Tin tức
Tật khúc xạ ở trẻ em: có thể bạn chưa biết?
Ở đây, chúng tôi không đi sâu về nguyên nhân xuất hiện tật khúc xạ, cũng như bệnh học, cách điều trị mà sẽ đưa ra một trường hợp cụ thể để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tật khúc xạ ở trẻ em.Ngày càng có nhiều trẻ em mắc các tật khúc xạ khác nhau.
Một trường hợp bị chỉnh sai kính kính khám tại Bệnh viện MEDLATEC
Cháu N.H.P, 7 tuổi, sống tại Hà Nội, cháu được gia đình đưa đến khám chuyên khoa Mắt tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC vì cháu không chịu đeo kính và nói nhìn mờ cả khi đeo kính lẫn khi không đeo kính. Bác sỹ tiến hành thử thị lực, đo khúc xạ chủ quan, khách quan và khám mắt, soi đáy mắt cho cháu. Kết quả cho thấy cháu P bị viễn thị mắt phải +0.50 D, mắt trái +3.00 D. Thị lực mắt phải đạt 6/10, mắt trái đạt 3/10. Tuy nhiên, khi cố gắng chỉnh kính tối ưu cho cháu thì thị lực không tăng.
Bác sỹ thông báo kết quả khám sơ bộ cho gia đình thì mẹ cháu mới đưa kính cũ của cháu ra và nói rằng chiếc kính này cháu đã đeo gần một nay và nó là kính cận thị. Sau khi kiểm tra kính, bác sỹ xác định đây đúng là kính cận thị, mắt phải cận -2.50 D, mắt trái cận -0.50 D. Kiểm tra thị lực đeo kính cũ cũng không thấy khác so với khi không đeo kính. Lúc này, mẹ cháu mới kể: “Khi được 5 tuổi, gia đình thấy cháu hay nheo mắt khi xem tivi nên đã đưa đến một Bệnh viện chuyên khoa Mắt ở Hà Nội để khám. Bác sỹ kết luận là hai mắt cháu bị viễn thị bẩm sinh và kê đơn kính cho cháu đeo. Gia đình đã cắt kính theo đơn của bác sỹ, nhưng cháu hay bỏ kính không đeo. Mẹ cháu thương con còn bé mà đã phải đeo kính nên cũng không bắt cháu phải đeo.
Tuy nhiên, khi bắt đầu đi học lớp 1 thì cô giáo thường phàn nàn là cháu tập viết chữ không đúng như cô yêu cầu. Lần này, gia đình bèn đưa cháu đến khám ở một phòng khám tư nhân. Ở đây, sau khi đo khúc xạ cho cháu bằng máy và thử kính cho cháu, bác sỹ cắt cho cháu một chiếc kính cận thị (là cặp kính hiện tại cháu đang đeo). Khi đeo kính này, ban đầu cháu nói nhìn rất rõ chữ ở trên bảng. Tuy nhiên, dần dần cháu cũng lại bỏ kính không chịu đeo nữa. Khi mẹ gạn hỏi thì cháu mới nói, đeo kính này cháu hay bị nhức mắt, khó chịu. Sau một thời gian trì hoãn, gia đình mới quyết định cho cháu đi kiểm tra lại tại Bệnh viện MEDLATEC”.
Xác định đây là một trường hợp phức tạp do bị chỉnh sai kính nên bác sỹ khuyên gia đình nên cho cháu tra thuốc liệt điều tiết tại nhà 5 ngày, sau đó khám lại. Năm ngày sau, bác sỹ tiến hành đo lại khúc xạ cho cháu bằng phương pháp soi bóng đồng tử (một phương pháp đo khúc xạ khách quan có tính chính xác cao, nhất là đối với trẻ em). Kết quả đo khúc xạ lúc này của cháu là: mắt phải viễn thị +2.50 D, mắt trái viễn thị +5.00 D.
Với kết quả khám này, bác sỹ giải thích cho gia đình về tình trạng hiện tại của cháu: cháu P. thực sự bị viễn thị bẩm sinh cả hai mắt. Kết quả khám mắt của cháu lần đầu tại Bệnh viện chuyên khoa Mắt là chính xác. Còn lần khám sau ở phòng khám tư nhân, khi đó cháu đang bị co quắp điều tiết nên bị sai lệch kết quả đo khúc xạ. Và khi thử cho đeo kính cận thị, cháu vẫn thấy nhìn rõ hơn. Bác sỹ đã không cho cháu tra thuốc liệt điều tiết nên đã cấp cho cháu một cặp kính không chính xác.
Đeo kính đúng số là biện pháp quan trọng để phục hồi thị lực cho trẻ.
Những lưu ý về đo khúc xạ ở trẻ em
Qua trường hợp trên đây, bác sĩ chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC có một số lưu ý với các phụ huynh về sự khác biệt trong việc đo khúc xạ cho trẻ em và người lớn:
- Trẻ em hầu như không thể phối hợp tốt với bác sỹ và kỹ thuật viên trong quá trình khám, đo đạc hay cảm giác chủ quan của trẻ thường không hoàn toàn chính xác, …
- Khả năng điều tiết ở trẻ em và người lớn là rất khác nhau. Một đứa trẻ 5 tuổi có thể điều tiết tối đa tới 15 điốp, nghĩa là khi trẻ điều tiết tối đa thì từ một mắt bình thường có thể đo thành mắt cận thị 15 điôp.
Trong trường hợp của cháu P, mặc dù bị viễn thị nhưng do có thêm tình trạng co quắp điều tiết mà mắt cháu lại trở thành cận thị nhẹ. Khả năng điều tiết ở con người sẽ giảm dần theo tuổi và khi tới 60 tuổi thì điều tiết gần như không còn. Chính vì vậy, khi khám cho trẻ em bác sỹ nhãn nhi phải tra thuốc liệt điều tiết để loại trừ khả năng điều tiết của trẻ. Có như vậy mới xác định được tật khúc xạ chính xác của bệnh nhân.
Trường hợp của cháu P, sau 3 tháng đeo kính mới và kết hợp điều trị phục hồi chức năng thị giác thì thị lực hai mắt của cháu khi đeo kính đã đạt ở mức 7/10. Bác sỹ hiện vẫn đang theo dõi và tiếp tục điều trị cho cháu với mục tiêu đạt được thị lực tốt nhất có thể. Nếu cháu vẫn tiếp tục đeo cặp kính cận thị kia và không được điều trị phục hồi chức năng thị giác kịp thời thì chắc chắn cháu sẽ phải chấp nhận thị lực thấp cho cả hai mắt suốt quãng đời sau này.
- Nếu con của bạn có những biểu hiện khác thường khi xem tivi, học bài như nheo mắt, nghiêng đầu vẹo cổ, cúi sát sách vở hoặc kêu nhìn mờ, … thì nên đưa cháu tới bác sỹ chuyên khoa Mắt để được khám và phát hiện sớm tật khúc xạ cũng như các bệnh về mắt khác.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!