Tin tức
Vì sao bọ xít hút máu người bùng phát ở Hà Nội?
Lý giải vì sao bọ xít hút máu người lại có nhiều ở Hà Nội cũng như các thành phố lớn, GS TSKH Vũ Quang Côn - Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam cho rằng những thành phố lớn là môi trường lý tưởng cho bọ xít sống.
Cách nhận biết bọ xít hút máu người
Bọ xít hút máu thuộc họ Reduviidae là họ bọ xít bắt mồi thuộc bộ cánh nửa (Hemiptera), lớp côn trùng (Insecta). Trong họ này (Reduviidae) phần nhiều là côn trùng có ích, chuyên săn bắt côn trùng khác để ăn; song cũng có một số loài là những loài bọ xít hút máu.
Đặc điểm của loại này có kim chích dài ba đốt, rất khỏe. Phần gốc vòi cong, không dính sát đầu. Mặt bụng của ngực trước có rãnh lõm để nạp vòi và có nọc độc làm tê liệt con mồi.
Bọ xít hút máu có chiều dài từ khoảng 1-3,5 cm tùy thuộc vào còn non hay trưởng thành; phần bụng rộng và dẹp, đầu, thân và các phần phụ khác nhẵn hoặc có lông ngắn. Ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng, khác với các loại bọ xít khác có đủ màu xanh, đen, nâu... Loại bọ xít này thường đẻ trứng trên thành của giường, tủ hoặc dưới các đống gỗ ngoài nhà; trứng có kích thước khoảng 1-1,5 mm và màu trắng ngà.
Bọ xít hút máu thích môi trường gỗ mục nát
Loài bọ xít hút máu sống bằng máu người hoặc động vật, khi không có động vật chúng sẽ tìm đến người để hút máu. Chúng không những chỉ xuất hiện ở các khu nhà ẩm thấp, tối tăm mà còn có mặt cả ở những khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi.
Bọ xít hút máu thường sống ở giường, đệm, tủ, khe nứt, trên trần nhà, dưới đống củi..., chúng có thể làm ổ cả trong hoặc ngoài nhà. Ban ngày bọ xít hút máu thường trốn vào các khe tối như khe giường, khe tủ... đêm đến mới hoạt động, nên con người thường không biết sự có mặt của chúng.
Bọ xít hút máu người gây rối loạn nhịp tim, rối loạn mạch máu, suy kiệt sức khỏe. Nhưng có truyền bệnh hay không thì cần phải nghiên cứu, bởi các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cơ chế truyền bệnh của loài bọ xít hút máu người.
Bên cạnh đó, người dân và nhiều nhà khoa học vẫn ít có kiến thức về loại ký sinh trùng này. "Đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cơ chế truyền bệnh của loài bọ xít hút máu người. Do vậy, câu hỏi loài vật này có truyền bệnh hay không vẫn là ẩn số cần ngành y tế vào cuộc nghiên cứu.
Ở các nước Mỹ La tinh, loài động vật này đã trở thành kẻ truyền bệnh, người ta lo sợ bọ xít hút máu người có thể truyền bệnh chaga, tuy nhiên tại Việt Nam chưa có nguồn gây bệnh chaga.
Chuột, đồ gỗ mục: Chỗ ẩn náu thích hợp của kẻ khát máu
Trao đổi với chúng tôi về việc bọ xít hút máu ngườihay tập trung ở Hà Nội, giáo sư Côn cho biết do môi trường Hà Nội ẩm ướt, thích hợp cho nọ xít hút trú ẩn. Ví dụ như giữa những khe nhà nhiều vật dụng rác thải, gỗ bỏ đi người dân lại cho vào khu vực đó coi như một bãi rác mini. Khu vực này bọ xít thích ở và ban đêm chúng có thể bò vào trong nhà để hút máu.
Một lý do khác nữa, ông Côn cho rằng đó là con bọ xít là là động vật khát máu. Con bọ xít không chỉ hút máu của người mà nó hút máu của các loại động vật khác như chuột. Thành phố cống rãnh là địa bàn rất nhiều chuột.
Hà Nội đất chật người đông, nhiều khu dân cư người dân chen chúc sống những căn hộ ẩm thấp. Bọ xít chỉ cần di chuyển với tốc độ chậm cũng tìm được "thức ăn".
Xét về nhiều hướng, môi trường thành phố thuận lợi cho loài bọ xít này trú ẩn và sinh sống.
Gần đây bọ xít hút máu sinh sôi nảy nở nhiều và hung hăng hơn trước, GS Côn cho biết đến nay người ta vẫn chưa biết loài bọ xít này sinh ra từ khi nào. Vài năm gần đây, loài bọ xít này bắt đầu được người dân để ý khi các vết đốt của côn trùng và số con bọ xít bắt được giống nhau.
Lúc này, các nhà khoa học mới đưa ra cảnh báo về loại côn trùng này. Tuy nhiên, GS Côn khuyến cáo người dân cũng nên chủ động "chặn" môi trường sống của loài động vật này như không để các loại gỗ mục ở khu gần nhà, vệ sinh khu vực giường tủ sạch sẽ.
Để diệt loại côn trùng này, người dân có thể sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng phun quanh nhà.
Nguồn: dinhduong.com.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!