Tin tức

Điều trị đau mắt đỏ, có gì mới?

Ngày 21/10/2014
Bs Hoàng Cương - BV Mắt Trung ương
Chúng ta đang ở mùa đau mắt đỏ. Đến bệnh viện khám cho vô số bệnh nhân đau mắt đỏ, đón con đi học về nghe con kể bi bô: lớp con có bạn đau mắt đỏ.

Hôm nay đi thi tiếng Anh, trong lớp có 20 người nhưng có 2 cô đeo kính râm xùm xụp…cũng đau mắt đỏ. Tài liệu nói mỗi năm Nhật Bản có khoảng 1 triệu ca đau mắt đỏ, ở Anh đau mắt đỏ chiếm tỷ lệ 396/10.000 dân. Điều trị bệnh còn rất mông lung và bế tắc. Những thông tin sau đây chắc sẽ làm bạn phải đồng ý với nhận định trên.

Một quan niệm trung dung, kém phần lạc quan và rắn rỏi đó là khái niệm quản lý bệnh tật (management)  chứ không phải là điều trị bệnh (treatment). Nhiều khi chúng ta phải chọn giải pháp là quản lý bệnh chứ không phải là điều trị bệnh. Điều này tỏ ra đúng với cận thị, với đau mắt đỏ. Virus Adeno là thủ phạm gây ra đau mắt đỏ. Đôi khi “đồng phạm” có thêm virus Picorna và Coxakie A24. Thực sự là chúng ta không điều trị tiệt căn được đau mắt đỏ hay nói đúng hơn là thuốc diệt virus mà ta đang có chỉ diệt được virus ngoại bào, sống trên bề mặt nhãn cầu nhưng lại không làm rút ngắn được thời gian điều trị, không làm giảm được tỷ lệ biến chứng vào giác mạc. Như vậy thuốc diệt virus chỉ “làm đẹp” cho các xét nghiệm trong labo chứ không giúp được  gì cho bệnh nhân. Các globuline miễn dịch nhóm G (IgG) điều trị tốt cho nhiễm virus herpes tại màng bồ đào và tiền phòng. Thế nhưng đem ra áp dụng để tiêu diệt virus adeno thì lại không hiệu quả và quá đắt đỏ.  Cầu kỳ hơn  một nhóm nghiên cứu của Đức dùng cidofovir 1% nhỏ mắt (kháng virus) đơn thuần  và có pha thêm  cyclosporin A 1% (chất điều hòa miễn dịch) áp dụng cho bệnh nhân viêm kết giác mạc do adeno virus (tên gọi đầy đủ của đau mắt đỏ). Kết quả nghiên cứu rất đáng thất vọng: hỗn chất trên làm giảm tỷ lệ viêm giác mạc nhưng gây độc đáng kể cho mắt. Do vậy cần nghiên cứu thêm về nồng độ an toàn của thuốc. Tại Mỹ Cidofovir 0.5%  được đem ra thử nghiệm nhưng phải dừng lại vì tác dụng phụ gây tắc đường lệ khá phổ biến. N-chlorotaurine (NCT) được cả Mỹ và Châu Âu hy vọng bởi tác dụng kháng khuẩn, kháng virus rộng và an toàn. Thế nhưng thử nghiệm thuốc mới chỉ cho kết quả tốt trong labo và trên động vật thử nghiệm. Giai đoạn thử nghiệm trên người còn đang phải chờ kết quả. Trong khi chờ đợi thuốc diệt virus ra đời chúng ta phải theo các qui tắc điều trị  kinh điển nhưng vẫn giúp bệnh nhân dễ chịu hơn, tránh lây lan cho người khác:

- Nước muối sinh lý tra rửa thường xuyên: giúp đẩy bớt virus gây bệnh ra ngoài, làm êm dịu cho mắt

- Các thuốc kháng sinh và kháng sinh có cortizol được nhiều khuyến cáo tốt bởi chống bội nhiễm vi khuẩn, giảm ra gỉ, đem lại cảm giác dễ chịu cho người bệnh. Tuy nhiên không nên dùng quá 7 ngày. Cũng nên ngừng thuốc và đi khám sớm nếu dùng thuốc thấy không đỡ hoặc bệnh nặng thêm.

- Khi có biến chứng vào giác mạc: viêm đốm, viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc sâu cần dùng thêm thuốc dinh dưỡng giác mạc, chống viêm, kháng virus của bác sĩ chuyên khoa.

- Một số người có kinh nghiệm xông lá thuốc: lá dâu, lá tre, hoa cúc…ở giai đoạn mắt đã gần ổn định (qua cơn viêm cấp) đem lại dễ chịu đáng kể, mắt trắng nhanh và trở lại sinh hoạt bình thường.

Điều trị giống nhau, nguyên nhân gây bệnh giống nhau nhưng mỗi người bệnh sẽ  cảm nhận thấy độ nặng nhẹ, thời gian khỏi bệnh, số lần bị bệnh, nguy cơ biến chứng…rất khác nhau. Có rất nhiều lý do tạo ra sự khác biệt như trên: type virus khác nhau, sức khỏe thể chất và tố chất miễn dịch khác nhau, tuổi tác.


Nguồn: vnio.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.