Tin tức

Tụ máu bầm ở đầu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý

Ngày 04/02/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Tình trạng tụ máu bầm ở đầu hầu hết không gây nguy hiểm nhưng đôi khi lại là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe bất thường. Việc tìm hiểu về tình trạng máu tụ dưới da vùng đầu giúp bạn có biện pháp xử lý hiệu quả.

1. Tìm hiểu về tình trạng tụ máu bầm ở đầu 

Tụ máu bầm ở đầu là tình trạng các mao mạch ở vùng đầu bị tổn thương, máu không thoát ra ngoài, tràn đến các mô lỏng lẻo xung quanh tạo nên những mảng máu tụ dưới da. Kích thước của vết bầm sẽ khác nhau tùy theo mức độ tổn thương. 

Nguyên nhân

Hầu hết các trường hợp tụ máu dưới da đầu là hệ quả của chấn thương, có thể đi kèm là một cục u trên đầu. Bất kỳ một va chạm nào đều có thể khiến mạch máu vỡ, không nhất thiết phải là những chấn thương nặng, phổ biến nhất là do té ngã hoặc tai nạn trong lúc sinh hoạt, tham gia giao thông,… Ngoài ra, tác dụng của một số loại thuốc như thuốc chống đông máu cũng có thể làm xuất hiện tình trạng da đầu tụ máu bầm.

Tụ máu bầm dưới da đầu hầu hết là do chấn thương

Tụ máu bầm dưới da đầu hầu hết là do chấn thương

Tụ máu bầm dưới da đôi khi còn là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý như nhiễm virus, thiếu hụt vitamin K, suy tủy xương, bệnh bạch cầu, giảm tiểu cầu, lupus ban đỏ,… Bệnh nhân thực hiện hóa trị, xạ trị ở khu vực gần đầu cũng có thể làm tổn thương mao mạch gây tụ máu dưới da đầu. Một số trường hợp vết bầm dưới da xuất hiện nhưng không rõ nguyên nhân.

Triệu chứng

Tụ máu bầm ở da đầu thường có thể quan sát được qua những dấu hiệu sau: 

  • Khi mới chấn thương, da có hiện tượng sưng, đỏ sau đó chuyển sang tím bầm, tím đen, viền xanh rồi đến vàng. 
  • Tụ máu do chấn thương sẽ đi kèm cảm giác đau, cơn đau tăng lên khi chạm hoặc ấn vào vết bầm. 
  • Trường hợp nặng, vết bầm có thể lan rộng và đau nhức kể cả khi không chạm vào. 

Hầu hết vết bầm sẽ tự khỏi sau vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, đầu là vùng cực kỳ nhạy cảm, có những trường hợp chấn thương nặng không chỉ gây tụ máu bầm dưới da mà còn gây tụ máu hay xuất huyết não. Nếu thấy vết bầm ngày càng lan rộng đi kèm biểu hiện đau đầu, nôn ói, mất thăng bằng, nói lắp,… thì cần phải nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám. 

2. Chẩn đoán

Tụ máu da đầu thường xuất hiện sau một chấn thương va đập mạnh vùng đầu với vật cứng hoặc do giằng xé làm bong lớp cân galia ra khỏi xương sọ. Để chẩn đoán tình trạng này, bác sĩ thường thực hiện theo các bước sau:

Bác sĩ thăm hỏi, xác định tác nhân ban đầu dẫn đến chấn thương, các triệu chứng kèm theo và mức độ đau có thể gặp phải. Điều này giúp bác sĩ hiểu rõ nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng tụ máu.

Bác sĩ tiếp tục kiểm tra vùng da đầu, nhận diện các dấu hiệu sưng, bầm tím. Việc kiểm tra này cũng giúp loại trừ các vấn đề khác như nhiễm trùng hoặc các khối u.

Trong trường hợp tụ máu nghiêm trọng hoặc không rõ ràng, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang và siêu âm phần mềm dưới da đầu để thấy được vùng tụ máu. Ngoài siêu âm, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT scan sọ não xem người bệnh có bị vỡ xương sọ hay không.

Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng và hỗ trợ bệnh nhân hồi phục nhanh chóng. Vì vậy, nếu bạn nghi ngờ bản thân hoặc người thân gặp phải tình trạng này, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và xử lý phù hợp.

3. Cách làm tan máu bầm nhanh chóng tại nhà 

Để làm tan máu bầm ở đầu nhanh chóng tại nhà, bạn có thể tham khảo những cách sau: 

Chườm lạnh 

Chườm lạnh là cách đơn giản, hiệu quả, dễ thực hiện để xử lý tình trạng tụ máu bầm ở đầu. Ngay sau khi chấn thương, bạn dùng một khăn mềm bọc cục đá hoặc cho nước đá vào túi chườm, chai nhựa,… chườm lên chỗ bị bầm trong khoảng 10 phút, có thể lặp lại nhiều lần trong ngày. Cách này có tác dụng hạn chế máu lan rộng ra xung quanh, giảm sưng và bầm tím, đồng thời thúc đẩy vết thương nhanh lành hơn. 

Lưu ý: Không chườm trực tiếp đá lạnh lên vết thương hoặc chườm liên tục trong thời gian dài vì sẽ gây bỏng lạnh.

Chườm lạnh ở vị trí bị bầm để hạn chế máu tụ lan rộng ra xung quanh

Chườm lạnh ở vị trí bị bầm để hạn chế máu tụ lan rộng ra xung quanh

Chườm nóng 

Chườm nóng cũng là phương pháp hữu hiệu mà bạn có thể áp dụng để làm tan máu bầm da đầu nhanh chóng. Chườm nóng có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu nhờ đó nhanh chóng làm tan máu tụ dưới da. 

Ngoài ra, chườm nóng cũng giúp các cơ đang căng cứng được thư giãn từ đó giảm đau hiệu quả. Bạn có thể dùng túi chườm nóng hoặc cho nước ấm vào chai rồi chườm lên vị trí bị bầm. Lăn trứng gà nóng cũng là cách mà bạn có thể áp dụng. 

Lưu ý: Chườm nóng thường được thực hiện sau 48 giờ kể từ khi bị chấn thương. Quá trình này làm giãn mạch máu, tăng cường tuần hoàn máu tại khu vực bị tổn thương và giúp làm tan khối máu tụ. Tuy nhiên, không chườm nóng liên tục và thời gian chườm không nên quá 24 giờ (chỉ nên chườm từ 10-20 phút mỗi lần, thực hiện khoảng 3-4 lần trong ngày). Vì chườm quá lâu khiến lỗ chân lông giãn nở, làm tăng nguy cơ viêm da hoặc viêm cơ rất nguy hiểm. 

Nâng cao đầu khi nằm 

Với tình trạng tụ máu bầm ở đầu thì khi nằm bạn nên kê gối đầu cao. Khi đầu cao hơn tim thì lực nén và áp suất tác động lên vết thương sẽ giảm đồng thời cải thiện quá trình lưu thông máu tại vị trí bị bầm. Nhờ đó mà vết thương sẽ giảm sưng, giảm bầm tím và nhanh lành hơn.

Kê gối cao khi nằm để giảm lực nén từ tim đến vị trí tụ máu bầm dưới da đầu

Kê gối cao khi nằm để giảm lực nén từ tim đến vị trí tụ máu bầm dưới da đầu

Tụ máu bầm ở đầu không chỉ gây đau đớn mà còn gây mất thẩm mỹ. Vì vậy, ngoài việc áp dụng những cách làm tan máu bầm tại nhà ở trên bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc làm tan máu bầm để đạt hiệu quả nhanh hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bạn không được tự ý mua thuốc uống dù bất kỳ trường hợp nào. 

Nếu bạn đang thử nhiều cách nhưng vết tụ máu bầm ở đầu không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng nghiêm trọng như sưng, đau nhiều hơn hoặc lan rộng thì hãy đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và có biện pháp xử lý phù hợp.

Bạn nên thăm khám chuyên khoa nếu vết bầm ở đầu ngày càng nghiêm trọng

Bạn nên thăm khám chuyên khoa nếu vết bầm ở đầu ngày càng nghiêm trọng

Nếu bạn đang cần tìm một địa chỉ uy tín để thăm khám hoặc xử lý vết tụ máu bầm dưới da đầu thì hãy đến ngay các cơ sở thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để đăng ký khám bệnh hoặc tư vấn sức khỏe.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ