Tin tức

MEDLATEC xử trí thành công bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp

Ngày 11/12/2017
Ban biên tập
3 ngày trước xuất hiện đau ngực trái, bệnh nhân P.N.T. (nam, 49 tuổi, Hà Nội) đến khám tại một bệnh viện, được chẩn đoán viêm dạ dày - trào ngược thực quản, nhưng uống thuốc theo đơn không đỡ. Vì tình trạng đau ngực tăng lên, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khám, chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp và được xử trí ban đầu thành công theo phác đồ nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 3. Hiện tại bệnh nhân ổn định.

Ngày 7/12, trước khi đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khám khoảng 1 giờ, bệnh nhân xuất hiện đau tức ngực trái, kéo dài liên tục, không lan, trong cơn bệnh nhân có khó thở nhẹ, không nôn, không ợ hơi, ợ chua, không ho và ở nhà chưa dùng thuốc. 

Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân ngay từ ban đầu, bác sĩ Nguyễn Hải Sáng - chuyên khoa Tim mạch cho biết tình trạng khám vào viện: Bệnh nhân tỉnh, đau ngực trái, thỉnh thoảng có những cơn dữ dội, khó thở trong cơn, BMI 26,25, huyết áp cao 130/90mmHg, SpO2: 97%.

Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết: Đã hút thuốc lá 18 năm nay, mỗi ngày hút nửa bao, bị rối loạn lipid máu, hiện đang dùng thuốc đều theo đơn do tăng huyết áp 6 tháng nay.

Về bệnh sử, trước khi đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khám 3 ngày, bệnh nhân đã đến khám tại một bệnh viện khác, do xuất hiện đau tức ngực trái, mỗi cơn kéo dài khoảng 10 phút, khoảng 5-6 cơn/ ngày. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán Viêm dạ dày - Trào ngược thực quản nên được kê đơn điều trị tại nhà nhưng không đỡ.

Theo bác sĩ Sáng, đau ngực có thể do nhiều nguyên nhân gây nên như:

-  Thay đổi cảm xúc, lo lắng, hồi hộp;

-  Vận động quá mức;

-  Các bệnh lý tiêu hóa như: trào ngược dạ dày, thực quản;

-  Các bệnh lý phổi - màng phổi;

-  Đặc biệt, cần loại trừ các vấn đề về tim mạch như bệnh lý mạch vành như nhồi máu cơ tim cấp,…


  Kết quả điện tâm đồ: ST chênh V1, V2, V3 của bệnh nhân P.N.T.

Vì vậy, trước khi nghĩ đến đau ngực do các nguyên nhân khác, đặc biệt dễ nhầm với bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, cần loại trừ bệnh lý mạch vành đầu tiên nên sau khi khám lâm sàng, bác sĩ Sáng chuyên khoa Tim mạch đã chỉ định bệnh nhân làm điện tim, xét nghiệm men tim,... Kết quả chẩn đoán: Bệnh nhân P.N.T. bị nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 3/ tăng huyết áp - Rối loạn lipid máu nên được xử trí cấp cứu theo phác đồ và chuyển viện cấp cứu đến Bệnh viện Tim Hà Nội.

Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh nhân được chụp mạch vành cấp cứu có hẹp tắc mạch vành, can thiệp tại chỗ 2 nhánh. Hiện tại bệnh nhân tạm ổn định.

Qua trường hợp bệnh nhân P.N.T., bác sĩ Sáng chia sẻ thêm các trường hợp đau ngực cần cảnh giác với bệnh lý mạch vành: Trên các bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ tim mạch như:

-  Nam giới hay gặp hơn nữ;

-  Tuổi trung niên;

-  Béo phì và thừa cân;

-  Nghiện thuốc lá. Uống rượu bia;

-  Thiếu vận động thể chất;

-  Có các bệnh mạn tính như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu,…

Đồng thời bác sĩ Sáng khuyến cáo: Để cảnh giác với bệnh lý mạch vành người dân nên khám chuyên khoa Tim mạch nếu đau ngực có tính chất như:

-  Cơn đau thắt ngực xuất hiện ngay sau xương ức, hoặc bên ngực trái vùng trước tim.

-  Đau cảm giác bóp nghẹt, đau thắt, bị đè ép, như dao đâm. Và/ hoặc có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu khác: bỏng rát ngực, vã mồ hôi, khó thở,…

-  Tính chất lan lên cổ, hàm, má, bả vai, cánh tay có thể xuống cả vùng giữa bụng hoặc giữa hai xương bả vai.

-  Mỗi cơn đau thường kéo dài trên 10 phút, đôi khi chỉ thoáng qua rồi tự khỏi khi nghỉ ngơi.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.