Tin tức
Góc tư vấn: nên hay không nên cắt bao quy đầu?
1. Tìm hiểu về bao quy đầu và cắt bao quy đầu
Bao quy đầu là phần da bao bọc xung quanh phía đầu dương vật với vai trò giúp bảo vệ và duy trì độ ẩm của niêm mạc quy đầu.
Khi còn nhỏ, bao quy đầu sẽ bao trọn quanh đầu dương vật cho đến thời điểm 4 - 5 tuổi thì sẽ tự động tụt xuống để lộ dương vật ra và phát triển bình thường. Tuy nhiên, sẽ cần đến can thiệp phẫu thuật cắt bao quy đầu nếu bao quy đầu vẫn chưa tự tụt xuống mặc dù đã đến tuổi dậy thì.
Cắt bao quy đầu là can thiệp ngoại khoa nhằm loại bỏ phần da bọc đầu dương vật (hay gọi là bao quy đầu như đã giải thích ở trên). Thủ thuật này không quá phức tạp và thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, từ 15 - 20 phút. Người bệnh sau đó có thể về nhà ngay trong ngày.
Cắt bao quy đầu là thủ thuật ngoại khoa tương đối đơn giản
Cắt bao quy đầu có thể được chỉ định đối với cả người lớn và trẻ em. Đối với trẻ em, thường thực hiện khi bé khỏe mạnh. Còn đối với người lớn, thường khi phát hiện các bệnh liên quan ở nam giới như hẹp bao quy đầu, viêm bao quy đầu, nghẹt bao quy đầu,... thì phẫu thuật sẽ được chỉ định thực hiện.
2. Trường hợp nào nên và không nên cắt bao quy đầu
2.1. Cắt bao quy đầu nên thực hiện trong trường hợp nào?
Ban đầu khi phần da quy đầu gặp những vấn đề bất thường, bác sĩ sẽ thử các phương pháp không xâm lấn khác trước. Phẫu thuật sẽ được chỉ định nếu các phương pháp trước đó không có hiệu quả.
Thông thường, trẻ lớn và trẻ vị thành niên thường được thực hiện thủ thuật này hơn, ít khi được chỉ định cho trẻ còn quá nhỏ trừ trường hợp gặp các vấn đề viêm nhiễm trầm trọng hay triệu chứng khó tiểu.
Cắt bao quy đầu cho trẻ khi có triệu chứng khó tiểu hoặc viêm nhiễm trầm trọng
Một số vấn đề bất thường có thể gặp ở bao quy đầu như:
Bao quy đầu dài: là khi phần da bao quy đầu bao trọn toàn bộ dương vật và để lộn được lớp da quy đầu xuống một cách tự nhiên là rất khó. Dương vật sẽ không thể lộ ra ngay cả trong trạng thái cương cứng hay trạng thái bình thường,...
Hẹp bao quy đầu: nếu không bị viêm nhiễm hay khó tiểu thì cha mẹ không cần quá lo lắng vì hẹp bao quy đầu là vấn đề sinh lý phổ biến ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu hẹp bao quy đầu diễn ra ở những trẻ đã lớn thì có thể xem là bệnh lý.
Nghẹt bao quy đầu: miệng bao quy đầu quá nhỏ hẹp là triệu chứng điển hình của tình trạng này. Thậm chí quá trình lưu thông máu ở phần quy đầu có thể bị làm tắc nghẽn khi phần da quy đầu dính luôn với đầu dương vật. Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này thường là do cha mẹ tự nong bao quy đầu cho trẻ không đúng cách.
Những bệnh lý trên đều có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nam khoa nguy hiểm như viêm niệu đạo, viêm nhiễm dương vật, xuất tinh sớm hay nghiêm trọng hơn là ung thư dương vật.
Do đó, để hạn chế được tối đa những biến chứng có thể xảy ra, cha mẹ tốt nhất nên chủ động đưa con trẻ đi khám bác sĩ và tiến hành thực hiện theo chỉ định. Điều đặc biệt quan trọng là phải lựa chọn những cơ sở chuyên khoa uy tín cùng bác sĩ có tay nghề để ngăn ngừa viêm nhiễm sau phẫu thuật.
2.2. Cắt bao quy đầu không nên thực hiện trong trường hợp nào?
Một số trường hợp không nên áp dụng thủ thuật này bao gồm:
- Trẻ dưới 1 tuổi.
- Chưa được thăm khám và chỉ định bởi bác sĩ.
- Lỗ tiểu đóng thấp.
- Chưa thử áp dụng các biện pháp không xâm lấn theo hướng dẫn.
- Dương vật có hiện tượng dị dạng như dương vật nhỏ, vùi dương vật, cong dương vật,...
Không nên thực hiện thủ thuật này cho trẻ quá nhỏ, dưới 1 tuổi
3. Quy trình phẫu thuật cắt bao quy đầu và chăm sóc sau phẫu thuật
Quy trình thực hiện cắt bao quy đầu thường không quá phức tạp, bao gồm 3 bước cơ bản:
- Thăm khám lâm sàng và tư vấn về phẫu thuật cắt bao quy đầu (nếu cần thiết).
- Trước khi tiến hành thủ thuật, bác sĩ sẽ thực hiện gây tê để giúp người bệnh giảm bớt cảm giác đau đớn.
- Vệ sinh sạch sẽ dương vật và bao quy đầu.
- Sử dụng “que thăm” để tách bao quy đầu, sau đó chèn qua kẹp kim loại.
- Tiến hành loại bỏ phần da thừa ở bao quy đầu.
Để giúp nhanh chóng phục hồi sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc phù hợp. Thông thường, để dương vật có thể lành lại sẽ mất từ 8 - 10 ngày. Cảm giác sưng tấy hoặc khó chịu ở đầu dương vật có thể xuất hiện trong 3 - 4 ngày đầu. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng bởi trước khi rời viện bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau.
Tốt nhất, người bệnh nên dành 1 tuần để nghỉ ngơi và ít nhất 4 tuần sau khi thực hiện thủ thuật nên tránh quan hệ tình dục. Trong 2 - 3 ngày đầu sau khi cắt, người bệnh nên mặc các loại quần rộng rãi và mỏng để hạn chế chà sát với dương vật.
Tránh quan hệ tình dục ít nhất 4 tuần sau khi cắt bao quy đầu
Trong trường hợp thấy có các biểu hiện bất thường như tấy đỏ, chảy máu, đau nhói ở đầu dương vật kéo dài, sốt nhẹ,... thì cần liên hệ ngay với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời tránh dẫn đến viêm nhiễm nghiêm trọng.
4. Cắt bao quy đầu có những ích lợi gì?
Bên cạnh các lý do về bệnh lý, việc cắt bao quy đầu cũng giúp mang lại nhiều lợi ích, cụ thể như sau:
Dễ dàng vệ sinh vùng kín: việc cắt bao quy đầu giúp ngăn ngừa được tình trạng tích tụ cặn bẩn và vi khuẩn ở đầu dương vật.
Giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm vùng kín: khi bộ phận sinh dục luôn được giữ gìn trong tình trạng sạch sẽ và khô thoáng.
Hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: đã có những khảo sát và nghiên cứu chứng minh rằng người đã thực hiện cắt bao quy đầu có nguy cơ thấp hơn mắc cách bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như HIV, HPV, Herpes,...
Với những gì được chia sẻ trong bài viết này, hy vọng đã giúp cha mẹ có được những hiểu biết nhất định về thủ thuật này, từ đó có thể đưa ra quyết định cho trẻ đi thăm khám và thực hiện thủ thuật này sớm nếu được bác sĩ chỉ định, tránh dẫn đến những bệnh lý phức tạp.
Mọi thắc mắc hay nhu cầu cần được tư vấn, vui lòng liên hệ qua hotline 1900 56 56 56 hoặc trực tiếp đến các cơ sở của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!