Tin tức
Khám và điều trị bệnh lý gan mật cùng PGS.TS Trịnh Thị Ngọc
Bệnh lý về gan ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ mắc bệnh lý gan cao ở khu vực châu Á. Ung thư gan là bệnh phổ biến thứ 2 trong số 10 loại ung thư nguy hiểm nhất với tỉ lệ mắc là 10,1% và tỉ lệ tử vong là 9,5%. Trong đó, thói quen ăn uống, sinh hoạt chưa khoa học là một trong những nguyên nhân chính, bên cạnh môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn.
Nguyên Trưởng Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai, Phó Chủ tịch Hội Gan mật Hà Nội; hiện là Phó Chủ tịch Hội Gan mật Hà Nội, Ủy viên thường vụ Hội truyền nhiễm Việt Nam, Ủy viên thường vụ Hội Gan mật Việt Nam, PGS. TS Trịnh Thị Ngọc, thành viên Hội đồng cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ tư vấn các câu hỏi về bệnh lý gan của khách hàng.
- Câu hỏi: Theo thống kê, Việt Nam là nước nằm trong khu vực nhiễm virus viêm gan B cao với tỉ lệ nhiễm trên 8% dân số. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ người nhiễm virus viêm gan B dao động từ 10-20%; viêm gan C chiếm 2-3% dân số. Xin được hỏi PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, nguyên nhân nào khiến số người mắc căn bệnh này lại cao như vậy?
Trả lời: Viêm gan virus là một bệnh truyền nhiễm. Trong đó có 2 virus viêm gan là viêm gan B và viêm gan C. Sự nguy hiểm của viêm gan B, C là nguyên nhân dẫn đến viêm gan mãn tính, sau đó là xơ gan và có thể dẫn tới ung thư gan. Dựa vào đường vào của virus viêm gan mà chúng ta biết được sự lây truyền của viêm gan là rất dễ. Viêm gan B, C có đường lây nhiễm gần giống nhau. Thứ nhất là lây từ mẹ sang con, chiếm tỉ lệ cao nhất, đặc biệt là ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo đó, cứ 10 người thì có khoảng 5-6 người bị viêm gan do lây từ mẹ. Thứ hai là lây nhiễm qua đường máu và thứ ba là lây nhiễm qua đường tình dục.
Viêm gan C cũng có đường lây nhiễm tương tự, song chủ yếu là lây qua đường máu. Các bệnh nhân thường bị lây qua đường tiêm chích ma túy, truyền máu, xăm, châm cứu, xỏ khuyên hoặc chạy thận chu kỳ.
- Câu hỏi: Tôi bị mắc bệnh gan nhiễm mỡ được 4 năm, hiện tôi vẫn chưa tiến hành điều trị bệnh, tôi nghe mọi người nói bệnh gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến bệnh xơ gan nên tôi rất lo lắng, xin hỏi có đúng như vậy không?
Trả lời: Tại nước ta, người dân hầu như chưa quan tâm nhiều tới việc gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ do rất nhiều nguyên nhân. Nếu chúng ta không điều trị thì dần dần sẽ dẫn tới xơ gan, thậm chí là ung thư tế bào gan.
Do đó, phải xem xét nguyên nhân bệnh như thế nào, gan nhiễm mỡ do tiểu đường như thế nào, gan nhiễm mỡ do cholesterone tăng cao như thế nào, hoặc tất cả các nguyên nhân cần phải xem xét. Đặc biệt phải đi siêu âm gan và đo độ đàn hồi của gan FibroScan để đánh giá đúng độ nhiễm mỡ của gan.
Sau đó, dựa vào các kết quả này, các bác sĩ sẽ kê thuốc để điều trị quá trình gan nhiễm mỡ.
- Câu hỏi: Em bị siêu vi B cách đây khoảng 20 năm trong trạng thái virút không hoạt động. Cách đây 1 tuần em có đi làm xét nghiệm kiểm tra gan tại Bệnh viện. Kết quả men gan tăng nhẹ, chỉ số HBV DNA 31.920. Đo chức năng đàn hồi gan là F3, bác sĩ cho biết em bị xơ gan viêm gan nhẹ và cho em uống thuốc Tenofovit mỗi ngày 1 viên, trong 3 tháng lên kiểm tra lại. Với kết quả như vậy, sau khi uống thuốc gan em có thể phục hồi lại được không?
Xơ gan được thực hiện trên hệ thống máy FỉbroScan tại MEDLATEC.
Trả lời: Những bệnh nhân bị tổn thương gan giai đoạn cuối thường được chỉ định ghép gan. Và chúng tôi luôn nói rằng chúng ta cần phải điều trị trước khi buộc phải ghép gan vì ghép gan là cứu cánh cuối cùng.
Trong trường hợp của bạn, khi bạn đã mang virus viêm gan và bị men gan tăng cao, virus nhân lên và xét nghiệm FibroScan lại có kết quả F3, F4 - gọi là bị xơ hóa gan, chứ không phải xơ gan. Trong trường hợp này cần phải điều trị và nếu điều trị tốt thì độ xơ hóa gan có thể từ F3 xuống F2 được.
Tuy nhiên, điều trị viêm gan B không thể nào nhanh chóng được, ít nhất là 2-3 năm hoặc thậm chí cả đời. Do đó, bạn nên theo dõi gan tại các bệnh viện uy tín thường xuyên và khoảng 3-4 tháng, bạn nên thực hiện các xét nghiệm để các bác sĩ có thể đưa ra những chuẩn đoán bệnh chính xác hơn. Phải khám, chữa bệnh thường xuyên, không nên chủ quan kể cả khi xét nghiệm virus gan B ở mức âm tính.
- Câu hỏi: Thưa bác sĩ, thời gian gần đây bố cháu có biểu hiện vàng da, vàng mắt, ăn uống rất kém, cháu nghi ngờ bố cháu mắc bệnh gan mật vì bố cháu uống rượu rất nhiều. Xin bác sĩ cho cháu biết cháu nên xét nghiệm ở đâu và xét nghiệm những gì để phát hiện sớm bệnh?
Trả lời: Vàng mắt là biểu hiện của rất nhiều loại bệnh, từ nhiễm trùng, nhiễm độc đến các virus viêm gan... Trong trường hợp của bố bạn, theo tôi, nên đưa bác đi xét nghiệm. Có thể đến các cơ sở tuyến huyện để làm xét nghiệm. Thông thường, khi bệnh nhân có biểu hiện vàng mắt thì kiểm tra độ vàng mắt là bao nhiêu, lượng Bilirubin tăng bao nhiêu, sau đó xét nghiệm thêm chức năng gan có rối loạn không, bệnh nhân có mang virus viêm gan hay không và quan trọng hơn nữa là nên đi siêu âm gan, để xem biểu hiện vàng mắt là do viêm gan hay do tắc mật.
Như chúng ta đã biết, rượu, bia cũng là một trong những nguyên nhân gây tổn thương gan. Nếu uống rượu quá nhiều sẽ gây tổn thương gan, xơ gan và có thể dẫn tới ung thư gan.
Câu hỏi: Tôi bị viêm gan B, siêu âm tại BV Bạch Mai. Bác sĩ nói tôi bị xơ gan, lách to 12,5mm. Tôi đi xét nghiệm ở BV Nhiệt đới Trung ương, nồng độ virus trong huyết tương là 3,33.10^3 copies/ml và men gan không cao. Kết quả độ xơ hóa gan 10,1 kPa và độ nhiễm mỡ gan là 205dB/m. Có phải tôi bị xơ gan giai đoạn 3 không và nên điều trị như thế nào?
Xét nghiệm để chẩn đoán, theo dõi bệnh virus viêm gan.
Trả lời: Theo các kết quả xét nghiệm thì bạn đã bị nhiễm virus viêm gan vì có tỉ lệ virus nhân lên, bị tổn thương gan thể hiện qua siêu âm lá lách bị hơi to, bị xơ gan khoảng độ F3, ngoài ra bạn có gan nhiễm mỡ.
Với các yếu tố này có thể khẳng định bạn đã bị viêm gan virus, cần phải điều trị đặc hiệu. Khi điều trị đặc hiệu, chúng ta phải lưu ý 3 điểm: bệnh phải mang virus trên 6 tháng, có virus nhân lên biểu hiện bằng ADN, tổn thương gan có biểu hiện như men gan tăng cao, hoặc qua FibroScan.
Như chúng ta đã biết, điều trị viêm gan B hết sức khó khăn. Hiện có 3 phương pháp điều trị. Một là, dùng thuốc uống, hiện nay người ta ưu tiên dùng các loại thuốc nhóm Adefovir và nhóm Tenofovir. Hai là, dùng thuốc tiêm Interferon hoặc kết hợp cả uống và tiêm. Tùy từng trường hợp, thể trạng bệnh và tình hình tài chính của bệnh nhân như thế nào, bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp.
Ở trường hợp gan nhiễm mỡ, như đã nói ở trên, chúng ta cần phải tìm rõ nguyên nhân để có cách điều trị phù hợp như dùng thuốc hay điều chỉnh thói quen ăn uống. Hạn chế được tình trạng gan nhiễm mỡ cũng góp phần giảm tác hại của bệnh viêm gan, ngược lại nếu bệnh nhân đã bị viêm gan lại còn bị gan nhiễm mỡ sẽ khiến gan nhanh chóng bị tổn thương hơn, dẫn tới tỉ lệ xơ gan và ung thư gan cao hơn.
Ở trường hợp của bạn, tôi nghĩ mới chỉ bị xơ hóa gan, chứ chưa phải bị xơ gan.
Câu hỏi: “Cháu bị viêm gan C, rất lo bệnh sẽ tiến triển thành ung thư. Bác sĩ cho cháu hỏi là hiện nay bệnh ung thư gan có chữa khỏi được không? Nếu đi xét nghiệm để biết mình có bị ung thư hay không thì cần xét nghiệm những gì?”.
Trả lời: Bạn nên điều trị trước khi bệnh chuyển hóa thành ung thư gan. Trong trường hợp ung thư gan thì cũng có rất nhiều phương pháp điều trị, ta cần xem tổn thương khối u thế nào để có thể áp dụng phương pháp nút mạch và sóng cao tần, cắt bỏ khối u, tiến hành ghép gan... Tuy nhiên, ở trường hợp này, do bạn không nói rõ nên chưa thể nói bạn bị ung thư gan hay chỉ là viêm gan mãn tính, viêm gan C... vì vậy, bạn cần thực hiện các xét nghiệm, có những chuẩn đoán chính xác hơn từ các bác sĩ thăm khám để có hướng điều trị bệnh đúng đắn và hiệu quả.
Câu hỏi: Tôi đã gần 70 tuổi mới phát hiện bị bệnh gan nhiễm mỡ. Tôi rất thắc mắc vì tôi rất gầy, không ăn nhiều mỡ. Xin hỏi bệnh này có nguy hiểm không, cần phải uống thuốc để trị bệnh không?
Trả lời: Ở người đã 70 tuổi, tình trạng gan nhiễm mỡ cũng có thể xảy ra. Gan nhiễm mỡ không phụ thuộc vào người gày hay người béo, thường là người béo hay bị gan nhiễm mỡ nhiều hơn. Trong trường hợp này, bác nên đi khám để biết tình trạng bệnh của mình chính xác hơn.
Câu hỏi: Em năm nay 28 tuổi, có tiền sử cắt túi mật do sỏi cách đây 3 năm. Cuối năm ngoái em có hiện tượng tăng men gan GOT: 61, GPT 204, đau bụng dữ dội, nôn, đi ngoài và sốt nóng lạnh, người mệt mỏi. Em đi khám bác sỹ chẩn đoán em bị ngộ độc. Em đã uống bổ gan và chỉ số về bình thường, tuần trước em lại bị lại hiện tượng như đợt trước, em đi khám xét nghiệm thấy men gan lại tăng cao, em phân vân quá xin bác sỹ tư vấn giúp em.
Xét nghiệm - cơ sở quan trọng để chẩn đoán bệnh.
Trả lời: Vì bạn đã cắt túi mật, có nghĩa là không có mật dự trữ trong túi nữa, tuy nhiên không phải là cắt túi mật là gây men gan cao. Nhiều bệnh nhân sau khi cắt túi mật vẫn sinh hoạt cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, bạn lại bị men gan tăng cao thì phải tìm hiểu nguyên nhân nào gây ra tình trạng đó, bạn nên đến một cơ sở y tế chuyên khoa nào đó để thực hiện các xét nghiệm, để từ đó các bác sĩ có cơ sở để chẩn đoán bệnh một cách dễ dàng. Không nên chủ quan trước tình trạng men gan cao thế này.
Câu hỏi: Cách đây 2 tháng tôi vào bệnh viện thăm người nhà. Lúc đi tôi có dẫn theo con gái, cháu được 9 tuổi. Có một cô gái ăn 1 chiếc bánh và có bẻ 1 miếng ra cho con gái tôi ăn cùng. Tôi tình cờ được biết cô gái đó bị bệnh viêm gan B. Xin hỏi PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, liệu con gái tôi có bị lây bệnh do ăn chung miếng bánh với cô gái kia không? Và nếu có thì tôi nên điều trị cho cháu như thế nào là tốt nhất?
Trả lời: Viêm gan B lây qua 3 đường: mẹ sang con, đường máu và đường quan hệ tình dục. Lây nhiễm qua đường ăn uống thì không có, chỉ có viêm gan A và E mới lây nhiễm qua đường này, tuy nhiên 2 loại viêm gan này không chuyển thành dạng mãn tính, trừ trường hợp viêm gan E ở thể trạng bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hay mắc bệnh HIV. Do đó, bạn an tâm con không bị lây nhiễm viêm gan B ở trường hợp này.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!