Các tin tức tại MEDlatec
Bị bầm tím chườm nóng hay lạnh giúp máu bầm tan nhanh và an toàn
- 24/09/2024 | Vết bầm tím trên da không rõ nguyên nhân: Dấu hiệu cảnh báo bệnh lý
- 11/10/2024 | Tổng hợp 10 cách làm tan vết bầm tím ở mắt nhanh nhất tại nhà
- 05/02/2025 | Tụ máu bầm ở đầu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý
- 07/02/2025 | Mách bạn 5 cách làm tan máu bầm lâu ngày tại nhà
- 21/04/2025 | Phun môi xong bị bầm tím nên làm thế nào? Cách chăm sóc môi sau phun xăm
1. Các vết bầm tím thường xuất hiện do đâu?
Các vết bầm tím phần lớn đều có thể tự lành theo thời gian nhưng trong một số trường hợp, chúng lại là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe nào đó. Trước khi tìm hiểu xem bị bầm tím chườm nóng hay lạnh, bạn cần xác định những vết bầm ấy xuất hiện do đâu. Dưới đây là những nguyên nhân gây bầm tím phổ biến nhất bạn có thể tham khảo:
1.1. Chấn thương vật lý
Phần lớn các vết bầm xuất hiện sau khi cơ thể bị va đập vào vật cứng hoặc bị té ngã. Lực tác động làm vỡ các mao mạch nhỏ dưới da, khiến máu rò rỉ và tích tụ lại, tạo nên vết bầm màu đỏ, tím hoặc xanh tùy giai đoạn. Đây là phản ứng sinh lý tự nhiên và thường không gây nguy hiểm.
Bầm tím có thường xuất hiện do các chấn thương vật lý như ngã và đập
1.2. Do rối loạn đông máu hoặc dùng thuốc ảnh hưởng đến mạch máu
Một số thuốc như aspirin, warfarin hoặc corticosteroid có thể làm yếu thành mạch hoặc ngăn chặn sự đông máu bình thường. Điều này khiến người dùng dễ bị bầm dù chỉ va chạm nhẹ.
Ngoài ra, những bệnh lý như giảm tiểu cầu, bệnh gan mạn tính hay thiếu vitamin K làm rối loạn quá trình đông máu, cũng là nguyên nhân khiến vết bầm xuất hiện không rõ nguyên nhân và kéo dài bất thường.
1.3. Thiếu hụt dinh dưỡng
Thiếu vitamin C, K hoặc bioflavonoid cũng có thể là nguyên nhân. Vitamin C giúp bảo vệ thành mạch vững chắc. Khi thiếu hụt, mao mạch trở nên yếu ớt và dễ vỡ. Tương tự, vitamin K đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Nếu thiếu vitamin này, việc hình thành vết bầm cũng diễn ra dễ dàng hơn.
1.4. Tuổi tác và thay đổi nội tiết
Theo thời gian, da trở nên mỏng hơn, lớp mô đệm dưới da cũng giảm đi, làm cho mao mạch dễ bị tổn thương. Đây là lý do vì sao người già dễ xuất hiện vết bầm dù chỉ va chạm nhẹ.
Bên cạnh tuổi tác thì phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh hoặc người đang dùng thuốc nội tiết có thể nhận thấy cơ thể dễ bầm tím hơn bình thường. Nguyên nhân là do thay đổi hormone ảnh hưởng đến tính đàn hồi và khả năng co thắt của mạch máu.
Người cao tuổi thường dễ bị bầm tím hơn so với người trẻ
2. Bị bầm tím chườm nóng hay chườm lạnh là tốt nhất?
Dù xuất hiện bởi bất cứ nguyên do nào thì bản chất của các vết bầm tím chính là kết quả của việc vỡ mao mạch dưới da. Vậy bị bầm tím chườm nóng hay lạnh là tốt nhất để máu bầm nhanh tan? Theo các chuyên gia, việc nên chườm nóng hay lạnh hoàn toàn phụ thuộc vào từng giai đoạn của vết bầm. Cụ thể:
2.1. Giai đoạn đầu: Chườm lạnh giảm sưng, tan máu bầm nhanh
Chườm lạnh nên được thực hiện trong vòng 24 - 48 giờ đầu tiên sau khi vết bầm hình thành. Đây là giai đoạn cấp tính, khi các mô bị tổn thương đang phản ứng viêm, sưng nề và tụ máu.
Giai đoạn đầu nên chườm lạnh vì hơi lạnh có tác dụng làm co mạch máu, giúp hạn chế lượng máu tiếp tục rò rỉ ra mô xung quanh, từ đó giảm kích thước vết bầm và giảm sưng viêm. Bên cạnh đó, nhiệt độ thấp còn giúp làm tê tạm thời các dây thần kinh ngoại biên, giúp giảm cảm giác đau rõ rệt tại vùng bị thương.
Lời giải đáp: Bị bầm tím chườm nóng hay chườm lạnh là nên chườm lạnh trong giai đoạn đầu (24 - 48 giờ đầu)
Cách thức thực hiện
- Sử dụng túi đá chuyên dụng hoặc khăn lạnh bọc đá viên, tuyệt đối không đặt đá trực tiếp lên da để tránh bỏng lạnh.
- Chườm lên vùng bầm khoảng 15 - 20 phút/lần, có thể lặp lại mỗi 2 - 3 giờ tùy tình trạng.
- Nên kê cao vị trí bị bầm (nếu có thể) để hỗ trợ máu hồi lưu về tim, từ đó hạn chế máu tụ.
Lưu ý: Không nên chườm lạnh nếu vùng da quá nhạy cảm, có vết thương hở hoặc bệnh nhân bị rối loạn tuần hoàn ngoại vi.
2.2. Giai đoạn sau: Chườm nóng cải thiện tuần hoàn
Khi vết bầm đã qua giai đoạn sưng viêm, thường là sau 48 giờ kể từ thời điểm chấn thương, bạn có thể chuyển sang chườm nóng để hỗ trợ quá trình tiêu máu bầm và tái tạo mô tổn thương.
Nhiệt độ cao giúp giãn mạch máu ngoại vi, từ đó tăng lưu lượng máu lưu thông tại chỗ. Nhờ đó, các tế bào miễn dịch và dưỡng chất dễ dàng tiếp cận mô bị tổn thương hơn, thúc đẩy quá trình hồi phục mô và hấp thu máu tụ nhanh hơn.
Ngoài ra, chườm nóng còn giúp giảm co cứng cơ và cảm giác căng tức vùng bị bầm, đặc biệt nếu chấn thương xảy ra gần khớp hoặc cơ lớn.
Nên chườm nóng giai đoạn sau để cải thiện tuần hoàn, hỗ trợ hồi phục chấn thương
Cách thức thực hiện
- Dùng túi chườm nóng, khăn ấm (nhiệt độ khoảng 40 - 45 độ C), không quá nóng để tránh gây bỏng.
- Chườm trực tiếp lên vùng bầm từ 15- 20 phút/lần, 2 - 3 lần/ngày.
- Trước khi chườm, nên kiểm tra vùng da để chắc chắn không còn sưng đỏ hoặc nóng, vốn là dấu hiệu của viêm chưa ổn định.
Lưu ý: Không áp dụng chườm nóng cho những vùng có cảm giác kém, mất cảm giác hoặc tê liệt và tránh sử dụng ở người bị bệnh lý mạch máu hoặc tiểu đường mà chưa được tư vấn y tế.
3. Chườm nóng lạnh tan máu bầm cần lưu ý gì?
Như vậy, bị bầm tím chườm nóng hay lạnh sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn cụ thể. Để giúp tan máu bầm và hồi phục chấn thương nhanh nhất, khi chườm nóng hay lạnh bạn cần lưu ý những điều sau:
3.1. Không chườm lạnh quá lâu
Trung bình một lần chườm đá chỉ nên kéo dài trong khoảng 15 đến 20 phút. Chườm quá lâu có thể làm co mạch quá mức, giảm lượng máu nuôi mô, gây tê cứng, thậm chí là bỏng lạnh.
3.2. Không đặt đá trực tiếp lên da
Nhiệt độ thấp có thể gây tổn thương da, thậm chí bỏng lạnh nếu tiếp xúc trực tiếp. Bạn nên bọc đá trong khăn mỏng hoặc dùng túi chườm chuyên dụng.
3.3. Trường hợp không chườm lạnh
Không chườm lạnh lên vùng da trầy xước, vết thương hở, đã qua giai đoạn sưng viêm. Người bị rối loạn tuần hoàn ngoại vi cũng không nên chườm lạnh.
Không nên chườm lạnh với những vết thương hở
3.4. Chỉ chườm nóng sau 48 giờ
Nếu bạn chườm nóng quá sớm khi vết thương vẫn đang sưng viêm, nhiệt độ cao có thể làm giãn mạch mạnh, khiến máu tụ nhiều hơn, vết bầm lan rộng hơn.
3.5. Không dùng nước quá nóng
Nhiệt độ lý tưởng để chườm nóng là khoảng 40 - 45 độ C. Tránh dùng nước sôi trực tiếp hoặc túi quá nóng sẽ gây bỏng da, đặc biệt với người có da nhạy cảm.
3.6. Không chườm nóng liên tục
Tương tự như chườm lạnh, bạn chỉ nên chườm nóng 15 - 20 phút/lần và 2 - 3 lần/ngày. Bạn nên để da có thời gian nghỉ, phục hồi giữa các lần chườm.
3.7. Trường hợp không chườm nóng
Tuyệt đối không chườm nóng lên vùng có vết thương còn sưng, nóng, đỏ (dấu hiệu viêm chưa ổn). Người bị mất cảm giác vùng da cũng không nên chườm nóng vì có thể không nhận biết được nhiệt độ và dễ bị bỏng. Ngoài ra, trường hợp bị nhiễm trùng mô mềm cũng không nên chườm nóng.
Về cơ bản, việc bị bầm tím chườm nóng hay lạnh không thể áp dụng tùy tiện. Nếu bạn xử lý đúng thời điểm và đúng phương pháp, chỉ sau vài ngày vết bầm sẽ mờ đi rõ rệt, giảm đau nhanh và không để lại thâm lâu dài. Hãy ghi nhớ chườm lạnh giai đoạn đầu, chườm nóng giai đoạn sau để hiệu quả mang lại là tốt nhất. Nếu tình trạng bầm tím không cải thiện và có thêm các biểu hiện bất thường, bạn nên đi thăm khám tại cơ sở y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC để được bác sĩ kiểm tra kỹ hơn. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được tư vấn cụ thể.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!