Các tin tức tại MEDlatec
Bảo vệ tim theo độ tuổi
Dưới đây là những điều bạn nên làm để giúp tim luôn khỏe mạnh theo thời gian.
Tuổi 20
• Nên uống nước lọc: Các bạn trẻ tuổi đôi mươi thường có thói quen uống nước soda, nước ngọt, nước tăng lực hoặc nước ép. Các nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy, những người thường xuyên uống nước ngọt nhiều thì có xu hướng thiếu chất xơ, canxi, sắt, kẽm và vitamin A. Do vậy, thay vì uống các loại nước ngọt nói trên thì bạn nên uống nước lọc sẽ tốt hơn cho trái tim của bạn.
• Dùng cách giảm stress có lợi: Thường thì các bạn trẻ có xu hướng hút thuốc lá để giảm stress khi gặp các vấn đề buồn phiền nào đó trong cuộc sống. Có thể nói rằng, cách làm này không tốt chút nào và bạn cần phải bỏ thói quen xấu ngay. Người hút thuốc lá ở độ tuổi 20 và tiếp tục trong những năm tiếp theo của cuộc đời sẽ ít sống thọ bằng người không hút thuốc lá từ 12 - 14 năm. Bạn nên nhớ là ở độ tuổi 20 sẽ dễ dàng bỏ hút thuốc hơn là khi về già vì thói quen chưa bị in sâu. Thay vào đó, hãy tìm những cách giảm stress tích cựa hơn, ví dụ như chơi thể thao, nghe nhạc, nấu nướng…
• Hiểu về bệnh sử của gia đình: Bạn cũng nên hỏi những người thân trong dòng họ của mình xem có ai hay mắc bệnh gì không. Hãy quan tâm đến các rủi ro gây đột quỵ vì những người thân trong gia đình bị đột quỵ thì bạn dễ có nguy cơ này. Bạn nên thường xuyên đo huyết áp của mình mỗi 2 năm để kiểm soát các nguy cơ gây bệnh tim.
Tuổi 30
• Năng tập thể dục sau khi sinh con: Quá trình mang thai, sinh nở và sau đó là tuổi trung niên chính là những yếu tố gây tăng cân ở người phụ nữ. Do vậy, việc luyện tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn kiểm soát được trọng lượng sau những lần sinh con. Bạn có thể thực hiện các động tác vận động nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, nhảy dây hay vận động bằng nhiều cách có thể.
• Nắm rõ các chỉ số sức khỏe: Bạn nên nắm rõ các con số về chỉ số khối cơ thể (BMI – Body Mass Index), huyết áp và mức cholesterol. Nếu những con số này không nằm ở mức an toàn cho tim, hãy đến bác sĩ tư vấn những việc cần làm để cái thiện điều đó. Huyết áp tối thiểu 130/80mm Hg; Cholesterol trong máu :LDL dưới 100 mg/dL, HDL trên 40 mg/dL cho đàn ông và trên 50 mg/dL cho nữ; Tryglycerid: dưới 150 mg/dL; Chỉ số khối cơ thể từ 18,6 - 24,9 là ở mức tốt.
Tuổi 40
• Kiểm soát cân nặng: Phụ nữ 40 tuổi thường bắt đầu mất dần độ săn chắc của cơ thể và khả năng trao đổi chất giảm nên khiến bạn dễ tăng cân. Các chuyên gia đề nghị phụ nữ nên tập thể thao ít nhất hai lần trong tuần để giữ cân nặng ở mức hợp lý, đồng thời duy trì sự trao đổi chất và củng cố độ chắc khỏe cho xương.
• Vun vén các mối quan hệ: Ở độ tuổi này, bạn sẽ thấy được những mối quan hệ bạn bè và xã hội trở nên quan trọng như thế nào trong việc giúp bạn vượt qua những khó khăn, giúp bạn có những lựa chọn tốt cho sức khỏe của mình. Các nghiên cứu chứng minh rằng những người cô đơn ở tuổi 50 và 60 sẽ có nhiều vấn đề rắc rối về sức khỏe hơn những người được nhiều bạn bè quan tâm.
• Cần quan tâm thêm các chỉ số khác: Ngoài các chỉ số đã quen ở độ tuổi 30, bạn cũng nên đi khám định kỳ 3 năm để biết thêm lượng đường trong máu là bao nhiêu khi 45 tuổi, giúp giám sát những rủi ro gây bệnh tiểu đường và bệnh tim. Nếu lượng đường trong máu hơn 100 mg/dL thì phải đi tư vấn ý kiến của bác sĩ để có những điều chỉnh phù hợp.
Tuổi 50
• Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Khi đến tuổi 50, bạn cần phải giảm số calo tiêu thụ, nên ăn nhiều vào buổi sáng và ăn ít lại vào buổi tối. Những người tuổi 50 không cần thu nạp nhiều calo để hoạt động vào ban đêm vì lượng calo tăng thêm sẽ không bị đốt cháy mà chỉ góp phần làm bạn tăng cân.
• Tham gia công tác xã hội: Chúng ta có nhiều điều phải lo lắng trong độ tuổi 20 và 30 như chuyện hôn nhân, nuôi con, vấn đề thất nghiệp... Khi bạn ở độ tuổi 50, những sựkiện lớn trong đời đã qua và bạn phải đương đầu với những chuyện buồn khác như người thân cao tuổi qua đời, đồng thời bạn cũng không còn đi làm nữa. Tham gia công tác thiện nguyện là cách tốt nhất để mang nhiều điều tích cực và niềm vui vào cuộc sống của bản thân. Đây cũng chính là cách làm tốt để giúp duy trì tim khỏe.
• Phòng ngừa các nguy cơ sức khỏe: Bạn cũng cần kiểm tra mật độ xương sau độ tuổi 50 khi bạn có nhiều rủi ro mắc bệnh như phụ nữ mãn kinh, có tiền sử gia đình bị loãng xương. Mặc dù không liên quan trực tiếp đến tim, nhưng những yếu tố gây nên chứng loãng xương cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của bạn.
Tuổi 60
• Điều chỉnh lại việc tập thể thao: Ở độ tuổi 60, một số người bắt đầu bị viêm khớp, đau lưng nên bạn phải chuyển từ các hoạt động nặng sang vận động nhẹ nhàng hơn như chuyển từ chạy sang đi bộ, từ chơi quần vợt sang tập dưỡng sinh... Hãy tìm những bài tập nào phù hợp với bạn nhất và tiếp tục tập thể dục khoảng hai lần trong tuần.
• Tập khí công: Các nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy khí công không chỉ giúp bạn giảm stress mà còn giúp cân bằng, tránh bị té ngã cho người lớn tuổi. Ngoài ra, nó cũng còn giúp giảm đau nếu bạn có những bệnh kinh niên và cải thiện giấc ngủ. Tất cả những điều này đều rất có lợi cho sức khỏe tim mạch.
• Trò chuyện với bác sĩ: Khi thấy những tín hiệu đầu tiên của các triệu chứng có liên quan đến tim mạch, mặc dù không nghiêm trọng đi chăng nữa, như ép ngực, căng hàm, mệt sâu và thở ngắn…, hãy chia sẽ với bác sĩ để được tư vấn, đánh giá rủi ro và điều trị khi cần thiết.
Nguồn: phunuonline.com.vn
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!