Các tin tức tại MEDlatec

7 điểm nhấn y học nổi bật

Ngày 18/02/2014
Thường lệ, cứ vào dịp cuối năm, Bệnh viện Cleveland Clinic (Mỹ) lại bình chọn và công bố danh sách những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực y học. Năm 2013, theo Cleveland Clinic, những thành tựu dưới đây được xem là điểm nhấn đã và đang được ứng dụng thành công để chữa bệnh cho con người.

Ra đời mắt sinh học

Đầu năm 2013, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức phê duyệt cho phép lưu thông loại mắt nhân tạo có tên Argus II để hỗ trợ cho nhóm người mù, nhìn thấy hình ảnh trắng đen mà không cần tới gậy dò. Nguyên lý làm việc của mắt Argus II (ảnh) là thu tín hiệu video từ một camera lắp trên kính đeo và truyền hình ảnh không dây tới cho thiết bị cấy ghép trong võng mạc. Nhược điểm của loại mắt này là chất lượng ảnh có thể tự suy giảm theo năm tháng, chỉ dùng cho những người đã mất thị giác do viêm võng mạc sắc tố, tỷ lệ mắc bệnh ở Mỹ hiện nay là 1/4.000 người. Dự kiến tới đây, mắt Argus II sẽ cải tiến để dùng cả cho nhóm người bị thoái hóa điểm vàng, giúp họ cải thiện thị lực và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nghiên cứu gen để điều trị bệnh ung thư

Không phải tất cả các loại bệnh ung thư đều nguy hiểm như nhau, có loại sống chung đến tận lúc cao tuổi như ung thư tuyến tiền liệt, nhưng có loại lại rất nguy hiểm như ung thư não. Bằng việc phân tích đột biến của một khối u, các nhà khoa học có thể biết được loại ung thư nào đáp ứng tốt với liệu pháp hóa trị liệu hoặc tìm ra loại thuốc tốt cụ thể cho từng loại bệnh chứ không điều trị đại trà như hiện nay. Vì vậy, việc phân tích gen hay biết được “dấu vân tay” của từng loại bệnh ung thư sẽ giúp con người điều trị khỏi căn bện nan y nguy hiểm này.

iPad dùng cho bác sĩ phẫu thuật

Từ lâu, iPad (máy tính bảng) không chỉ là thiết bị giải trí, truyền thông mà hiện nay, nó còn được xem là công cụ rất hữu ích cho bác sĩ phẫu thuật gây tê, nhất là để theo dõi sức khỏe của người bệnh trong khi phẫu thuật như kiểm tra nhịp tim, khả năng hô hấp, chức năng của não và làm được cả những công việc bác sĩ gây tê đồng thời dùng nó để điều chỉnh thuốc an thần và giảm đau, hạn chế những biến chứng không mong muốn. Năm 2013, các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho ra đời các hệ thống quản trị thông tin giải phẫu, trong đó có phần mềm dùng cho máy tính có thể sờ được trên màn hình giúp cho bác sĩ phẫu thuật thực hiện tốt các thao tác, theo dõi ca mổ và hạn chế những phản ứng bất lợi xảy ra với người bệnh.

Triển vọng của việc điều trị bệnh viêm gan C

Mặc dù việc điều trị bệnh viêm gan C đã đạt được những thành tích nhất định nhưng kết quả cũng không vượt quá 70%, trong đó người bệnh phải tuân thủ theo chế độ ngặt nghèo dùng thuốc kháng virut trong vòng 45 tuần, kể cả phải tiêm interferon mà mặt trái của nó là để lại phản ứng gây suy nhược. Để khắc phục nhược điểm trên, người ta đã chế ra một loại thuốc mới có tên sofosbuvir có khả năng triệt tiêu virut viêm gan C, hiệu quả ước đạt 95%, thậm chí chỉ cần dùng trong 12 tuần mà không cần phải tiêm interferon.

Thiết bị phát hiện sớm cơn động kinh

Từ lâu, việc phát hiện những cơn co giật động kinh rất khó khăn nên phát sinh những hậu quả khó lường. Để khắc phục tình trạng này, hãng NeuroPace của Mỹ đã cho ra đời thiết bị có tên NeuroPace giống như thiết bị khử rung não gồm các sensor gắn vào não người bệnh để nó phát hiện sớm những cơn động kinh xảy ra. Khi phát hiện sự cố, NeuroPace sẽ gửi các xung điện và cùng với những tín hiệu của não làm triệt tiêu cơn động kinh ngay từ trong trứng nước và làm cho người bệnh không còn phát ra những cơn động kinh cục bộ.

Hormon chữa bệnh tim

Thông thường, cứ 4 người suy tim thì có 1 người sống không quá 1 năm. Để giúp nhóm người này kéo dài tuổi thọ, các chuyên gia ĐH California, Mỹ vừa nghiên cứu cho ra đời loại thuốc có tên serelaxin có khả năng làm tăng mức khỏi bệnh và kéo dài tuổi thọ tới 37%. Serelaxin là phiên bản tổng hợp của loại hormon có tên relaxin. Đối với người bệnh tim, loại hormon này có tác dụng nong rộng mạch máu để máu đưa ôxy đến cho các bộ phận được tốt hơn, đồng thời nó còn có thành phần kháng viêm nên có tác dụng tốt cho người bệnh. Serelaxin chính thức được FDA phê duyệt và dùng trong các bệnh viện tại Mỹ từ tháng 8/2013.

Cấy ghép “chất thải thực phẩm”

Ý tưởng cấy ghép phân của một người vào trong ruột của một người khác nghe lạ tai và ghê người nhưng nó lại là phương pháp trị bệnh khá mới mẻ và hiệu quả, nhất là cho nhóm người mắc bệnh nhiễm khuẩn C.difficile - thủ phạm làm cho trên 15.000 người tử vong mỗi năm tại Mỹ. Thực ra thì những chất thải thực phẩm đã tiêu hóa có trong phân không có tác dụng chữa bệnh mà nó dùng khuẩn thân thiện có trong phân của người hiến tặng (giống như người nông dân dùng hạt giống) để giúp hệ khuẩn trong bụng người phát triển tốt, tiêu hóa tốt và để tấn công lại khuẩn C.difficile. Nếu thành công, khuẩn cấy ghép sẽ tạo ra protein và tham dự vào quá trình tiêu diệt chất gây bệnh. Đây là đề tài mới mẻ của các nhà khoa học Canada vừa phát hiện trong năm 2013.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.