Tin tức
Điều trị di chứng và phục hồi chức năng do bỏng
Điều trị di chứng bỏng
Mức độ di chứng phụ thuộc vào độ sâu, vị trí của bỏng, phương pháp điều trị tổn thương bỏng... bao gồm các loại chính: sẹo phì đại, sẹo lồi và sẹo co kéo. Ngoài ra, còn có thể gặp các biến chứng như dính tổ chức, loét thiểu dưỡng, ung thư hóa trên nền sẹo...
Điều trị di chứng bỏng là một vấn đề ngày càng được quan tâm nhằm cải thiện sức khỏe, phục hồi công năng, phục hồi thể hình và thẩm mỹ cho bệnh nhân, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Các biện pháp cụ thể:
Sử dụng thuốc: như corticosteroid tiêm vào sẹo, các thuốc nhóm kháng histamin, penicillamin, methotrexat, colchicin, madecassol, hirudoid... bôi tại chỗ.
Biện pháp cơ học: băng ép tạo áp lực, băng ép kết hợp silicon gel, dụng cụ cố định tứ chi, cổ...
Vật lý liệu pháp: như áp lạnh cục bộ, chiếu tia X, siêu âm, điện xung: làm giảm đau trong sẹo, sử dụng laser CO2, các loại laser màu...
Phẫu thuật: Hiện nay, phẫu thuật đóng vai trò chủ yếu trong điều trị di chứng bỏng, nhất là điều trị sẹo co kéo. Cần chú ý, về thời gian, thường đợi cho sau 6 tháng kể từ khi vết bỏng thành sẹo mới mổ. Trước khi phẫu thuật, phải khẳng định sẹo đã ổn định chưa, sẹo đã ổn định mềm, trong khi đó sẹo chưa ổn định cứng, vẫn còn các tế bào viêm và myofibroblast sẽ gây nên co kéo thứ phát sau phẫu thuật. Cần có kế hoạch xử trí thích hợp và dự kiến lâu dài, chú ý mổ từng đợt, giải quyết từng bước, mổ kết hợp với vận động lý liệu pháp cho từng bệnh nhân.
Các phương pháp phẫu thuật gồm: chuyển vạt da (vạt chuyển, vạt xoay tại chỗ, vạt V – Y, tạo hình chữ U, vạt có cuống mạch nuôi hằng định, vạt da kiểu Ý, trụ filatop, vạt tự do có nối mạch vi phẫu...); Phẫu thuật ghép da, hiệu quả nhất là ghép da dày toàn lớp kiểu WK (Wolffe Krause), ngoài da còn ghép da xẻ đôi, ghép da mỏng; giãn tổ chức.
Vật lý trị liệu phục hồi chức năng, tái hòa nhập cộng đồng
Vật lý trị liệu ở các bệnh nhân bị bỏng là một công việc quan trọng và phải được thực hiện thường xuyên nhằm phục hồi chức năng các cơ quan, tăng cường sức đề kháng cơ thể giúp cho sự liền vết thương và tránh những biến chứng do nằm lâu của bệnh nhân bỏng như loét các điểm tì, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, loãng xương, co rút các khớp... Vật lý trị liệu mà chủ yếu là vận động liệu pháp (Kinesistherapy) có hay không có dụng cụ hỗ trợ nên được áp dụng cho bệnh nhân bị bỏng ngay trong giai đoạn bỏng mới khi bệnh nhân vừa thoát sốc, có thể chia làm 3 giai đoạn áp dụng vật lý trị liệu cho bệnh nhân:
Giai đoạn 1: Giai đoạn cấp, mục đích ngăn ngừa: sự giới hạn của khớp, sự co rút của gân, cơ, biến chứng đường hô hấp, phù nề.
Giai đoạn 2: Giai đoạn sau giai đoạn cấp, mục đích: phục hồi trương lực cơ, đưa trở lại trạng thái bình thường, giúp bệnh nhân hồi phục trong thời gian ngắn nhất nếu có thể.
Giai đoạn 3: Giai đoạn di chứng, mục đích: ngăn ngừa sẹo, điều trị di chứng khớp, di chứng thần kinh, đưa bệnh nhân hội nhập lại môi trường sống, gia đình và xã hội.
Các bác sĩ điều trị và chuyên gia trị liệu sẽ khám và hoạch định kế hoạch điều trị về vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho bệnh nhân từ lúc nhập viện đến lúc ra viện. Sau khi ra viện, bệnh nhân vẫn phải theo một chương trình tập luyện để chống các di chứng của sẹo bỏng.
Ngoài ra, một vấn đề cần chú ý trong điều trị bỏng là tâm lý liệu pháp. Thời gian điều trị bỏng sâu diện rộng thường kéo dài, hàng ngày, người bệnh cần tiếp nhận nhiều thủ thuật gây đau đớn, chấn thương thêm, mất máu (thay băng, tiêm truyền, thay đổi tư thế, lấy máu xét nghiệm, phẫu thuật các loại...), do đó, đặc biệt cần chú ý đến tâm lý tiếp xúc, thái độ ân cần động viên, phục vụ tận tình và thông cảm sâu sắc với hoàn cảnh người bệnh. Sau khi khỏi ra viện, bệnh nhân vẫn thường có tâm lý tự ti về hình thể, ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh, khó khăn trong tái hòa nhập cộng đồng. Ở các nước phát triển, vấn đề tâm lý liệu pháp đã được chú ý đúng mức, bệnh nhân luôn được tư vấn, giúp đỡ kịp thời của hệ thống các chuyên gia tâm lý. Còn ở nước ta, chưa có hệ thống các chuyên gia tâm lý cho người bệnh nói chung và người bệnh bỏng nói riêng, chủ yếu dựa vào người nhà bệnh nhân, do đó, vấn đề tái hòa nhập cộng đồng của bệnh nhân còn nhiều khó khăn.
Công tác điều trị bỏng, nhất là bỏng sâu diện rộng rất khó khăn, tốn kém, đòi hỏi phải điều trị toàn diện, tích cực, điều trị toàn thân kết hợp điều trị tại chỗ, chú trọng dự phòng và điều trị di chứng bỏng, phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng cho người bệnh.
Các kỹ thuật xử trí hoại tử bỏng: rạch hoại tử bỏng, cắt bỏ hoại tử bỏng (tiếp tuyến hoặc toàn lớp), khoan đục xương bị hoại tử, cắt cụt chi, tháo khớp, lấy sụn viêm... Các phẫu thuật ghép da và che phủ tổn khuyết bỏng: ghép da tự thân (mảnh lớn, mảnh nhỏ, mảnh da tem thư...), ghép da đồng loại, di loại, màng sinh học; chuyển vạt da... Phẫu thuật điều trị các biến chứng ngoại khoa ở bệnh nhân bỏng: thắt mạch máu, mổ dẫn lưu các ổ áp-xe, viêm mủ khớp, mở khí quản, khâu lỗ thủng tiêu hóa... Phẫu thuật điều trị các di chứng bỏng. |
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!