Tin tức
Mẹo hay từ cây thuốc nam chữa bệnh ra mồ hôi nhiều
- 11/06/2021 | Giải đáp: Ra mồ hôi nhiều có giảm cân không?
- 28/09/2021 | Giảm ra mồ hôi chân tay bằng các cách đơn giản tại nhà
- 16/06/2024 | Bệnh phong thấp ra mồ hôi tay chân và cách điều trị
- 31/03/2024 | Trẻ sơ sinh ra mồ hôi tay chân là do đâu, khắc phục bằng cách nào
1. Thế nào là bệnh lý ra mồ hôi nhiều?
Ra mồ hôi là cơ chế tự nhiên giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ khi có các tác nhân như nhiệt độ cao, căng thẳng, lo lắng. Tuy nhiên, khi lượng mồ hôi tiết ra quá mức ngay cả khi không có tác nhân kích thích, có thể là dấu hiệu của một tình trạng rối loạn trong cơ thể.
Theo Tây y, tình trạng này có thể do hệ thần kinh giao cảm hoạt động quá mức, bệnh lý nội tiết (như cường giáp, đái tháo đường,…) hoặc do yếu tố di truyền. Một số người bị mồ hôi nhiều do căng thẳng, lo âu, trong khi một số khác gặp tình trạng mồ hôi trộm vào ban đêm, liên quan đến suy nhược cơ thể, rối loạn nội tiết tố (mang thai, tiền mãn kinh,...).
Còn theo Y học cổ truyền, ra mồ hôi nhiều có thể do tình trạng hư hàn, khí hư, âm hư hoặc phong thấp nhiệt. Ví dụ, mồ hôi trộm (đạo hãn) chủ yếu do âm hư, trong khi mồ hôi lạnh kèm tay chân lạnh thường liên quan đến tỳ vị hư hàn. Tùy theo từng thể bệnh mà các bài thuốc, cây thuốc nam chữa bệnh ra mồ hôi nhiều sẽ có tác dụng thanh nhiệt, liễm hãn cố biểu (cầm mồ hôi), hoặc kiện tỳ, bổ khí để điều hòa cơ thể.
Ra mồ hôi nhiều là tình trạng cơ thể tiết mồ hôi quá mức, ngay cả khi không có yếu tố kích thích
2. Một số cây thuốc nam chữa bệnh ra mồ hôi nhiều
Trong y học cổ truyền, nhiều cây thuốc nam chữa bệnh ra mồ hôi nhiều được sử dụng nhằm điều hòa khí huyết, củng cố vệ khí và tăng cường sức khỏe tổng thể. Dưới đây là một số dược liệu quen thuộc giúp kiểm soát mồ hôi hiệu quả:
2.1. Sơn thù du
Sơn thù du là vị dược liệu giúp chữa bệnh ra mồ hôi hiệu quả. Thảo dược có vị chua, tính ấm, quy vào kinh can và thận, công dụng cố tinh, sáp niệu, chỉ hãn (cầm mồ hôi). Sơn thù du thường được dùng để chữa chứng ra mồ hôi nhiều, tiểu tiện nhiều lần, di tinh, liệt dương và suy nhược cơ thể.
Cách sử dụng:
- Bài thuốc trị ra mồ hôi nhiều: Dùng 10 - 15g sơn thù du sắc với 600ml nước, đun nhỏ lửa còn 200ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày.
- Kết hợp với dược liệu khác: Sơn thù du có thể phối hợp với các vị thuốc khác như hoàng kỳ, bạch truật và mẫu lệ để tăng cường hiệu quả điều trị chứng ra mồ hôi nhiều do khí hư.
Lưu ý: Vì sơn thù có tính ấm, nên không dùng cho người có nhiệt thịnh hoặc âm hư hỏa vượng.
Sơn thù du là cây thuốc nam chữa bệnh ra mồ hôi nhiều hiệu quả
2.2. Thiên môn đông
Một trong những cây thuốc nam chữa bệnh ra mồ hôi nhiều là thiên môn đông. Thiên môn đông có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng âm, sinh tân dịch, chỉ hãn (cầm mồ hôi), đặc biệt hiệu quả trong các trường hợp mồ hôi trộm (đạo hãn), ra mồ hôi nhiều do âm hư, nóng trong, háo khát. Ngoài ra, thảo dược này còn giúp bổ phế, giảm ho khan, cải thiện giấc ngủ và tăng cường sức khỏe tổng thể cho người bệnh.
Cách sử dụng:
- Sắc uống: Dùng 10 – 15g thiên môn đông khô sắc với 700ml nước, đun nhỏ lửa tới khi còn 300ml. Chia thuốc sắc làm 2 lần uống trong ngày.
- Kết hợp với các vị thuốc khác: Để tăng hiệu quả, có thể phối hợp thiên môn đông, mạch môn, sa sâm, sinh địa giúp thanh nhiệt, dưỡng âm, điều hòa mồ hôi tốt hơn.
Lưu ý: Không dùng thiên môn đông cho người bị tiêu chảy do tỳ vị hư hàn (lạnh bụng, đi ngoài phân lỏng) vì có thể làm tình trạng nặng hơn.
2.3. Hoàng kỳ
Theo y học cổ truyền, Hoàng kỳ có vị ngọt, tính ôn, quy vào kinh Phế và Tỳ. Đây là cây thuốc nam chữa bệnh ra mồ hôi nhiều giúp bổ khí, cố biểu rất tốt. Dược liệu này thường được dùng để điều trị chứng mồ hôi ra nhiều do khí hư, nhất là tự hãn (ra mồ hôi nhiều vào ban ngày khi không vận động) và đạo hãn (mồ hôi trộm ban đêm). Ngoài ra, hoàng kỳ còn là thảo dược giúp tăng cường miễn dịch, bồi bổ cơ thể, nâng cao sức đề kháng.
Cách sử dụng:
- Sắc uống: Dùng 15 – 20g hoàng kỳ sắc với 800ml nước, đun nhỏ lửa cho đến khi còn 300ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày.
- Bài thuốc kết hợp: Hoàng kỳ thường được phối hợp với bạch truật, phòng phong, mẫu lệ để tăng hiệu quả cố biểu, chỉ hãn (cầm mồ hôi).
Lưu ý: Hoàng kỳ không dùng cho người bị âm hư nội nhiệt (nóng trong, miệng khô, lưỡi đỏ), người có sốt hoặc nhiễm trùng cấp tính vì có thể làm bệnh nặng hơn.
Hoàng kỳ là cây thuốc nam giúp bổ khí, cố biểu, cầm mồ hôi rất tốt
2.4. Sâm bố chính
Sâm bố chính là cây thuốc nam có tác dụng bổ khí, kiện tỳ, sinh tân dịch, giúp tăng cường sức đề kháng, chống suy nhược, cầm mồ hôi. Y học cổ truyền ứng dụng vị thuốc củ sâm bố chính những người ra mồ hôi nhiều do khí hư, kèm theo mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, sút cân.
Cách sử dụng:
- Sắc uống: Dùng 15 – 20g củ sâm bố chính, sắc với 700ml nước, đun nhỏ lửa còn 300ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.
- Kết hợp với dược liệu khác: sâm bố chính có thể phối hợp với hoàng kỳ, bạch truật, táo nhân để tăng cường hiệu quả bổ khí, cầm mồ hôi và giảm suy nhược cơ thể.
- Sâm bố chính còn có thể làm nguyên liệu hầm gà, chế biến các món ăn bổ dưỡng cho cơ thể.
Lưu ý: Không dùng cho người đang bị sốt cao, viêm nhiễm cấp tính vì sâm bố chính có tính bổ, có thể làm bệnh kéo dài.
2.5. Rễ đinh lăng
Với những trường hợp người bệnh mồ hôi ra nhiều do cơ thể suy nhược, khí huyết hư, mệt mỏi, thiếu ngủ, kém ăn,… thì rễ đinh lăng là vị thuốc mang lại nhiều công dụng hiệu quả. Đinh lăng giúp bổ khí huyết, tăng cường sức đề kháng, kiện tỳ, cố biểu (cầm mồ hôi. Ngoài ra, rễ đinh lăng còn giúp giảm căng thẳng, tăng cường tuần hoàn máu và cải thiện giấc ngủ.
Cách sử dụng:
- Sắc uống: Dùng 15 – 20g rễ đinh lăng khô, sắc với 700ml nước, đun nhỏ lửa còn 300ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.
- Ngâm rượu: Dùng 500g rễ đinh lăng khô ngâm với 2 lít rượu trắng trong khoảng 1 – 2 tháng, mỗi ngày uống 10 – 15ml để bồi bổ sức khỏe, cầm mồ hôi.
Lưu ý: Không nên dùng rễ đinh lăng liều cao hoặc liên tục trong thời gian dài vì có thể gây mệt mỏi, hoa mắt, buồn nôn. Người cao huyết áp hoặc phụ nữ mang thai cần thận trọng khi sử dụng.
Đinh lăng giúp bổ khí huyết, tăng cường sức đề kháng, kiện tỳ, cố biểu (cầm mồ hôi)
3. Những lưu ý khi sử dụng cây thuốc nam chữa bệnh ra mồ hôi nhiều
Việc sử dụng cây thuốc nam chữa bệnh ra mồ hôi nhiều có thể mang lại hiệu quả tốt nếu áp dụng đúng cách. Tuy nhiên, mỗi người có cơ địa khác nhau, nên tham khảo ý kiến bác sĩ y học cổ truyền để có phác đồ điều trị phù hợp:
- Mồ hôi ra nhiều có thể do khí hư, âm hư, hoặc nội nhiệt, vì vậy bạn cần tham khảo ý kiến các bác sĩ để lựa chọn dược liệu phù hợp.
- Thuốc nam có tác dụng chậm, cần kiên trì sử dụng từ 2 – 4 tuần để thấy hiệu quả rõ rệt.
- Cây thuốc nam dù lành tính nhưng nếu dùng quá liều có thể gây tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, mất cân bằng nhiệt độ cơ thể. Chính vì vậy, cần sử dụng đúng liều lượng theo chỉ định.
- Nếu sau khi dùng cây thuốc nam xuất hiện triệu chứng dị ứng, tiêu chảy, nóng trong, nhức đầu,… cần dừng ngay và đi khám bác sĩ.
- Kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đủ nước, tránh đồ cay nóng, rượu bia.
- Tập luyện thể dục giúp cơ thể thích nghi và điều hòa tuyến mồ hôi.
- Nếu tình trạng mồ hôi nhiều kèm theo mệt mỏi, sụt cân, sốt cao, nên đi khám để loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn.
Các cây thuốc nam chữa bệnh ra mồ hôi nhiều có tác dụng hỗ trợ giảm tiết mồ hôi an toàn, lành tính, kết hợp với chế độ sinh hoạt phù hợp, người bệnh có thể kiểm soát tốt tình trạng này. Tuy nhiên, nếu mồ hôi ra quá nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp.
Quý khách hàng có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
