Tin tức
Hướng mới trong điều trị hội chứng ruột kích thích
Khái quát về hội chứng ruột kích thích và thuốc
Theo Thomson W.D (1990), hội chứng ruột kích thích (IBS), là các rối loạn chức năng của ruột (chủ yếu ở đại tràng) lặp đi lặp lại nhiều lần (như tăng tính nhạy cảm, nội tạng dễ bị kích thích; thay đổi tính chịu đựng của ruột, giảm khả năng chịu áp lực của khối thức ăn ở một số đoạn ruột; tăng nhu động ruột gây tiêu chảy hay giảm nhu động gây táo bón), song không tìm thấy tổn thương về giải phẫu, tổ chức học, sinh hóa. Hiện nay, nhờ có các thăm dò hiện đại về hình thái, chức năng ruột trên thực nghiệm lâm sàng nên người ta đã biết rõ cơ chế điều chỉnh của ống tiêu hóa mà chủ yếu là tác động qua lại giữa hệ thống thần kinh ruột (trục não - ruột) và hệ thống mạng lưới thần kinh (plexuces) hoạt động cùng với nhau để thực hiện sự nhịp nhàng chức năng bình thường của ruột. IBS là sự rối loạn phối hợp của hệ thống này. Tuy nhiên, các chuyên gia y học vẫn chưa thật sự hiểu rõ tác nhân dẫn đến sự rối loạn ấy mà họ chỉ mới đưa ra được các giả thiết như do sự xáo trộn hệ vi sinh đường ruột (Lee KJ, Tack J-2000) do sự tăng sinh quá mức vi sinh ở ruột non (Pimentel M-2011) hay do dùng thuốc ức chế bơm proton (PPI) tạo ra điều kiện thuận lợi tăng sự trú đóng vi khuẩn ở ruột non. Do đó, đến nay phác đồ điều trị IBS mới chỉ có các thuốc chữa triệu chứng.
Đại tràng co thắt - một triệu chứng của IBS.
Những thử nghiệm và triển vọng về hướng đi mới
Hướng thứ nhất là dùng probiotic: Probiotic vốn là những vi khuẩn lành tính, khi đưa vào cơ thể sẽ phát triển nhanh chóng, lập lại sự cân bằng hệ thống sinh thái vi sinh đường ruột.
Hướng thứ hai là dùng các kháng sinh có sự hấp thu kém: Kháng sinh hấp thụ kém thường là ít hay không đi qua màng ruột mà ở lại trong ruột, tác dụng với vi khuẩn, cản trở sự tăng sinh quá mức của vi khuẩn ở ruột non hay ruột già. Một trong những kháng sinh ấy là rifaximin.
Nghiên cứu được thực hiện tại Mỹ với trên 1.260 người bệnh bị IBS không có táo bón chia thành 2 nhóm ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng, theo dõi trong 2 tuần điều trị và 10 tuần sau đó. Kết quả nhóm dùng rifaximin (550mg x 3 lần/ngày x 2 tuần) so với nhóm chứng dùng giả dược có sự thuyên giảm triệu chứng chung của IBS một cách thỏa đáng (41% so với 32%), thuyên giảm khá tốt triệu chứng đầy bụng (40% so với 30%). Những kết quả thu được này được nhóm tác giả nghiên cứu đánh giá là khá lý thú, ngoài mong đợi, vì: thứ nhất, các lợi ích thu được trong đợt điều trị ngắn 2 tuần được kéo dài vững bền sau 10 tuần. Thứ hai, giảm đầy bụng có ý nghĩa lớn vì đây là triệu chứng thường đi với IBS gây nhiều khó chịu. Thứ ba, khi áp dụng vào điều trị vẫn thu được các lợi ích như lúc thử nghiệm.
Rifaximin là kháng sinh phổ rộng tác dụng trên các vi khuẩn Gram (+), Gram (-), vi khuẩn kỵ khí, kể cả Clostridium difficile. Cơ chế tác dụng của rifaximin trên IBS được giải thích là do làm giảm lượng vi khuẩn trong ruột, đặc biệt là ở ruột già; dẫn đến giảm sự lên men của vi khuẩn và có thể kết hợp với giảm phân tiết các sản phẩm của vi khuẩn hoặc giảm những đáp ứng của cơ thể với các sản phẩm của vi khuẩn, từ đó giảm các triệu chứng của IBS, trong đó có giảm triệu chứng đầy bụng (Layer P &Andresen V-2010).
Một số tồn tại cần phải giải quyết
Với kết quả nghiên cứu khá thành công, FDA đang xem xét, tính tới khả năng cho phép lưu hành rifaximin để mở ra triển vọng tăng thêm phác đồ dùng thuốc - vốn rất nghèo nàn trong điều trị IBS. Tuy nhiên, Rifaximin cũng bị kháng như các kháng sinh đường ruột khác, mặt khác IBS là một bênh mạn tính và có tần suất mắc khá cao. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều kháng sinh kém hấp thu khác (để có thể thay phác đồ khi rifaximin bị kháng), đồng thời nghiên cứu thêm tính kháng thuốc của vi khuẩn đối với những kháng sinh này, đặc biệt là khi đưa chúng vào phác đồ điều trị trong cộng đồng.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!