Tin tức
Những thông tin cơ bản về bệnh giang mai
- 02/11/2020 | Bệnh giang mai ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân như thế nào?
- 13/08/2020 | Xét nghiệm giang mai ở đâu uy tín tại Hà Nội?
- 06/06/2022 | Xét nghiệm giang mai sau bao lâu và cần làm gì khi kết quả dương tính?
1. Nguyên nhân gây ra và dấu hiệu nhận diện bệnh giang mai
1.1. Giang mai là bệnh gì?
Giang mai là dạng bệnh nhiễm trùng có khả năng lây truyền cực nhanh qua đường tình dục, do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất đến cơ quan sinh dục, tiếp sau đó là miệng, da và hệ thần kinh.
1.2. Nguyên nhân gây ra bệnh giang mai
Xoắn khuẩn Treponema pallidum gây bệnh giang mai có sức đề kháng yếu nên nếu ra khỏi cơ thể nó không thể sống quá vài giờ. Bệnh chủ yếu lây qua đường quan hệ tình dục không an toàn khiến cho xoắn khuẩn thâm nhập qua da/ niêm mạc của bộ phận sinh dục từ đó gây bệnh ở vùng bị xây xát rồi đi vào máu và nhanh chóng lây lan ra khắp cơ thể.
Xoắn khuẩn Treponema pallidum - tác nhân gây ra bệnh giang mai
Một số yếu tố sau đây được xem là tăng nguy cơ bị giang mai:
- Không thực hiện biện pháp tình dục an toàn.
- Sử dụng chung kim tiêm hoặc tiêm truyền máu.
- Người mẹ mang thai bị giang mai nhưng không điều trị nên lây sang con.
1.3. Dấu hiệu nhận diện bệnh giang mai
Tùy vào từng giai đoạn mắc bệnh mà dấu hiệu bệnh giang mai như sau:
- Giai đoạn đầu:
+ Sau khi lây bệnh khoảng 3 - 4 tuần tổn thương sẽ xuất hiện.
+ Có vết trợt nông không chứa gờ nổi lên trên da với hình tròn hoặc bầu dục, nền cứng và màu đỏ tươi.
+ Chủ yếu tổn thương có mặt ở niêm mạc sinh dục. Với nữ giới, tổn thương thường ở mép âm hộ, môi bé, môi lớn. Với nam giới, tổn thương thường ở dương vật, bìu, miệng sáo, quy đầu,...
+ Xuất hiện hạch ở vùng bẹn với tính chất: sưng to, thành chùm, có một hạch to nhất được gọi là hạch chúa.
- Giai đoạn thứ hai:
+ Được tính từ khi có các dấu hiệu ở trên và kéo dài khoảng 6 - 8 tuần.
+ Khắp thân mình nổi các dát đỏ hồng rải rác với nhiều hình dạng: sẩn đỏ hồng, xung quanh có vảy, thâm nhiễm; sẩn dạng vảy nến; sẩn hoại tử;...
+ Bị viêm hạch lan tỏa.
Dấu hiệu bệnh giang mai theo giai đoạn
- Giai đoạn thứ ba:
+ Xuất hiện nhiều nhất vào năm thứ 3 của bệnh.
+ Bị tổn thương ở nhiều vùng của cơ thể: cơ, da, xương, tim mạch, thần kinh.
2. Biến chứng của bệnh giang mai
Nếu không được điều trị hiệu quả và kịp thời, giang mai có thể gây ra hàng loạt biến chứng:
- Tất cả các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương bởi sự tấn công của xoắn khuẩn giang mai.
- Viêm gan.
- Phình động mạch chủ.
- Viêm động mạch chủ.
- Toàn thân bại liệt.
- Rối loạn tâm thần.
- Thai nhi bị giang mai bẩm sinh có thể dị dạng sau sinh hoặc tử vong.
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh giang mai
3.1. Chẩn đoán
Các xét nghiệm sau góp phần cung cấp cơ sở để chẩn đoán chính xác bệnh giang mai:
- Xét nghiệm máu: xác nhận sự hiện diện của kháng thể do cơ thể sản xuất để chống lại nhiễm trùng. Những kháng thể này vẫn tồn tại trong cơ thể bệnh nhân trong nhiều năm liền nên có thể kết quả xét nghiệm để xác định nhiễm trùng trong quá khứ hoặc hiện tại.
- Xét nghiệm dịch não tủy: áp dụng với những bệnh nhân nghi ngờ biến chứng thần kinh do giang mai. Bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch não tủy bằng thủ thuật chọc dò thắt lưng để có căn cứ kết luận chẩn đoán.
Test Syphilis giúp chẩn đoán bệnh giang mai
3.2. Điều trị
Do bệnh giang mai gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nên việc điều trị là cần thiết và cần được tiến hành từ sớm. Phương pháp điều trị hiện đang được áp dụng phổ biến nhất là dùng thuốc để khắc chế bệnh.
Nếu được điều trị ngay từ giai đoạn đầu giang mai có thể được chữa khỏi bằng thuốc vì thế đây là lựa chọn được bác sĩ ưu tiên. Người bệnh thường được chỉ định dùng thuốc kháng sinh Penicillin để tiêu diệt xoắn khuẩn Treponema pallidum. Trường hợp dị ứng với thuốc sẽ được chuyển sang loại kháng sinh khác hoặc có phương pháp giải mẫn cảm với Penicillin.
Trường hợp bị giang mai thứ cấp, tiềm ẩn sơ cấp hay chỉ mới ở giai đoạn đầu của bệnh thì phương pháp điều trị được khuyến nghị là tiêm Penicillin một liều duy nhất. Người bị bệnh giang mai trên một năm có thể sẽ được tiêm thêm liều bổ sung. Penicillin cũng là loại thuốc điều trị duy nhất được khuyến cáo dùng cho thai phụ bị giang mai.
Trong ngày điều trị đầu tiên, người bệnh có thể sẽ trải qua phản ứng Jarisch-Herxheimer nên bị ớn lạnh, sốt, đau nhức, buồn nôn, đau đầu. Đây là phản ứng rất bình thường và sẽ không kéo dài quá một ngày.
Sau khi người bệnh đã được điều trị giang mai bằng thuốc bác sĩ sẽ yêu cầu:
- Tiến hành xét nghiệm máu định kỳ để đảm bảo về khả năng đáp ứng với Penicillin liều lượng thông thường.
- Kiêng quan hệ tình dục cho đến lúc điều trị xong và có kết quả xét nghiệm máu đã chữa khỏi nhiễm trùng.
- Thông báo để bạn tình biết về hiện trạng bệnh lý và kết quả điều trị để nếu thấy cần thiết họ sẽ tự chủ động kiểm tra và điều trị.
- Xét nghiệm tìm kiếm sự có mặt của virus HIV.
Bản thân bệnh giang mai vô cùng nguy hiểm nên việc chủ động phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh và quan hệ tình dục chung thủy là rất cần thiết. Đặc biệt, bệnh giang mai bẩm sinh cũng cần được phòng ngừa bằng cách phát hiện sớm để thai phụ được điều trị hiệu quả.
Bảo vệ bản thân và cộng đồng trước sự lây lan của bệnh giang mai là việc nên làm bởi căn bệnh này nguy hiểm không kém HIV-AIDS. Do đó, nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, tốt nhất hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám để được tư vấn hướng xử trí hiệu quả.
Nếu đang nghi ngờ về sự có mặt của dấu hiệu giang mai, bạn có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để đặt lịch lấy mẫu xét nghiệm tận nơi của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tại đây, Tổng đài viên sẽ nhanh chóng giúp bạn đặt lịch phù hợp với thời gian của mình để chủ động sắp xếp, tránh được mối lo công việc bị ảnh hưởng,
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!