Các tin tức tại MEDlatec
Các thuốc điều trị loét dạ dày - tá tràng
Các antacid (thuốc chống acid) như alusi, maalox, gastropulgit: Các thuốc này thường chứa các muối nhôm (hydroxyd, carbonat, phosphat), các muối magnesi (hydroxyd, carbonat, trisilicat), có tác dụng trung hoà acid dịch vị của dạ dày. Ưu điểm là tác dụng nhanh nên thường dùng để cắt các cơn đau và giảm các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu nhưng thuốc lại có tác dụng ngắn (thường chỉ kéo dài khoảng 3 giờ), gây nên nhiều tương tác đối với các thuốc điều trị phối hợp nên không thuận tiện cho điều trị.
Ví dụ: các hợp chất chứa nhôm thường gây táo bón, còn loại chứa ma giê gây tiêu chảy (vì thế trong điều trị người ta thường dùng chế phẩm phối hợp cả hai loại này), hợp chất chứa nhôm dùng kéo dài gây xốp xương (do làm giảm hàm lượng phosphat). Những hợp chất chứa nhôm, can xi, ma giê dễ tạo phức với một số thuốc, điển hình là kháng sinh nhóm cyclin, quinolon, gây cản trở hấp thu kháng sinh....
Cách dùng: uống sau bữa ăn 1-3 giờ và trước lúc đi ngủ để trung hoà acid thừa. Để giảm triệu chứng đau vùng thượng vị, đầy bụng, dùng lúc có triệu chứng. Nhai kỹ viên thuốc và nuốt với một ít nước (20-50 ml), dạng gel uống không cần pha loãng.
Không nên dùng các thuốc trung hoà quá mạnh và kéo dài vì dễ gây viêm dạ dày do kiềm hoá.
Các thuốc giảm tiết
- Các thuốc kháng thụ thể H2-Histamin: thường dùng là cimetidin, ranitidin, famotidin, nizatidin. Khi dùng các thuốc này người bệnh có thể gặp các triệu chứng: đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, tiêu chảy hoặc táo bón. Hiếm gặp hơn là hạ huyết áp, giảm tiểu cầu, bạch cầu... Cimetidin có thể gây vú to, chảy sữa, liệt dương ở nam giới. Ranitidin, famotidin, nizatidin có thời gian ức chế tiết khoảng nửa ngày. Nếu sử dụng điều trị duy trì nên dùng vào ban đêm (vì thời gian ban ngày đã có thức ăn đệm đỡ còn ban đêm dạ dày rỗng nên dễ gây đau hơn).
- Thuốc ức chế bơm proton (omeprazol, lanzoprazol, pantoprazol): Các thuốc hiện dùng đều thuộc dẫn chất benzinmidazol có tác dụng chống tiết mạnh và kéo dài, ức chế bài tiết dịch vị tự nhiên và dịch vị tạo ra do các nguồn kích thích (bữa ăn, stress).
Cách dùng: do hoạt chất của thuốc kém bền vững trong môi trường acid nên các thuốc ức chế bơm proton thường được sản xuất dưới dạng viên bao tan trong ruột. Vì vậy khi uống không được nhai hoặc làm vỡ viên thuốc, phải nuốt nguyên viên thuốc , uống với một cốc nước to (khoảng 200ml). Thời gian uống thích hợp  là cách xa bữa ăn (trước khi ăn sáng và trước giờ ngủ buổi tối).
Thuốc bảo vệ niêm mạc, gắn ổ loét
- Thuốc băng ổ loét như alumini sacharose sulfat (sucralfat), khi chất này gặp acid của dạ dàysẽ tạo thành một lớp dính quánh gắn lên ổ loét, chống lại tác động của acid, pepsin và mật; kích thích tiết chất nhày và bicarbonat, kích thích tổng hợp prostaglandin. Cần uống thuốc vào lúc trước khi ăn 1 giờ (để thuốc kịp bao vết loét trước khi thức ăn vào) và lúc đi ngủ. Tuy nhiên thuốc làm giảm hấp thu một số thuốc khác nếu dùng cùng như tetracyclin, quinolon, phenytoin, theophylin, digoxin. Vì vậy nếu cần dùng phối hợp nên uống sucralfat sau các thuốc này 2 giờ. - Thuốc kích thích tiết chất nhày và bicarbonat như cam thảo (có trong thành phần của kavet), dimixen, teprenon (selbex), protaglandin E1 (misoprostol, cytotex).... Ngoài tác dụng kích thích tiết chất nhày, thuốc còn tăng cường tuần hoàn máu cục bộ, không ảnh hưởng đến sự tiết dịch vị, không ảnh hưởng đến dược động học và tác dụng điều trị của các thuốc chống viêm không steroid (NSAID), nên nó còn có tác dụng dự phòng loét đường tiêu hoá do sử dụng NSAID. Thời điểm uống thuốc nên uống vào bữa ăn và trước lúc đi ngủ.
 Thuốc diệt vi khuẩn Helicobacter pylory (HP) bao gồm các loại: kháng sinh (amoxycilin, tetracyclin, clarythromycin), nhóm imidazol (metronidazol, tinidazol) và các hợp chất bismuth hữu cơ.
Để diệt HP người ta sử dụng phác đồ điều trị bộ 3 hay bộ 4.
Phác đồ bộ 3: phối hợp một chất giảm tiết (kháng H2 hoặc ức chế bơm proton) với 2 chất diệt khuẩn (trong số các kháng sinh và dẫn chất imidazol).
Phác đồ bộ 4: phối hợp một chất giảm tiết (kháng H2 hoặc ức chế bơm proton) với 2 chất diệt khuẩn (trong số các kháng sinh imidazol) và bismuth.
Một đợt điều trị thường kéo dài từ 7-14 ngày tuỳ tình trạng của bệnh. Sau đó để củng cố liền sẹo sử dụng các chất kháng H2 hoặc ức chế bơm proton kéo dài thêm khoảng 2-3 tuần nữa (với loét tá tràng), và 4-6 tuần (với loét dạ dày).
Ngày nay nhờ có nhiều nhóm thuốc mới ra đời có hiệu quả cao nên việc điều tri bệnh loét dạ dày-tá tràng có nhiều tiến bộ. Việc phát hiện ra vi khuẩn HP giúp cho hiệu quả điều trị tốt hơn: thời gian liền sẹo vết loét ngắn hơn, giảm thời gian tái phát. Điều trị nội khoa là chủ yếu, chỉ can thiệp của ngoại khoa khi có biến chứng hoặc nghi ngờ có biểu hiện ác tính. Tuy nhiên hiệu quả điều trị  phụ thuộc nhiều vào khả năng tuân thủ điều trị bệnh của bệnh nhân.  Bệnh nhân cần uống thuốc, tuân thủ đúng phác đồ điều trị là những yếu tố quan trọng góp phần làm tăng tỷ lệ điều trị thành công.
Theo Sức khỏe và đời sống
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!