Các tin tức tại MEDlatec
Khẩn cấp ngăn dịch bệnh trỗi dậy trong hè
Ngày 17/5, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với các tỉnh thành phía Nam triển khai công tác phòng chống dịch mùa hè. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết: “Nhiều dịch bệnh trên cả nước đang có những diễn biến khó lường là mối nguy đối với sức khỏe cộng đồng. Sau chiến dịch thực hiện tiêm vét vắc-xin, bệnh sởi trên cả nước đã chững lại. Tuy nhiên, còn nhiều khu vực thuộc vùng sâu vùng xa do sự khó khăn của địa hình nên việc cung ứng vắc-xin sởi đang gặp không ít trở ngại. Bộ Y tế đang quyết liệt thực hiện tiếp các chiến dịch tiêm vét vắc-xin sởi để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng”.
Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 4.532 trường hợp mắc sởi được xác định trong tổng số 20.746 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Theo phân tích của ông Trần Đắc Phu, đối tượng chủ yếu bị sởi tấn công là những trẻ dưới 10 tuổi, trong đó trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi chiếm 11%, đây là lứa tuổi chưa nằm trong chương trình tiêm vắc-xin sởi. Từ sau dịp lễ 30/4 đến nay, số ca sởi đang giảm mạnh cả trường hợp mới mắc và tử vong, đây là tín hiệu khả quan cho thấy hiệu quả từ việc tiêm chủng.
Dịch sởi vừa bớt “nóng” thì mối nguy khác từ bệnh tay chân miệng lại ập tới tấn công. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20.500 trường hợp mắc bệnh tại 62/63 tỉnh thành, trong đó có 2 ca tử vong. Các tỉnh thành ở phía Nam số ca bệnh chiếm tới 80,4% so với cả nước. Có 5 tỉnh thành là TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Bình Dương, Kon Tum số ca mắc tay chân miệng cao hơn so với cùng kỳ năm 2013.
Cùng với tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ trước khi bước vào đỉnh dịch trong mùa mưa. Cả nước đã ghi nhận hơn 9 nghìn ca mắc ở 41 tỉnh thành làm 5 người tử vong, bệnh tập trung ở miền Nam và miền Trung. So với năm ngoái số ca mắc và tử vong đang giảm nhưng hiện nay nhiều tỉnh vẫn có số mắc cao như TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Cả sốt xuất huyết và tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin chủng ngừa nên giải pháp chủ yếu để phòng bệnh chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, diệt muỗi gây bệnh, diệt lăng quăng… Bên cạnh đó, các bệnh như cúm A, sốt rét, thủy đậu cũng phải hết sức cảnh giác”, ông Phu lo ngại.
Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi, không để dịch bệnh bùng phát trong dịp hè, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế về việc rà soát, củng cố các ban chỉ đạo chống dịch, tiểu ban điều trị.
Các bệnh viện phải củng cố lại chuyên ngành Nhi, Truyền nhiễm để đáp ứng nhu cầu hiện tại; xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác phòng chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tại cơ sở khám chữa bệnh; các Sở Y tế chọn 1 hoặc 2 bệnh viện tuyến tỉnh sẵn sàng thành lập và triển khai bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch bệnh bùng phát… hạn chế đến mức tối thiểu số ca mắc bệnh tử vong.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu: “Các tỉnh khu vực phía Nam chưa có kinh nghiệm về điều trị dịch tay chân miệng phải khẩn trương tập huấn tại bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới để có thể tự điều trị ở địa phương, tránh dồn ứ về tuyến cuối gây quá tải. Phải tập trung quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh, nơi nào thiếu thuốc, thiếu máy thở cần nhanh chóng đề xuất để kịp thời trang bị nhằm đảm bảo tốt nhất cho công tác điều trị cho người bệnh”.
Bà Tiến cũng kêu gọi người dân hỗ trợ ngành Y tế bằng cách nâng cao ý thức phòng bệnh từ những việc làm đơn giản nhất như: Vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ gìn vệ sinh cho trẻ, thực hiện ăn chín, uống sôi… để hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ bản thân gia đình và cộng đồng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!