Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh sởi hay gặp vào mùa đông – xuân, cha mẹ phòng ngừa lây nhiễm ở trẻ
Dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh sởi
Ban sởi mọc theo thứ tự từ sau tai sau đó lan dần hai má, cổ ngực, chi trên,...
- Sốt 38 - 40 độ C và sốt liên tục.
- Ho (có thể ho khan, ho có đờm, hoặc khàn tiếng), chảy mũi, viêm kết mạc (có dử mắt, phù nhẹ mi), hắt hơi, tiêu chảy.
- Có những hạt nhỏ kích thước khoảng 1mm nổi lên trên viêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to.
- Sau khi sốt 3-4 ngày, trẻ bắt đầu phát ban. Ban mọc theo thứ tự từ sau tai sau đó lan dần hai má, cổ ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới rồi đến toàn thân. Nốt ban có màu hồng nhạt, nhẵn, dùng lam kính ấn vào thì biến mất, ban xen giữa những khoảng da lành, có thể rải rác hoặc dày, có thể ngứa ít.
- Trẻ chán ăn, ăn kém, mệt mỏi.
- Khi trẻ có biểu hiện co giật hoặc li bì, nôn chớ nhiều là lúc bệnh đã nặng và nghiêm trọng.
Nguồn lây bệnh
Nguồn bệnh là bệnh nhân mắc sởi. Bệnh có thể lây từ 2-4 ngày trước khi mọc ban cho đến ngày thứ 5-6 sau khi ban mọc.
Phương thức lây truyền của bệnh sởi
Virus sởi lây trực tiếp qua đường hô hấp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện,... hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.
Biến chứng của bệnh sởi
Sởi có thể gây biến chứng về hô hấp. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.
- Hô hấp:
+ Viêm thanh quản;
+ Viêm phế quản;
+ Viêm phổi: do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau mọc ban.
- Thần kinh:
+ Viêm não - màng não - tủy cấp tính do virus sởi;
+ Viêm màng não mủ do bội nhiễm: Viêm sau viêm tai, viêm xoang, viêm họng bội nhiễm.
- Đường tiêu hóa:
+ Biến chứng dễ nhận thấy là trẻ sẽ bị viêm niêm mạc miệng, nếu không có hướng xử trí kịp thời.
+ Loét niêm mạc miệng, lan sâu rộng vào xương hàm gây hoại tử niêm mạc, viêm xương, rụng răng, hơi thở hôi.
+ Viêm ruột do bội nhiễm các loại vi khuẩn như: Shigella, E.coli,...
- Tai - mũi- họng: Bệnh sởi nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm tai- viêm tai xương chũm; viêm mũi - họng bội nhiễm.
- Suy giảm miễn dịch: Khi trẻ bị sởi, hệ miễn dịch bị suy giảm dễ mắc thêm các bệnh khác như lao, bạch cầu, ho gà,...
Cách chăm sóc trẻ mắc sởi
Trẻ bị sởi cần chia nhỏ bữa ăn. Ảnh minh họa.
Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị phòng bội nhiễm và điều trị biến chứng nặng do sởi gây ra.
- Khi trẻ sốt trên 38.5 độ cần dùng thuốc hạ sốt cho trẻ.
- Nhỏ mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt chloramphenicol 0,1% khoảng 3-4 lần/ngày.
- Trẻ tiêu chảy hoặc chán ăn vẫn cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất, chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa, lựa chọn thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống đủ nước,...
- Vệ sinh thân thể: Mắt, răng, miệng cho trẻ, ở nơi thoáng mát, tránh gió lùa.
- Người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên bằng nước sát khuẩn hoặc rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ.
- Cần cách ly trẻ tại nhà để tránh lây nhiễm cho trẻ khác, hạn chế tiếp xúc với những trẻ không mắc bệnh.
Bệnh sởi rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch, chính vì vậy để phóng tránh bệnh, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo tới người dân như sau:
- Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất;
- Trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi mắc sởi, trẻ sẽ có miễn dịch bền vững.
- Khi trẻ mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi cần cách ly trẻ để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.
Mùa đông - xuân là thời điểm thuận lợi để virus sởi lưu hành và gây bệnh. Do vậy, khi phát hiện trẻ có sốt, phát ban hay các dấu hiệu trên cần thông báo và đưa trẻ tới cơ sở y tế để được điều trị kịp thời cũng như hướng dẫn cách ly tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!