Tin tức
Tràn dịch màng ngoài tim: Phát hiện và điều trị sớm để giảm nguy cơ biến chứng
- 11/12/2024 | Bệnh cơ tim phì đại và những biến chứng nguy hiểm cần lưu tâm
- 11/12/2024 | Sử dụng máy đo nhịp tim thai tại nhà: Mẹ bầu nên biết để theo dõi thai kỳ an toàn
- 11/12/2024 | Siêu âm tim bao nhiêu tiền và các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí siêu âm
- 12/12/2024 | Nong van tim là gì và quy trình điều trị ở bệnh hẹp van tim
1. Tràn dịch màng ngoài tim là bệnh gì?
Tình trạng lượng dịch tụ lại ở khoang ngoại tâm mạc, bao phủ quanh tim được gọi là tràn dịch màng ngoài tim. Bệnh gây ảnh hưởng lớn đến chức năng hoạt động của tim, có thể gây suy tim, thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Tràn dịch ngoài màng tim có thể gây nguy hiểm đến tính mạng
Bình thường ở giữa 2 lớp màng ngoài của tim cũng đã tồn tại một lượng dịch nhỏ. Do đó, các bác sĩ cần chỉ định các phương pháp chẩn đoán để xác định tình trạng người bệnh là tụ dịch thông thường hay tràn dịch ngoài màng tim.
Nếu có một lượng dịch lớn tích tụ ngoài màng tim nhưng tim không bị viêm hay tổn thương thì cũng không thể đánh giá đó là tràn dịch màng tim. Một số bệnh nhân bị tụ dịch ở ngoài màng tim có thể là do chất thương vùng ngực.
2. Nguyên nhân gây tràn dịch màng ngoài tim
Nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tràn dịch màng ngoài tim và có thể phân loại thành 2 nhóm nguyên nhân sau:
- Nguyên nhân do viêm màng ngoài tim, đây là nguyên nhân thường gặp nhất:
+ Viêm màng ngoài tim do nhiễm vi khuẩn, virus, nấm, KST
+ Viêm màng ngoài tim tự miễn
+ Viêm màng ngoài tim sau phẫu thuật tim hoặc nhồi máu cơ tim
+ Viêm màng ngoài tim vô căn
- Nguyên nhân do tổn thương ở cơ quan khác hoặc bệnh lý toàn thân:
+ Suy gan, suy thận, suy tuyến giáp
+ Bệnh HIV/AIDS
+ Ung thư, bệnh nhân xạ trị, hóa trị
+ Dùng thuốc, nhiễm độc
+ Và một số nguyên nhân toàn thân khác.
3. Dấu hiệu nhận biết tràn dịch màng ngoài tim
Những bệnh tim mạch thường có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nhưng thường khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Dưới đây là một số biểu hiện mà bệnh nhân cần lưu ý:
+ Khó thở, hơi thở nông.
+ Có cảm giác đau tức ngực, đau khi thay đổi tư thế.
+ Da xanh niêm mạc nhợt.
+ Mệt mỏi, mệt nhiều khi vận động, thậm chí mệt khi nghỉ ngơi.
+ Kèm theo các triệu chứng của nguyên nhân gây bệnh như sốt ở tình trạng viêm nhiễm, phù ở bệnh nhân suy thận, vàng da, chướng bụng ở bệnh nhân suy gan,...
Nhiều trường hợp bị bệnh nhưng không có triệu chứng bất thường. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, bạn không nên chủ quan mà hãy thường xuyên lắng nghe cơ thể, nếu có biểu hiện khó thở, đau tức ngực lâu ngày, bị ngất không rõ nguyên nhân thì cần đi khám sớm để được phát hiện bệnh kịp thời.
4. Chẩn đoán và điều trị tràn dịch màng ngoài tim
Với những bước tiến vượt trội của Y học hiện đại và nhờ có hệ thống máy móc công nghệ cao, ngày nay các bác sĩ có thể phát hiện sớm nhiều bệnh lý nguy hiểm ngay cả khi bệnh chưa gây ra triệu chứng bất thường, trong đó bao gồm bệnh tràn dịch màng ngoài tim. Việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng và nâng cao cơ hội điều trị khỏi bệnh. Do đó, bạn hãy chú trọng đến việc thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám sớm ngay khi cơ thể có những biểu hiện bất thường.
4.1. Phương pháp chẩn đoán
Dưới đây là một số phương pháp bác sĩ thường áp dụng để chẩn đoán tính trạng tràn dịch màng ngoài tim:
- Hỏi bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bệnh, tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ.
- Khám bệnh: Bác sĩ sẽ khám toàn thân, đo huyết áp, nhịp tim, dùng ống nghe để phát hiện các tiếng bất thường trong quá trình vận động của tim.
- Xét nghiệm: Các xét nghiệm được sử dụng để đánh giá tình trạng và nguyên nhân gây bệnh như chức năng gan thận, xét nghiệm tổng phân tích máu, men tim,...
- Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng như sau:
+ Siêu âm tim: Là cách giúp các bác sĩ quan sát được hình ảnh tim ở nhiều góc để xác định những vấn đề bất thường. Trong đó, có 2 phương pháp siêu âm tim phổ biến là siêu âm thành ngực và siêu âm thực quản.
+ Điện tim đồ: Để phát hiện hoạt động của tim có bất thường gì hay không.
+ Chụp X-quang: Đây là phương pháp giúp các bác sĩ có thể quan sát được kích thước và hình ảnh tim, đặc biệt phương pháp này có thể thấy rõ tình trạng tim phì đại.
Chụp X-quang để chẩn đoán bệnh
+ Chụp CT, chụp cộng hưởng từ.
- Ngoài những phương pháp chẩn đoán nêu trên, bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cần thiết khác.
4.2. Điều trị tràn dịch ngoài màng tim
Hiện nay, tùy nguyên nhân gây bệnh bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Với trường hợp nhẹ, có thể sử dụng thuốc điều trị nội khoa, với trường hợp nặng có thể cần can thiệp hoặc phẫu thuật. Mỗi phương pháp sẽ có những hiệu quả riêng và tùy vào từng trường hợp bệnh nhân, bác sĩ sẽ có những chỉ định cụ thể và phù hợp. Cụ thể như sau:
- Với phương pháp dùng thuốc: Bác sĩ thường cho người bệnh sử dụng thuốc tiêu viêm để giảm tình trạng tụ dịch và lợi tiểu để đào thải dịch ra ngoài. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp với những trường hợp bệnh chưa quá nghiêm trọng, tim chưa phải chịu áp lực lớn. Trong đó, một số loại thuốc mà người bệnh thường được chỉ định là Aspirin, Indomethacin, Corticosteroid,...
- Phương pháp can thiệp: Với những trường hợp bệnh nghiêm trọng, thuốc không đủ hiệu quả điều trị, các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số biện pháp can thiệp. Dưới đây là những biện pháp can thiệp có thể được sử dụng trong điều trị tràn dịch màng ngoài tim như:
+ Chọc hút dịch ra ngoài.
+ Phẫu thuật.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị bệnh phổ biến
Lưu ý về một số biến chứng sau điều trị:
+ Lớp màng chứa dịch phình đại gây tăng áp lực, ảnh hưởng tuần hoàn máu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
+ Sau khi điều trị bằng phương pháp dùng thuốc hay phẫu thuật, bạn cũng cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phòng ngừa nguy cơ tái phát bệnh hoặc gặp phải các bệnh lý về tim mạch khác.
Có thể nói rằng, tràn dịch màng ngoài tim là tình trạng nguy hiểm và cần được can thiệp điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng cho người bệnh. Do đó, nếu thấy có biểu hiện bất thường, bạn nên chủ động đi khám bệnh sớm. Đặc biệt, cần lựa chọn thăm khám bệnh tại những cơ sở y tế uy tín.
Để được tư vấn chi tiết hơn về các vấn đề sức khỏe hoặc có nhu cầu kiểm tra sức khỏe với các chuyên gia tim mạch của Hệ thống Y tế MEDLATEC, mời quý khách liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!