Các tin tức tại MEDlatec
Những điều cần biết về bệnh sùi mào gà ở lưỡi
- 01/08/2020 | Bệnh sùi mào gà ở lưỡi do nguyên nhân nào? Mức nguy hiểm ra sao?
- 09/05/2023 | Điều trị sùi mào gà ở lưỡi bằng cách nào?
- 12/06/2023 | Chữa sùi mào gà ở lưỡi hiệu quả bằng phương pháp nào?
1. Như thế nào là sùi mào gà ở lưỡi?
Sùi mào gà ở lưỡi là một dạng bệnh lây truyền đường tình dục, gây ra bởi virus u nhú HPV với đặc trưng là các nốt sùi nhô lên khỏi bề mặt niêm mạc và da vùng lưỡi.
Sùi mào gà ở lưỡi là sự xuất hiện của nốt sùi nổi lên bề mặt da và niêm mạc lưỡi
Có nhiều dạng sùi mào gà ở lưỡi với đặc trưng sang thương khác nhau:
- Sùi mào gà dạng u nhú vảy
Đây là tình trạng nổi nốt sùi hình súp lơ hoặc thành mảng như vảy cá với kích thước vài mm hoặc vài cm. Các nốt sùi có thể đơn lẻ hoặc thành mảng gần nhau, thường tập trung ở vùng mềm của lưỡi với màu hồng nhạt hoặc đậm tùy theo tính chất nghiêm trọng của nhiễm trùng. HPV type 6 và 11 thường gây ra dạng sùi mào gà vảy.
- Sùi mào gà dạng mụn cóc
Người bệnh sẽ thấy có các hạt cơm với kích thước 1 - 3mm, màu hồng hoặc trắng ở các khu vực khác nhau trên lưỡi. HPV type 2 và 4 thường gây nên chủng này.
- Bệnh Heck
Khi bị Heck, trên bề mặt lưỡi sẽ có nhiều mảng mập mờ không đều; có màu đỏ, hồng nhạt hoặc trắng. Tuy không gây đau đớn cho người bệnh nhưng Heck lại có thể làm thay đổi vị giác của họ. HPV type 13 và 32 là nguyên nhân chính gây ra bệnh sùi mào gà ở lưỡi dạng Heck.
- Bướu Condylom
Trường hợp này người bị sùi mào gà ở lưỡi sẽ có các đám u nhú nhỏ ở gần bờ hoặc niêm mạc lưỡi khiến cho việc ăn uống, nói chuyện gặp khó khăn. Kích thước u nhú càng lớn thì càng gây ra ảnh hưởng không tốt cho đường thở. HPV type 2 và 6, 11 thường gây ra bướu Condylom.
2. Nguyên nhân lây nhiễm và triệu chứng bệnh sùi mào gà ở lưỡi
2.1. Nguyên nhân nào khiến cho một người bị lây nhiễm sùi mào gà ở lưỡi?
Người bình thường bị sùi mào gà ở lưỡi khi họ có tiếp xúc trực tiếp với sang thương hay dịch tiết chứa virus HPV trong các trường hợp:
- Hôn người bệnh.
- Có quan hệ tình dục đường miệng với người nhiễm sùi mào gà.
- Dùng chung vật dụng cá nhân: thìa, đũa, bàn chải, khăn mặt,... với người bệnh.
- Tiếp xúc với dịch tiết từ niêm mạc lưỡi của người bệnh.
Virus HPV gây nên sùi mào gà ở lưỡi
2.2. Triệu chứng sùi mào gà ở lưỡi là gì?
Sở dĩ gọi là sùi mào gà ở lưỡi là vì các nốt sùi mào gà xuất hiện ở vùng lưỡi. Tuy nhiên, đây là vị trí khu trú khó quan sát nên cũng khó phát hiện. Thông thường, người bệnh sẽ nổi nốt sùi màu đỏ, hồng hoặc trắng trên bề mặt lưỡi, đường viền lưỡi,...
Khi mọc nốt sùi ở lưỡi người bệnh sẽ thấy vùng miệng ngứa ngáy, khó chịu, khó nuốt, đau rát,... nên ăn không ngon miệng, nuốt nước khó khăn. Các nốt sùi có thể tồn tại riêng lẻ hoặc tập hợp thành mảng giống như hoa súp lơ hay hình mào gà, nếu ấn mạnh có thể có mủ chảy ra.
3. Điều trị sùi mào gà ở lưỡi bằng cách nào?
Bệnh sùi mào gà ở lưỡi không có khả năng tự khỏi. Mặt khác, các triệu chứng của bệnh ngày càng tiến triển, gây cản trở không nhỏ đến khả năng ăn uống, giao tiếp,... của người bệnh, chưa kể đến bệnh có khả năng lây nhiễm nhanh chóng khi triệu chứng bùng phát.
Vì thế, việc điều trị sùi mào gà ở lưỡi là cần thiết và cần được tiến hành sớm để đạt được hiệu quả tiêu diệt virus ở mức tối đa, giúp tổn thương mau lành và người bệnh không phải trải qua những cảm giác đau đớn, khó chịu khi bị sùi mào gà.
Ngay khi nghi ngờ có triệu chứng sùi mào gà ở lưỡi, người bệnh nên khám bác sĩ chuyên khoa để được thực hiện các biện pháp kiểm tra giúp chẩn đoán đúng bệnh. Tùy vào mức độ và dạng sùi mào gà mà người bệnh mắc phải bác sĩ chuyên khoa sẽ có hướng điều trị phù hợp.
Khám và điều trị sùi mào gà ngay khi có triệu chứng nghi ngờ là giải pháp tốt nhất để khỏi bệnh
- Điều trị bằng thuốc
Đối với các nốt sùi mào gà mọc ở lưỡi có kích thước bé thì việc dùng thuốc cũng đem lại hiệu quả tích cực. Các thuốc thường được dùng có thể kể đến: Axit trichloroacetic, Imiquimod,... Việc dùng thuốc không thể tiêu diệt tận gốc mầm bệnh mà chỉ ngăn không cho virus lây lan đến các vùng da khác nên khả năng tái phát bệnh vẫn cao.
- Áp lạnh
Phương pháp chữa sùi mào gà ở lưỡi này sử dụng nitơ lỏng trong điều kiện nhiệt độ -196 độ C để đóng băng virus và làm cho tổn thương không còn khả năng hồi phục, quá trình tiến triển nốt sùi bị ngăn chặn. Hiệu quả điều trị đạt được khoảng 60 - 90%, nếu không dùng thêm thuốc uống thì khả năng tái phát vẫn cao.
- Đốt điện trị sùi mào gà
Can thiệp ngoại khoa này thường áp dụng với nốt sùi lan rộng và kích thước lớn. Quá trình điều trị có dùng dòng điện cao tần để đốt cháy nốt sùi mào gà ở lưỡi. Điều trị sùi mào gà ở lưỡi bằng đốt điện không thể tiêu diệt tận gốc virus, có thể khiến người bệnh bị đau và để lại sẹo.
- ALA - DPT
Trong số các phương pháp điều trị sùi mào gà ở lưỡi thì phương pháp này được đánh giá là hiện đại nhất bởi nó khắc phục được mọi nhược điểm của các phương pháp kể trên. Quá trình điều trị bệnh sử dụng oxy và chất cảm quang đặc biệt chiếu lên vùng bị bệnh để tiêu diệt virus, hạn chế và ngăn ngừa tăng sinh mô bệnh.
Những thông tin từ bài viết trên đây chỉ cung cấp dữ liệu để khách hàng tham khảo. Tình trạng sùi mào gà ở lưỡi không giống nhau ở từng bệnh nhân nên quý khách hàng nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để tìm ra hướng điều trị phù hợp. Chủ động thăm khám, điều trị từ khi có triệu chứng nghi ngờ là cách tốt nhất để không phải trải qua những hệ lụy khó chịu do sùi mào gà gây ra.
Mọi thắc mắc khác về bệnh lý này, quý khách hàng có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 để chia sẻ. Tổng đài viên của Hệ thống Y tế MEDLATEC luôn sẵn lòng giải thích và có những tư vấn xác đáng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!