Tin tức
Thuốc trị tăng huyết áp gây ho: Vì sao và cách xử lý?
Ảnh minh họa.
Thuốc thứ nhất là thuộc nhóm ức chế men chuyển, gồm có: captopril, enalapril, benazepril, lisinopril… Cơ chế của thuốc là ức chế một enzym có tên là men chuyển angiotensin (angiotensin converting enzyme, viết tắt ACE). Chính ACE xúc tác mà chất sinh học có trong cơ thể là angiotensin I biến thành angiotesin II và chính chất sau này gây co thắt mạch làm tăng huyết áp. Nếu ACE bị thuốc ức chế, tức làm cho không hoạt động được, sẽ không sinh ra angiotensin II, sẽ có hiện tượng giãn mạch và làm hạ huyết áp. Thuốc ức chế men chuyển gây ho khan vì ACE không chỉ xúc tác biến angiotensin I thành angiotensin II mà còn có vai trò trong sự phân hủy chất sinh học khác có tên bradykinin, nếu thuốc ức chế ACE, bradykinin không được phân hủy ở mức cần thiết sẽ thừa gây kích thích ho ở đường hô hấp. Thuốc ức chế men chuyển có thể gây ho khan và kéo dài ở 5 - 35% số bệnh nhân dùng thuốc này. Đây là thuốc trị THA gây ho đáng kể, không tùy thuộc liều lượng (tức uống liều thấp vẫn bị) và thường làm cho người bệnh bỏ thuốc.
Thuốc thứ hai có thể gây ho khan thuộc nhóm thuốc chẹn bêta, gồm có: propranolol, pindolol, nadolol, timolol, metoprolol, atenolol… Cơ chế của thuốc là ức chế thụ thể bêta giao cảm ở tim mạch, do đó làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp. Đa số các thuốc chẹn bêta không chỉ ức chế thu thể bêta-1 chọn lọc tác động trên tim mạch mà còn ức chế thụ thể bêta-2 gây co thắt phế quản. Cho nên, nhiều thuốc chẹn bêta ngoài hạ huyết áp có thể gây phản xạ ho (do co thắt phế quản, lưu ý người bị hen suyễn cũng vì thế không được dùng thuốc chẹn bêta). Tỷ lệ bị ho do dùng thuốc chẹn bêta ít hơn so với thuốc ức chế men chuyển.
Nhóm thuốc thứ ba có thể gây ho khan là thuốc chẹn kênh calci (còn gọi thuốc đối kháng calci), gồm có: nifedipin, nicardipin, amlodipin, felidipin, isradipin, verapamil, diltiazem… Cơ chế của thuốc là chặn dòng ion calci không cho đi vào tế bào cơ trơn của các mạch máu gây giãn mạch và từ đó làm hạ huyết áp. Cơ chế gây ho của nhóm thuốc này chưa được biết rõ ràng. Tỷ lệ bị ho do dùng thuốc chẹn calci rất thấp, khoảng 1 - 6%. Đặc biệt, đây là thuốc thường phối hợp với thuốc ức chế men chuyển trị THA nên phản xạ ho gây ra bởi thuốc phối hợp chứ không phải do thuốc chẹn kênh calci. Tuy nhiên, tác dụng phụ gây ho của thuốc chẹn calci cũng cần ghi nhận để thông tin cho bệnh nhân hầu tránh việc bỏ thuốc.
Đối với người đang dùng thuốc trị THA khi bị ho nên lưu ý những điều sau:
- Ho có thể do thuốc nhưng cũng có thể do nguyên nhân khác, như bị cảm lạnh. Trường hợp ho nhiều có thể dùng thuốc trị ho thông thường trong vài ngày, nếu sau vài ngày ho không đỡ nên đến bác sĩ khám chữa bệnh THA trước đây kể rõ triệu chứng ho. Không nên tự ý bỏ thuốc trị THA đang dùng (người bị THA rất cần dùng thuốc đều đặn để kiểm soát, nếu ngưng dùng thuốc huyết áp tăng vọt rất nguy hiểm).
- Nếu bác sĩ xác định ho do thuốc sẽ cho thay thuốc ức chế men chuyển đang dùng gây ho bằng thuốc mới gọi là thuốc đối kháng thụ thể angiotesin II (như losartan, valsartan, irbesaetan, candesartan…). Hoặc người bệnh bị ho bởi thuốc chẹn bêta, bác sĩ sẽ thay thế thuốc dùng thuốc chọn lọc chẹn bêta-1 (như atenolol, metoprolol, bisoprolol… ) và cho dùng liều thấp nhất có hiệu quả. Đối với thuốc chẹn kênh calci gây ho, có khi bác sĩ thay thế bằng thuốc nhóm khác thích hợp. Ngoài việc thay thế thuốc, bác sĩ còn thực hiện các biện pháp làm giảm các yếu tố tiềm tàng kích thích phản xạ ho ở đường hô hấp.
Theo Sức khỏe và đời sống
Nguồn: medlatec.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!