Tin tức

Viêm túi lệ do tắc nghẽn lệ đạo

Ngày 30/07/2014
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Viêm túi lệ là bệnh khá phổ biến, do nhiều nguyên nhân gây ra, song thường gặp nhất là do tắc nghẽn lệ đạo. Khi bị tắc lệ đạo, nước mắt sẽ không được dẫn lưu xuống mũi nên sẽ trào ra ngoài, bị ứ đọng tại túi lệ gây viêm túi lệ, nhiễm trùng mắt và làm mờ mắt. Người bệnh cảm thấy rất khó chịu, giảm khả năng lao động và chất lượng cuộc sống.


Tắc nghẽn lệ đạo gây viêm

Ở dưới khóe mắt phía trong, cạnh mũi có túi lệ và có đường dẫn nước mắt thông xuống mũi. Viêm túi lệ là nhiễm khuẩn của túi lệ do đường dẫn nước mắt - mũi (lệ đạo) bị tắc.
 

Tắc lệ đạo có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến thanh thiếu niên, người cao tuổi. Trẻ sau khi sinh ra (nhất là trẻ đẻ thiếu tháng) cũng có thể bị tắc lệ đạo, gọi là tắc lệ đạo bẩm sinh. Nguyên nhân tắc thường do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa hoàn chỉnh nên ở đầu dưới của ống lệ mũi còn lại màng tắc. Đối với người lớn, các trường hợp tắc lệ đạo mắc phải thường do các chấn thương vùng mắt, xoang hoặc sau các phẫu thuật ở xoang hàm. Những viêm nhiễm mạn tính ở mắt như bệnh mắt hột, viêm kết mạc có thể gây nên chít hẹp lệ đạo.


Khi tắc lệ đạo, đặc biệt là tắc ở ống lệ mũi, có thể gây ra viêm túi lệ mạn tính. Bệnh nhân thường xuyên chảy nước mắt, kèm theo có chảy nhầy mủ. Vùng góc trong mắt có thể nề nhẹ, căng hơn. Ấn vào vùng này có nhầy mủ trào ra ở khóe mắt. Nếu không được điều trị, viêm mạn tính có thể gây áp xe tại túi lệ, thậm chí gây dò, thoát mủ ra ngoài da. Bệnh nhân thường đau nhức nhiều, vùng góc trong mắt sưng nề, tấy đỏ, gây ảnh hưởng đến thị lực và khả năng lao động của người bệnh.
 

Cần điều trị sớm

Viêm túi lệ cần được khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt. Tùy tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Viêm túi lệ có thể điều trị hiệu quả bằng kháng sinh toàn thân, nhưng hay tái phát nếu không giải quyết được tắc lệ đạo. Phương pháp điều trị tối ưu là phẫu thuật để tạo đường thông lệ đạo mới sẽ giúp cho bệnh nhân hết chảy nước mắt, hết viêm nhiễm, mủ nhầy ở túi lệ.
 

Đối với trẻ nhỏ, biện pháp điều trị đơn giản nhất là day, nắn vùng góc trong mắt, nơi có túi lệ, kết hợp với dùng kháng sinh nhỏ mắt. Nếu vẫn không hết chảy nước mắt thì các bác sĩ có thể bơm rửa và thông lệ đạo, giúp cho nước mắt lưu thông tốt xuống mũi. Tuổi để thông lệ đạo tốt nhất là khi trẻ được 4 - 6 tháng tuổi. Khi trẻ lớn hơn, sau 1 năm tuổi thì kết quả điều trị tắc lệ đạo bằng thông sẽ rất thấp. Do đó cha mẹ nên đưa con đi khám khi thấy có hiện tượng chảy nước mắt, dử mắt thường xuyên để các bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân chảy nước mắt, loại trừ các bệnh nguy hiểm khác ở mắt như glôcôm bẩm sinh, viêm trong mắt và có biện pháp điều trị kịp thời.


Nguồn: suckhoedoisong.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ