Tin tức
Hướng dẫn sử dụng túi chườm đau bụng kinh
Hướng dẫn sử dụng túi chườm đau bụng kinh
Có rất nhiều cách để làm giảm triệu chứng đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt, và sử dụng túi chườm đau bụng kinh là một trong số đó. Bài viết hôm nay sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng túi chườm này sao cho đúng và hiệu quả, cùng tham khảo ngay sau đây nhé!
1. Tại sao bị đau bụng kinh?
Trước khi tìm hiểu cách sử dụng túi chườm đau bụng kinh thì chúng ta cùng điểm qua nguyên nhân gây ra hiện tượng đau bụng khi hành kinh.
Nguyên nhân nguyên phát
Đây là những cơn đau không phải do bệnh lý, mà là do sinh lý, cụ thể là sự co bóp, co thắt của tử cung để đẩy máu, niêm mạc ra khỏi cơ thể. Những cơn đau này có tính lặp đi lặp lại, thường diễn ra trước hoặc trong 1 - 2 ngày đầu hành kinh. Đi kèm với đau bụng kinh là cảm giác đau lưng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn,…
Đau bụng kinh có thể là hiện tượng sinh lý nhưng cũng có thể cảnh báo bệnh lý phụ khoa
Nguyên nhân thứ phát
Đây là những cơn đau do một số bệnh lý phụ khoa như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu,… Hoặc cũng có thể là do tác dụng phụ của các biện pháp tránh thai, chẳng hạn như đặt vòng. Mức độ đau sẽ nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn so với đau bụng kinh nguyên phát.
2. Cách sử dụng túi chườm đau bụng kinh
Khi bị đau bụng trong những ngày hành kinh, bạn có thể sử dụng túi chườm đau bụng kinh theo hướng dẫn sau để làm thuyên giảm triệu chứng, từ đó cảm thấy dễ chịu hơn.
Làm nóng túi chườm
Đối với túi chườm không sử dụng điện thì bạn phải làm nóng túi bằng nước nóng trước khi sử dụng. Cách làm nóng cực kỳ đơn giản, đó là cho nước nóng (nhiệt độ từ 60 - 90 độ C) vào trong 2/3 túi rồi bóp nhẹ để đẩy phần hơi trong túi ra ngoài. Sau đó đậy nắp túi là có thể sử dụng.
Còn với túi chườm có gel giữ nhiệt thì bạn cho túi vào lò vi sóng và làm nóng trong 5 phút. Hoặc cũng có thể quấn túi vào một chiếc khăn sạch hay túi zip nhựa cao cấp rồi đun nóng trong 10 - 15 phút, sau đó đem đi sử dụng.
Cách sử dụng túi chườm đau bụng kinh rất đơn giản, chỉ cần tuân theo hướng dẫn là được
Chườm nóng vùng bụng
Sau khi đã làm nóng túi chườm đau bụng kinh thì bạn sẽ đặt túi lên vùng bụng bị đau. Để tránh cảm giác nóng, khó chịu hay thậm chí là bỏng thì bạn không đặt túi trực tiếp lên bụng mà phải quấn một chiếc khăn mỏng xung quanh túi. Đây cũng là cách giúp túi được nóng lâu hơn.
Lưu ý khi sử dụng túi chườm đau bụng kinh
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả cao nhất thì khi sử dụng túi chườm đau bụng kinh, bạn cần lưu ý:
● Không dùng túi bị rách, thủng, rò rỉ vì nước hay gel chảy ra trong khi sử dụng có thể khiến bạn cảm thấy bất tiện, khó chịu hay thậm chí là bỏng.
● Để túi tránh xa các vật sắc nhọn để túi không bị rách thủng, làm tăng nguy cơ rò rỉ điện hoặc các dung dịch bên trong túi.
● Tránh xa tầm tay của trẻ em, không để trẻ em chơi đùa hoặc tự ý sử dụng túi chườm đau bụng kinh mà không có sự giám sát của người lớn.
● Nếu sử dụng túi chườm đau bụng kinh có điện thì ngay khi tín hiệu thông báo đã sạc đầy ( sau 7 - 12 phút sạc) thì bạn cần nhanh chóng ngắt điện, tránh làm hỏng túi cũng như nguy cơ cháy nổ xảy ra.
3. Các biện pháp giảm đau bụng kinh hữu hiệu khác
Ngoài sử dụng túi chườm đau bụng kinh theo hướng dẫn trên thì bạn cũng có thể làm giảm đau bụng khi hành kinh bằng các biện pháp sau.
Massage nhẹ nhàng
Mục đích của các động tác massage là làm giảm tình trạng tử cung co thắt/ co bóp đột ngột cũng như giúp cơ bụng được giãn ra. Nhờ đó, bạn sẽ cảm thấy cảm giác đau bụng kinh không còn nữa. Để gia tăng hiệu quả thì bạn hãy dùng thêm tinh dầu bạc hà, hoa oải hương, thì là,… trong khi massage bụng và thực hiện massage nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 1 - 3 phút.
Massage bụng nhẹ nhàng là cách giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả
Uống trà thảo mộc
Có rất nhiều loại trà thảo mộc giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả như trà gừng, trà quế, trà hoa cúc,… Trong các loại thảo mộc này chứa nhiều hoạt chất giảm viêm, giúp điều hòa kinh nguyệt, loại bỏ căng thẳng,… nhờ đó, làm thuyên giảm triệu chứng đau bụng kinh. Bạn có thể uống trước và trong những ngày hành kinh để cảm nhận hiệu quả.
Tập yoga, ngồi thiền
Đây là liệu pháp giúp loại bỏ mệt mỏi, căng thẳng, áp lực, giúp tinh thần được thư giãn, thoải mái và dễ chịu, qua đó, phòng tránh hoặc làm giảm mức độ đau bụng kinh hiệu quả. Bạn không cần phải thực hiện các động tác phức tạp, chỉ cần ngồi thẳng người, hít thở sâu và đều là sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong những ngày “đèn đỏ”.
Ăn uống lành mạnh
Trong những ngày hành kinh, bạn cần tránh xa thực phẩm chiên rán, cay nóng, nhiều gia vị. Thay vào đó là tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin B1, B6, vitamin E và khoáng chất sắt, kẽm, magie,… Đặc biệt, tuyệt đối không hút thuốc, uống rượu bia hay sử dụng chất kích thích vì sẽ khiến cơn đau thêm trầm trọng.
Uống thuốc giảm đau
Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể uống thuốc giảm đau không kê đơn như Aceclofenac 100mg, Naproxen 250 - 500mg theo liều lượng hướng dẫn để khắc phục, cải thiện các cơn đau, tránh ảnh hưởng đến học tập, công việc và sinh hoạt hàng ngày.
Có thể uống một số thuốc giảm đau không kê đơn để làm giảm triệu chứng đau bụng kinh
Tuy nhiên, nếu đã áp dụng các cách trên mà triệu chứng đau bụng kinh không thuyên giảm thì bạn cần đi khám. Bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bất thường về sức khỏe, cần được kiểm tra, chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.
Bạn có thể đến Chuyên khoa Sản Phụ khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các bác sĩ thăm khám. Bác sĩ giỏi cùng cơ sở vật chất hiện đại sẽ mang đến cho bạn sự an tâm và hài lòng tuyệt đối.
Ngay từ bây giờ, quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56 để được Tổng đài viên hỗ trợ đặt lịch khám và hướng dẫn cụ thể hơn về các dịch vụ tại MEDLATEC.
BS Vân đã duyệt
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!