Tin tức
Độ tuổi tiêm HPV nào là tốt nhất? Ngoài độ tuổi này có thể tiêm HPV được không?
- 03/12/2024 | Tiêm HPV 9 chủng: Phòng ngừa những bệnh gì, chi phí ra sao?
- 09/04/2025 | Tiêm HPV cho nam có tác dụng gì? Loại vắc xin nào phù hợp nhất?
- 13/04/2025 | Quan hệ rồi có tiêm HPV được không? Nếu được thì tiêm vắc xin nào tốt nhất?
1. Vì sao nên tiêm vắc xin HPV?
Do một số chủng của virus HPV có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có bệnh ung thư ở cơ quan sinh sản nên việc tiêm phòng vắc xin là cần thiết để giảm thiểu nguy cơ này. Vắc xin khi đi vào cơ thể sẽ khiến hệ miễn dịch phát triển khả năng nhận diện và chống lại virus ngay khi có sự xâm nhập vào cơ thể, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng về sau.
Đặc biệt, vắc xin HPV đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc phòng ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, ung thư vùng họng,... đối với cả nam giới và nữ giới.
Tiêm vắc xin HPV giúp phòng ngừa các chủng HPV nguy hiểm
2. Độ tuổi tiêm HPV nào là tốt nhất, ngoài độ tuổi này có tiêm HPV được nữa không?
2.1. Độ tuổi tiêm HPV phát huy hiệu quả tốt nhất
Khuyến cáo được WHO và CDC đưa ra cho biết, độ tuổi tiêm HPV tốt nhất là từ 9 đến 14 tuổi. Đây là giai đoạn mà hệ miễn dịch vẫn đang phát triển, phản ứng với vắc xin đạt hiệu quả tối ưu và ở độ tuổi này hầu như chưa quan hệ tình dục vì vậy cơ hội bảo vệ là rất cao.
Việc tiêm phòng HPV theo đúng độ tuổi lý tưởng mang lại nhiều lợi ích:
- Càng tiêm sớm, khả năng bảo vệ càng cao trước khi có nguy cơ bị lây nhiễm qua quan hệ tình dục.
- Hệ miễn dịch của trẻ ở độ tuổi này phản ứng mạnh mẽ nên sẽ sản sinh ra nhiều kháng thể cần thiết để chống lại sự xâm nhập của các chủng HPV nguy hiểm.
- Khi tiêm vắc xin HPV trước tuổi 15, trẻ chỉ cần tiêm 2 liều thay vì 3 liều như người lớn. Điều này không chỉ giúp giảm số mũi tiêm mà còn tối ưu chi phí và hạn chế tác dụng phụ có thể gặp phải.
- Việc phòng ngừa sớm sẽ giảm chi phí điều trị các bệnh lý phức tạp phát sinh khi nhiễm phải virus HPV sau này.
Độ tuổi tiêm HPV lý tưởng nhất là 9 - 14 tuổi
2.2. Có thể tiêm HPV ngoài độ tuổi tốt nhất không?
Mặc dù độ tuổi tiêm HPV tốt nhất theo khuyến cáo là từ 9 đến 14 tuổi nhưng không phải ai cũng có cơ hội tiêm trong khoảng thời gian này. Vậy, nếu không tiêm HPV ở độ tuổi được khuyến cáo, bạn vẫn có thể tiêm phòng HPV không?
Hiện nay, độ tuổi tiêm phòng HPV đã được CDC Hoa Kỳ mở rộng trong khoảng 9 - 45 tuổi. Vì thế, ngoài độ tuổi lý tưởng như đã đề cập ở trên, bạn vẫn có thể tiêm HPV. Việc tiêm phòng khi đã ngoài độ tuổi lý tưởng tuy không tạo ra khả năng miễn dịch mạnh như giai đoạn 9 - 14 tuổi nhưng vẫn mang lại nhiều lợi ích:
- Vắc xin vẫn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm các chủng HPV chưa từng mắc phải.
- Giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến HPV, ngay cả khi đã có tiếp xúc với virus.
Vắc xin HPV nên được tiêm phòng trong khung tuổi này, càng sớm càng tốt bởi hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo độ tuổi. Điều này được giải thích do khi tiêm phòng muộn, hệ miễn dịch phản ứng yếu hơn và khả năng đã bị nhiễm virus HPV từ trước đó.
Trường hợp tiêm HPV ngoài độ tuổi lý tưởng, trước khi tiêm, bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn xét nghiệm về khả năng nhiễm HPV và lựa chọn loại vắc xin phù hợp. Ngoài ra, một số vấn đề sức khỏe khác có thể ảnh hưởng đến khả năng phản ứng của cơ thể với vắc xin, khi thăm khám, bác sĩ sẽ cho bạn biết thời điểm nào phù hợp để tiêm phòng nhằm tránh những rủi ro không đáng có.
Ngoài độ tuổi lý tưởng, phụ nữ trước 45 tuổi vẫn có thể tiêm HPV
2.3. Các trường hợp đặc biệt cần xem xét về việc tiêm phòng HPV
Các đối tượng bị suy giảm miễn dịch như người nhiễm HIV, bệnh nhân đang điều trị hóa trị có thể không tạo ra phản ứng miễn dịch đầy đủ sau tiêm vắc xin. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cân nhắc để đưa ra phác đồ tiêm phòng phù hợp nhất.
Hiện vắc xin HPV không được khuyến cáo tiêm phòng với phụ nữ mang thai. Thai phụ nên đợi đến sau khi sinh xong hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn cụ thể về việc tiêm phòng.
3. Số mũi cần đảm bảo khi tiêm HPV
Thông thường, đối với độ tuổi tiêm HPV từ 9 đến 14 tuổi, lộ trình tiêm sẽ bao gồm 2 mũi với khoảng cách giữa các mũi là 6 - 12 tháng hoặc 3 mũi tùy thuộc vào loại vắc xin. Đối với những người tiêm vắc xin từ 15 tuổi trở lên thường cần tiêm 3 mũi với khoảng cách mũi thứ 2 cách mũi đầu 1 - 2 tháng, mũi thứ 3 cách mũi đầu khoảng 6 tháng.
Lịch tiêm phòng HPV theo từng độ tuổi, từng loại vắc xin sẽ được bác sĩ tư vấn cụ thể khi bạn đến tiêm phòng tại cơ sở tiêm chủng.
Sau khi tiêm vắc xin, bạn cần chú ý một số phản ứng phụ nhẹ như: sưng hoặc đau ở vết tiêm, sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi,... Đây đều là phản ứng tự nhiên của cơ thể, không cần can thiệp y tế và sẽ tự khỏi sau vài ngày. Nếu có phản ứng bất thường như nổi ban, khó thở,... người tiêm cần đến ngay với cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
Bên cạnh việc tiêm vắc xin HPV càng sớm càng tốt, việc khám sức khỏe định kỳ cũng cần được chú ý thực hiện để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường, từ đó ngăn chặn sớm các hệ lụy do HPV gây nên.
Chủ động tìm hiểu về độ tuổi tiêm HPV tốt nhất sẽ giúp bạn không bỏ qua thời điểm vàng để thực hiện biện pháp phòng ngừa này. Trường hợp đã quá độ tuổi lý tưởng, bạn không nên lo lắng mà thay vào đó, hãy đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn phác đồ tiêm vắc xin phù hợp.
Quý khách hàng cần tìm hiểu thêm bất cứ thông tin nào liên quan đến vắc xin HPV hoặc có nhu cầu tiêm vắc xin phòng bệnh, hãy liên hệ trực tiếp Hotline 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được hỗ trợ nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
