Tin tức
Xét nghiệm Lipase phát hiện được bệnh lý gì?
- 30/04/2020 | Hãy thực hiện xét nghiệm Lipase ngay khi có dấu hiệu bất thường tuyến tụy
- 21/06/2019 | Những vấn đề bạn cần biết về xét nghiệm lipase
1. Vai trò của Lipase đối với cơ thể
Lipase là một enzym tiêu hóa của cơ thể và chỉ có một nguồn gốc duy nhất là do tuyến tụy sản xuất. Enzym lipase giúp chuyển đổi mỡ và triglycerid trong cơ thể thành các acid béo và glycerol. Thận là nơi lọc enzym lipase và các ống lượn gần tái hấp thu hoàn toàn enzym này.
Hình 1: Tụy là cơ quan duy nhất sản xuất enzym Lipase
Enzym này được vận chuyển qua các ống tụy vào tá tràng sau đó thực hiện chức năng chuyển đổi chất béo trung tính trong cơ thể thành các acid béo.
Nồng độ enzym lipase trong máu bình thường là thấp vì tuyến tụy chỉ sản xuất một lượng chất này đủ để tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên khi cơ thể mắc các bệnh lý về tụy thì nồng độ enzym này trong máu sẽ tăng cao.
2. Xét nghiệm lipase để làm gì?
Xét nghiệm lipase là xét nghiệm được thực hiện để đo hoạt độ enzym này trong máu.
Xét nghiệm được thực hiện trong các trường hợp nghi ngờ bệnh nhân mắc viêm tụy cấp, viêm tụy mạn hay có các tổn thương tụy.
Nồng độ lipase tăng lên trong máu trong vòng 24 - 36 giờ sau khi bắt đầu xuất hiện viêm tụy cấp. Giá trị này tăng lên cùng lúc với enzym amylase do đó định lượng nồng độ lipase trong máu được tiến hành đồng thời với định lượng amylase trong máu.
Lipase vẫn tiếp tục tăng cao tới ngày 14 trong khi enzym amylase trở lại bình thường sau 2 - 3 ngày, vì lý do này mà xét nghiệm đo hoạt độ enzym lipase có giá trị hơn trong những trường hợp chẩn đoán viêm tụy giai đoạn muộn.
3. Xét nghiệm lipase có ý nghĩa gì?
Xét nghiệm đo hoạt độ lipase trong máu mang lại một số lợi ích như sau:
- Xét nghiệm không thể thiếu để chẩn đoán viêm tụy cấp: đây là xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán bệnh. Nên định lượng nồng độ lipase và amylase trong máu để chẩn đoán chính xác viêm tụy cấp.
- Xét nghiệm giúp ích trong việc phân biệt tình trạng đau bụng do viêm tụy cấp với các tình trạng đau bụng do các nguyên nhân khác. Xét nghiệm cho phép xác định nhanh nguyên nhân đau bụng là tại tụy hay ngoài tụy.
Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng đau bụng vùng thượng vị với mức độ tăng nhanh và tiếp diễn kéo dài không giảm thì xét nghiệm này được coi là có ý nghĩa trong chẩn đoán viêm tụy khi nồng độ lipase tăng ≥ 3 lần bình thường.
Hình 2: Xét nghiệm đo hoạt độ enzym lipase trong máu
4. Kết quả Xét nghiệm lipase bình thường là bao nhiêu?
Xét nghiệm được phân tích bằng mẫu huyết thanh của bệnh nhân. Bệnh nhân bắt buộc nhịn ăn 8 - 12 tiếng trước khi lấy máu xét nghiệm.
- Giá trị bình thường của xét nghiệm là < 60 U/L.
Máu bị vỡ hồng cầu là nguyên nhân gây sai lệch kết quả.
- Các nguyên nhân gây tăng nồng độ lipase máu là:
Viêm tụy cấp: trong bệnh viêm tụy cấp giá trị lipase tăng cao hơn 5 - 10 lần giá trị tham chiếu.
Các bệnh lý về tụy khác cũng gây tăng nồng độ lipase như: ung thư tụy, nang giả tụy, viêm tụy tái phát mạn tính.
Các bệnh lý khác như: tắc mật, viêm túi mật, tắc ruột, bệnh về gan, viêm phúc mạc,...
Một số loại thuốc gây tăng lipase máu là: codein, ethanol, furosemid, thuốc tránh thai, heparin, statin,...
- Các nguyên nhân gây giảm nồng độ lipase máu là:
Sử dụng thuốc làm giảm lipase máu như ion canxi.
Các tế bào sản xuất lipase tuyến tụy bị tổn thương.
5. Nguyên nhân và triệu chứng bệnh viêm tụy bạn nên biết
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây viêm tụy hay gặp như sau:
+ Nghiện rượu: có thể coi đây là nguyên nhân chính gây viêm tụy (khoảng 80 - 90 %) do rượu phá hủy và làm tổn thương các tế bào tụy gây xơ hóa gây viêm tụy.
+ Do sỏi: sỏi mật, sỏi tụy,...
+ Tình trạng rối loạn chuyển hóa.
+ Nhiễm khuẩn.
+ Một số nguyên nhân khác như: việc sử dụng thuốc, yếu tố di truyền, tổn thương do tai nạn hoặc chấn thương, người suy dinh dưỡng.
Hình 3: Nghiện rượu là nguyên nhân chính gây viêm tụy
Một số triệu chứng của viêm tụy có thể gặp là:
- Đau bụng: là triệu chứng hay gặp nhất ở những người bị viêm tụy. Đau bụng vùng trên rốn sau lan sang 2 bên bụng và ra sau lưng. Đau không thường xuyên, hiện tượng đau tăng lên sau khi ăn nhiều thức ăn chứa chất béo hay uống rượu.
Đau bụng âm ỉ lúc đầu, sau thấy đau quặn thành từng cơn dữ dội có thể liên tiếp nhau. Tình trạng này có thể kéo dài một vài giờ.
Hình 4: Đau bụng là triệu chứng điển hình của viêm tụy
- Vàng da: có thể thấy vàng da nhẹ sau cơn đau vài giờ.
- Rối loạn tiêu hóa: nôn, buồn nôn. Có thể thấy bụng chướng và đau.
- Bệnh nhân có thể sốt, tăng nhịp tim.
- Hiện tượng gầy yếu: do đau bụng bệnh nhân không ăn được nhiều, giảm hấp thu chất dinh dưỡng làm bệnh nhân gầy sút cân.
- Do thiếu men tụy nên có thể thấy hiện tượng phân có lẫn chất nhầy, màu phân nhạt, mùi khó chịu, phân lỏng.
6. Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm tụy
Để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm tụy bạn nên chú ý một số biện pháp phòng ngừa sau:
- Hạn chế tối đa uống rượu để giảm nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt đối với những bệnh nhân đã bị viêm tụy mạn nên kiêng rượu tuyệt đối để bệnh không tiến triển nặng hơn.
- Hạn chế các thức ăn có nhiều chất béo, mỡ động vật. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây. Uống đủ lượng nước cơ thể cần mỗi ngày.
- Đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm hoặc khi cơ thể có các triệu chứng bất thường.
Hình 5: Xét nghiệm lipase được thực hiện hàng ngày tại Trung tâm Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với đầy đủ các dịch vụ khám sức khỏe tổng quát, thực hiện hơn 500 loại xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên sâu. Thiết bị máy móc hiện đại nhất, quy trình khám bệnh chuyên nghiệp nhanh chóng. Bệnh viện hội tụ các chuyên gia đầu ngành, đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao tận tâm với nghề đảm bảo bạn sẽ hoàn toàn yên tâm về kết quả khi đăng ký khám bệnh tại MEDLATEC.
Khách hàng cần tư vấn về các dịch vụ khám chữa bệnh hay để đăng ký khám bệnh tại MEDLATEC xin vui lòng gọi số 1900 56 56 56 hoặc truy cập trang web: medlatec.vn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!