Tin tức
Nguyên nhân và cách điều trị chứng đau mạn tính
Nhiều người thường phàn nàn về các cơn đau mạn tính của mình nhưng lại không biết ứng xử như thế nào với các cơn đau dai dẳng như vậy. Họ phải chịu đựng ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, làm chất lượng cuộc sống của người bệnh đi xuống vì phải chịu các cơn đau hành hạ.
Theo thống kê, tại Mỹ hơn 100 triệu người cho biết họ gặp phải các cơn đau mạn tính. Nguyên nhân có nhiều như do viêm khớp, đau nửa đầu, đau cơ, lưng hoặc bất cứ vị trí nào trên cơ thể mà không tìm được nguyên nhân, bệnh nhân thường cho đây là triệu chứng đau mạn tính. Nhưng thực tế là các chứng đau ở vị trí nào và cường độ nhẹ, trung bình hay nặng thì đều có thể điều trị để giảm triệu chứng đau.
Khi con người cảm thấy đau là do tín hiệu được gửi từ dây thần kinh đến não. Nhưng đôi khi các tín hiệu cứ liên tục phát ra khiến chúng ta vẫn cảm thấy đau ở một cơ quan nào đó, đó là khi đau trở thành mạn tính.
Nếu những cơn đau của bạn đến thường xuyên hoặc hàng ngày - kể cả những cơn đau nhẹ - bạn nên đến gặp bác sĩ. Cần nhớ rằng đau có thể trở thành mạn tính và không loại trừ bất cứ ai.
Đi bộ: Những cơn đau hàng ngày làm cho mọi người ít hoạt động hơn, và điều này thường làm cho chứng đau nặng hơn. Tập thể dục như đi bộ là một cách rất tốt, hãy đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày, tăng dần sau mỗi tuần. Đi bộ là làm cho não sản sinh endorphins- nhóm axit amin trong cơ thể có chức năng giảm đau, nó còn được coi là một thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể.
Châm cứu: Đây là cách điều trị phổ biến cho những cơn đau mạn tính. Bởi châm cứu có khả năng giải phóng một loại phân tử tự nhiên tên là adenosine ở những khu vực bị đau. Trong một nghiên cứu người ta đã chứng minh được khi cắm kim vào các huyệt đạo nhất định sẽ làm cho adenosine tăng lên gấp nhiều lần ở xung quanh khu vực đó làm giảm đau.
Ngủ đủ giấc: Mặc dù đau sẽ khiến người bệnh khó ngủ, nhưng ngủ không đủ giấc có thể làm cho cơn đau mạn tính tăng nhiều hơn vào ngày hôm sau. Đây là một vòng luẩn quẩn nhưng nếu gặp trường hợp như vậy hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn.
Thay đổi chế độ ăn: Thực phẩm có thể tạo ra các cơn đau hay không, câu trả lời là có thể. Những người bị chứng đau nửa đầu thường thấy rằng các loại thực phẩm như rượu vang đỏ và pho mát - làm cơn đau được kích hoạt. Thịt mỡ hoặc sữa có thể làm trầm trọng thêm chứng đau trong bệnh viêm khớp. Cần loại bỏ khỏi thực đơn những món ăn sẽ làm bạn phải hứng chịu các cơn đau đớn.
Theo dõi mức độ và tần suất của mỗi lần bị đau trong ngày và chia sẻ với bác sĩ, từ đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp cho người bệnh.
Hít thở sâu: Đặt tay lên bụng, hít thở sâu và chậm, chỉ cần vài phút bạn có thể cảm thấy đau đớn, căng thẳng tan biến. Cách này thật dễ dàng bởi bạn có thể thực hiện ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào.
Tăng cường luyện tập: Luyện tập tăng cường cơ bắp là "thuốc giảm đau" hiệu quả cho các bệnh đau lưng, viêm khớp. Tập luyện không chỉ cải thiện sức khỏe mà còn tăng cường tính linh hoạt, sự dẻo dai cho cơ thể.
Giảm đau bằng thực phẩm bổ sung: Hãy hỏi bác sĩ về việc bổ sung một số thực phẩm chức năng để giảm đau như dầu cá, glucosamine trong các bệnh lý đau khớp, viêm khớp.
Yoga: Nghiên cứu cho thấy tập yoga thường xuyên có thể giảm đau bởi các động tác yoga có thể có thể kéo dãn cơ nhẹ nhàng, thư giãn, cải thiện tâm trạng, làm giảm nhu cầu dùng thuốc giảm đau của cơ thể.
Không nằm trên giường quá lâu: Trước đây, người ta thường khuyên nếu bị đau hãy nghỉ ngơi. Nhưng khoa học ngày nay cho rằng nếu nghỉ ngơi 1 chút thì được, nhưng với các cơn đau mạn tính, nằm một chỗ quá lâu sẽ làm suy yếu cơ bắp, làm cơn đau nặng thêm, điều này hoàn toàn không có lợi. Hãy biến mình thành người hoạt bát để tránh xa các cơn đau.
Vật lý trị liệu: Tập luyện là cần thiết để giảm các triệu chứng vì tại các cơ sở trị liệu mới có đủ dụng cụ và người hướng dẫn một cách đúng đắn nhất để giảm đau. Tuy nhiên cơ bản của các liệu pháp vật lý trị liệu vẫn là tăng sự vận động và xây dựng sức mạnh cơ bắp.
Đừng lạm dụng thuốc giảm đau
Khi nói đến điều trị đau, người bệnh thường nghĩ đến đầu tiên là thuốc giảm đau, bởi nó tác dụng nhanh. Một số thuốc giảm đau thường được biết đến như acetaminophen, aspirin và ibuprofen ..., nhưng những thuốc này có thể có hại cho sức khỏe của con người nếu dùng chúng với liều lượng cao hoặc trong một thời gian dài. Bởi thuốc giảm đau sẽ có hại cho dạ dày, ảnh hưởng tới gan, thận.... Tốt nhất không nên dùng thuốc giảm đau quá 10 ngày liên tiếp trừ khi được bác sĩ theo dõi. Cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng trên lọ thuốc và chỉ định cúa bác sĩ.
Khi bắt buộc phải dùng thuốc
Thuốc giảm đau không phải là loại thuốc duy nhất có thể làm giảm triệu chứng đau của cơ thể. Một số loại thuốc trầm cảm hay thuốc điều trị bệnh động kinh có thể giúp điều trị đau mạn tính. Thuốc chống trầm cảm làm thay đổi nồng độ các hóa chất trong não ảnh hưởng đến mức độ đau đớn và tâm trạng của bạn. Thuốc trị động kinh giúp ngăn chặn tín hiệu đau tới não.
Phẫu thuật
Đối với nhiều bệnh gây đau khó điều trị như thoát vị đĩa đệm, hay trong các bệnh xương khớp, phẫu thuật đôi khi là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên cũng như tất cả các loại phẫu thuật, nó đều có rủi ro nhất định, người bệnh cần phải được sự tư vấn đầy đủ của bác sĩ chuyên khoa.
Đối với các chứng đau mạn tính, các loại thuốc xoa bóp, thuốc uống dân gian rất hay được sử dụng. Nhưng việc lạm dụng thuốc làm cho cơn đau mạn tính tồi tệ hơn, thậm chí nó có thể tương tác với các thuốc tây y bác sĩ đang kê cho bạn.
Người bệnh nhất thiết phải đi khám bác sĩ để được tư vấn về các biện pháp giảm đau cũng như điều trị kết hợp để có kết quả tốt nhất.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!