Tin tức
Tác dụng phụ thường gặp sau hóa trị
Tác dụng phụ thường gặp
Đáp ứng đối với hóa trị của mỗi bệnh nhân khác nhau. Tùy theo từng bệnh nhân, có thể có rất ít hoặc khá nhiều tác dụng phụ.
- Giảm sức đề kháng đối với nhiễm trùng: Hóa trị làm giảm số lượng bạch cầu khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng. Tác dụng này có thể khởi phát vào thời điểm 7 ngày sau khi bắt đầu hóa trị và sức đề kháng đối với nhiễm khuẩn sẽ thấp nhất từ 10 - 14 ngày sau khi hóa trị. Số lượng bạch cầu sau đó sẽ tăng dần và thường trở về trị số bình thường trước chu kỳ hóa trị kế tiếp.
Báo ngay cho thầy thuốc khi: thân nhiệt tăng trên 38ºC; cảm thấy mệt mỏi đột ngột, ngay cả khi thân nhiệt vẫn ở mức bình thường; cần kiểm tra lại công thức máu để xem bạch cầu đã phục hồi lại mức độ bình thường hay chưa trước khi tiếp tục hóa trị.
- Bầm da hoặc chảy máu: paclitaxel và carboplatin có thể làm giảm sản sinh tiểu cầu khiến máu khó đông. Cần thông báo ngay cho thầy thuốc khi có bầm tím dưới da hoặc xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu lợi, đốm xuất huyết dưới da.
- Thiếu máu (giảm số lượng hồng cầu): Khi cảm thấy mệt và khó thở, có thể là do dấu hiệu của thiếu máu, do đó cần báo cho bác sĩ biết ngay nếu thấy các triệu chứng này.
- Buồn nôn và nôn: Khi có hiện tượng này cần thông báo cho thầy thuốc biết để được chỉ định dùng các thuốc phòng chống nôn có hiệu quả. Một số thuốc chống nôn có thể gây táo bón.
- Mệt mỏi: Bệnh nhân có thể cảm thấy rất mệt mỏi, nhất là vào giai đoạn cuối của liệu trình hóa trị. Tác dụng phụ này rất thường gặp. Người bệnh cần được nghỉ ngơi thật nhiều.
- Rụng tóc: Rụng tóc do paclitaxel thường khởi phát từ 3 - 4 tuần sau chu kỳ điều trị đầu tiên. Tóc thường rụng toàn bộ. Có thể rụng cả lông mày, lông mi lẫn lông ở các vùng khác của cơ thể. Lông, tóc thường chỉ rụng tạm thời và sẽ mọc lại sau khi chấm dứt điều trị.
- Lở và loét miệng: Niêm mạc miệng có thể bị khô và lở, đôi khi có những vết loét nhỏ ở miệng trong quá trình điều trị. Uống nhiều nước, chải răng nhẹ nhàng và đều đặn với bàn chải mềm giúp giảm nguy cơ lở loét miệng. Có thể dùng các thuốc súc miệng và thuốc thoa tại chỗ để vệ sinh răng miệng và chống lở loét.
- Tiêu chảy: Tiêu chảy có thể xảy ra chỉ vài ngày sau khi hóa trị và dễ dàng được kiểm soát bằng thuốc nếu nặng và kéo dài. Cần chú ý uống nhiều nước (2 - 3 lít mỗi ngày) nếu tiêu chảy.
- Tê và châm chích ở tay chân: Hậu quả của paclitaxel hoặc carboplatin trên thần kinh gây viêm thần kinh ngoại biên. Bệnh nhân cần báo cho thầy thuốc nếu xuất hiện các triệu chứng kể trên. Triệu chứng thường giảm dần khi chấm dứt liệu trình hóa trị.
- Đau cơ và các khớp: Triệu chứng đau cơ khớp có thể xảy ra chỉ vài ngày sau khi hóa trị và thường là do paclitaxel. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường không kéo dài và có thể được xử lý bằng các thuốc giảm đau thông thường.
- Phản ứng quá mẫn: Những dấu hiệu của phản ứng quá mẫn đối với thuốc hóa trị bao gồm sẩn da, ngứa, sốt, lạnh run, chóng mặt, nhức đầu và khó thở. Bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng corticoid trước khi hóa trị để giảm nguy cơ phản ứng quá mẫn. Người bệnh cần dùng corticoid theo đúng chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc.
Thiếu máu (giảm số lượng hồng cầu) là tác dụng phụ sau hóa trị.
Tác dụng phụ ít gặp khác
- Nhức đầu: Một số bệnh nhân bị nhức đầu khi dùng paclitaxel. Nên báo cho bác sĩ điều trị biết.
- Thay đổi về vị giác: Vị giác có thể thay đổi và sẽ trở lại bình thường khi chấm dứt điều trị.
- Thay đổi về thính giác: Thay đổi về thính giác thường ít xảy ra nếu dùng liều tiêu chuẩn. Liều cao có thể gây ù tai và mất khả năng nghe những âm thanh có tần số cao. Tác dụng phụ này thường giảm sau khi chấm dứt điều trị. Cần báo ngay cho thầy thuốc nếu thấy ù tai hoặc giảm thính lực.
- Thay đổi về nhịp tim: Paclitaxel đôi khi có thể gây chậm nhịp tim. Tuy nhiên, tác dụng phụ này thường ít khi gây nguy hại.
- Tác dụng phụ trên thận: Thường ít gặp và ít gây triệu chứng nào đáng kể. Cần kiểm tra chức năng thận trước mỗi liệu trình hoá trị. Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ nếu cần thiết.
- Đau bụng: Có thể xảy ra vài ngày sau khi dùng paclitaxel và kéo dài vài ngày. Người bệnh cần báo ngay cho thầy thuốc khi thấy các tác dụng phụ của hóa trị. Luôn có cách để kiểm soát và giảm nhẹ các tác dụng phụ này.
Vấn đề cần lưu ý
- Nguy cơ đông máu: Ung thư tăng nguy cơ hình thành huyết khối và việc hóa trị càng khiến nguy cơ này tăng cao hơn. Huyết khối gây ra các triệu chứng như đau, đỏ và sưng chân, hoặc khó thở và tức ngực. Huyết khối gây nguy hiểm đến tính mạng, do đó bệnh nhân cần báo ngay cho thầy thuốc khi có các triệu chứng nêu trên. Đa số huyết khối đều có thể được xử lý bằng những loại thuốc kháng đông.
- Sử dụng đồng thời các thuốc khác: Một số thuốc khác có thể gây nguy hại khi dùng chung với hóa trị. Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ tất cả những loại thuốc và thảo dược mà mình đang dùng.
- Sự thụ thai: khả năng thụ thai đối với phụ nữ và có con đối với đàn ông có thể bị ảnh hưởng bởi hóa trị. Vì vậy, không nên có con (cả phụ nữ và đàn ông) khi đang hóa trị vì có thể gây nguy hại cho bào thai. Cần sử dụng các biện pháp tránh thai trong thời gian điều trị và ít nhất vài tháng sau khi chấm dứt liệu trình.
- Tắt kinh ở phụ nữ: do tác dụng của thuốc hóa trị trên buồng trứng, kinh nguyệt có thể không đều hoặc ngưng hẳn. Tắt kinh có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trong trường hợp tắt kinh vĩnh viễn, bệnh nhân sẽ cảm nhận các cơn bốc hỏa và toát mồ hôi của thời kỳ mãn kinh.
Theo Sức khỏe và đời sống
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!