Tin tức

Sống chung với bệnh suy tĩnh mạch

Ngày 20/08/2015
THS. BS LÊ THANH PHONG (Trưởng đơn vị phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM)
Bệnh suy tĩnh mạch rất thường gặp khi nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy có đến 40% dân số trưởng thành mắc bệnh ở những mức độ khác nhau. Bệnh không điều trị kịp thời dẫn đến hậu quả khôn lường.

1. Suy tĩnh mạch là gì?

Suy tĩnh mạch là để chỉ những trường hợp máu tĩnh mạch không theo đường chảy bình thường mà trào ngược lại ngoại biên vốn đã bị ứ huyết.

Vì một số nguyên nhân nào đó dẫn tới sự hoạt động bất thường của van tĩnh mạch gây ra dòng máu trào ngược lại gây ứ trệ tuần hoàn máu tĩnh mạch và tăng áp lực tĩnh mạch lâu dần gây bệnh suy tĩnh mạch mạn tính.

Bệnh suy tĩnh mạch bản chất có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể. Tuy nhiên là bệnh thường xảy ra nhất là ở các tĩnh mạch chân do hệ thống tĩnh mạch chân dài, cấu tạo phức tạp thường phải chịu áp lực lớn.

Nếu không được quan tâm đúng mức, bệnh có thể tiến triển sang giai đoạn nặng hơn với tình trạng giãn tĩnh mạch, phù chân, thay đổi da cẳng chân và loét chân.
 

Người bệnh suy tĩnh mạch được khuyên hạn chế đứng lâu, ngồi lâu... Tuy nhiên, không phải lúc nào người bệnh cũng có thể thực hiện điều này.

Quan trọng là khi ở trong tình huống có thể làm nặng thêm bệnh, người bệnh cần biết cách hạn chế tối đa tác hại của nó

Sống chung với bệnh suy giãn tĩnh mạch

Hình ảnh minh họa giãn tĩnh mạch chi dưới.

2. Lời khuyên bổ ích cho bệnh suy tĩnh mạch

Lời khuyên sau đây dựa trên khuyến cáo của các hiệp hội phẫu thuật mạch máu trên thế giới, không chỉ dành cho người bệnh mà còn giúp phòng bệnh.

Trong trường hợp phải ngồi lâu (đặc biệt ngồi tàu, xe kéo dài)

- Nên mang vớ áp lực nhẹ.

- Không nên ngồi bắt chéo chân hay ngồi xổm.

- Thường xuyên xoay tròn cổ chân, duỗi thẳng và gấp ngược bàn chân.

- Đặt cẳng chân trong tư thế duỗi gối thẳng tối đa.

- Cứ sau một khoảng thời gian nhất định thì đứng lên và đi lại.

Sống chung với bệnh suy tĩnh mạch

Đi giày cao gót và đứng lâu khiến bệnh càng trở nên trầm trọng.

Trường hợp phải đứng lâu 
và/hoặc đứng một chỗ, cần thực hiện đều đặn những việc sau

- Mang vớ tĩnh mạch áp lực nhẹ.

- Bước liên tục khoảng 10 bước và sau đó đứng lên - ngồi xuống vài lần bằng cách gập gối.

- Co và giãn các cơ của cẳng chân.

- Nhảy tại chỗ hoặc di chuyển trọng lực cơ thể từ chân này sang chân khác dựa trên các mũi bàn chân.

- Tránh mang vác nặng.

- Nếu nghề nghiệp của bạn cần đứng thường xuyên, nên bù trừ bằng những khoảng thời gian đi bộ vài lần mỗi ngày.

Để giúp chân dễ chịu

- Không nên mặc quần áo, quần áo lót hay những vật dụng khác (dây nịch...) quá chật.

- Chọn giày mềm mại và thoải mái, chiều cao lý tưởng của đế giày dưới 6cm.

- Tránh tiếp xúc nhiệt ở vị trí của cẳng chân như tắm nước nóng, ngâm chân nước nóng, xông hơi...

- Buổi tối nên tưới nước lạnh lên chân, xoa bóp chân nhẹ nhàng từ bàn chân lên đến đùi, gác chân lên gối mềm cao 10 - 15cm so với mặt giường.

Chế độ dinh dưỡng

- Chống thừa cân và cân bằng chế độ dinh dưỡng.

- Hạn chế sử dụng chất kích thích như trà, cà phê, rượu, bia...

- Thường xuyên uống nước.

- Tránh táo bón bằng chế độ ăn giàu chất xơ như rau củ, trái cây...

Sống chung với bệnh suy tĩnh mạch

Chế độ ăn uống hợp lý giúp cải thiện  tình trạng bệnh rõ dệt.

Tập những môn thể thao phù hợp

- Nên chơi những môn thể thao giúp hồi lưu tĩnh mạch được về tim dễ dàng: đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, tập gym...

- Những môn thể thao có sự vận động liên tục của cổ chân và co các cơ của cẳng chân đều được khuyến khích.

- Thận trọng khi chơi và hạn chế tập luyện các môn thể thao làm tăng trọng lực hoặc đứng tại chỗ hay va chạm mạnh như tennis, môn bóng đồng đội (bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ), lướt sóng...

- Hạn chế tối đa chơi những môn thể thao cản trở hồi lưu tĩnh mạch: như những môn thể thao cần nín thở hay có nguy cơ chấn thương (đẩy tạ, thể hình, judo, những môn thể thao đối kháng...); những môn thể thao có tư thế đứng tại chỗ hay quần áo bó chật: bắn cung, đua ngựa, bơi xuồng...

Tuy nhiên, không có môn thể thao nào thật sự bị cấm đoán, miễn là bạn tập luyện với sự cân nhắc, đều đặn hơn ngẫu hứng.

Nếu chơi một môn thể thao không phù hợp cho bệnh tĩnh mạch, bạn nên bù đắp sau đó bằng các môn thể thao có lợi cho tĩnh mạch (đi bộ, đi xe đạp, bơi lội...).
 

Nguồn: tuoitre.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ