Tin tức

Phòng và tránh sâu răng sữa

Ngày 21/12/2010
BS. Anh Đức
Răng sữa (RS) có vai trò rất lớn trong sự sinh trưởng và phát triển của trẻ. Do mọc sớm nên RS rất dễ bị bào mòn. Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ lại không quan tâm mấy đến RS, cũng như không nhận thức được tầm quan trọng của RS nên để con bị sâu răng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ.


Vai trò của RS

- RS giữ một chức năng quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn cho trẻ: cắn, xé, nhai, nghiền nát thức ăn. Điều này đồng nghĩa với việc bé ăn có được ngon miệng không, bé hấp thụ thức ăn có được tốt không và điều đó ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân của bé như thế nào?

- RS chính là nhân tố kích thích sự tăng trưởng của xương hàm nhờ vào cử động nhai, sự hợp lý của cung răng và RS còn giữ cho răng vĩnh viễn sau này mọc đúng vị trí.

- RS giúp cho em bé phát âm được chuẩn hơn, sự mất sớm của RS sẽ làm khó khăn cho việc phát âm một số âm (T, S, C, V…) và điều này có thể ảnh hưởng lâu dài, kể cả khi bé đã mọc răng vĩnh viễn.

- RS khỏe mạnh sẽ cho bé khuôn mặt xinh tươi và nụ cười rạng rỡ.

Lịch mọc RS

Có tất cả 20 chiếc RS, 10 ở hàm trên và 10 ở hàm dưới. Chúng sẽ xuất hiện ở những thời điểm rất khác nhau ở các trẻ khác nhau.

Sau đây là kiểu mọc RS thường gặp nhất:

- 4 răng cửa giữa (1) của hàm trên và hàm dưới: 5 - 8 tháng.

- 4 răng cửa bên (2): 7 - 10 tháng.

- 4 răng hàm đầu tiên (4): 12 – 16 tháng.

- 4 răng nanh (3): 14 - 20 tháng.

- 4 răng hàm thứ 2 (5): 20 - 32 tháng.

Tại sao RS hay bị sâu?

- RS có cấu tạo kém bền chắc hơn răng vĩnh viễn.

- Vì RS có buồng tủy to hơn răng vĩnh viễn nên khi bị sâu răng dễ bị viêm tủy.

Điều trị rất ít hiệu quả.

- Trẻ em vệ sinh răng miệng kém: những mảnh vụn thức ăn, các chất bột đường… bám trên bề mặt răng sẽ bị vi khuẩn trong miệng làm lên men thành acid. Acid sẽ phá hủy men răng, gây sâu răng.

- Trẻ thường ăn bánh, mứt, kẹo ngoài các bữa ăn chính.

Làm thế nào để tránh sâu RS?

- Khi có thai, mẹ không được dùng kháng sinh có sắc tố vàng như: tetracylin, doxycillin. Đối với bé thì phải tránh dùng thuốc kháng viêm có nhân corticoid như: prednisone, dexamethason… không được dùng kháng sinh tetracycline, doxycillin vì sẽ làm răng dễ bễ, răng bị vàng.

- Thức ăn cho trẻ phải cung cấp đầy đủ sinh tố A, C, D, các muối khoáng canxi, magiê… để giúp răng phát triển, chất fluor giúp cho cấu tạo răng bền vững. Các sinh tố và muối khoáng trên có trong các loại rau, quả, củ, thịt, tép, trứng, sữa, thức ăn biển như: cá, cua, nghêu, sò… Cần cho bé ăn đầy đủ các loại thức ăn bằng cách thay đổi món hàng ngày. Nếu cháu chỉ ăn thịt, không ăn tép, cá, rau, củ… thì cấu tạo răng không bền mà sự phát triển của bé cũng kém, có thể đưa đến suy dinh dưỡng.

- Nên ăn thức ăn có xơ, những sợi xơ cùng nước bọt tiết ra có khả năng cuốn đi thức ăn còn vướng ở kẽ răng.

- Để tránh tạo ra chất acid làm hư men răng, phải giúp trẻ giữ cho miệng sạch, không còn mảnh thức ăn hay chất bột đường dính trên răng, bằng các cách sau:

Dùng bàn chải nhỏ (loại dành cho trẻ em), lông mềm và kem đánh răng không cay dùng cho trẻ, tập cho trẻ chải răng sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Lúc đầu trẻ có thể không chịu, nhưng cứ kiên nhẫn, trẻ sẽ quen dần. Trong lúc trẻ chưa đủ răng, chỉ mới mọc vài cái, thì dùng gạc quấn quanh ngón tay để rửa các bề mặt của răng sau khi ăn. Nếu trẻ còn bú bình ban đêm, thì sau khi bú sữa phải cho bé bú nước để rửa sạch răng miệng. Tức là, muốn tránh sâu răng cho trẻ, phải tập cho bé có thói quen giữ vệ sinh răng miệng. Chính thói quen tốt này sẽ giúp bé giữ gìn cả RS lẫn răng trưởng thành sau này.


Theo Sức khỏe và đời sống

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.