn thương gan - thận và tình trạng kháng kháng sinh nguy hiểm. 

Với những thành phần tưởng chừng “vô hại” như paracetamol có trong nhiều loại thuốc cảm cúm, hạ sốt, giảm đau vẫn có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, điển hình như hồng ban cố định nhiễm sắc. Trường hợp bệnh nhân L.A.T được ghi nhận tại Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Tây Hồ cho thấy, việc không biết rõ thành phần thuốc và tiền sử dị ứng bản thân có thể dẫn đến tình trạng tổn thương da toàn thân, vùng nhạy cảm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. 

BSCKI. Nguyễn Thu Trang khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe bản thân, người dân cần: 

  • Đọc kỹ thành phần thuốc trước khi sử dụng, đặc biệt nếu có tiền sử dị ứng. 
  • Không tự ý dùng nhiều loại thuốc cùng lúc nếu không rõ sự tương tác. 
  • Luôn hỏi ý kiến bác sĩ/ dược sĩ khi cần dùng thuốc kéo dài, hoặc có biểu hiện bất thường sau dùng thuốc. 
  • Lưu giữ thông tin về các loại thuốc đã từng gây dị ứng để thông báo tới bác sĩ trong các lần khám bệnh sau. 

Ngoài ra, khi xuất hiện các dấu hiệu như ban đỏ bất thường, ngứa, sưng nề, hoặc khó thở sau khi dùng thuốc, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời. 

Người dân cần cẩn trọng khi dùng thuốc không kê đơn

Người dân cần cẩn trọng khi dùng thuốc không kê đơn 

Hệ thống Y tế MEDLATEC với đội ngũ bác sĩ Da liễu, Miễn dịch - Dị ứng và hệ thống Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh hiện đại, đạt chuẩn quốc tế luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân trong công tác chẩn đoán, điều trị và tư vấn dùng thuốc an toàn. 

Tổng đài toàn quốc của Hệ thống Y tế MEDLATEC 1900 56 56 56 hỗ trợ người dân các vấn đề sức khỏe 24/24h. 

Từ khoá: bệnh dị ứng

Bình luận (0)

Đăng ký để bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ