Các tin tức tại MEDlatec

Chỉ số PSA là gì? Thông tin cần biết về xét nghiệm PSA

Ngày 22/12/2024
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Huy Vinh
Sự tăng lên của chỉ số PSA cho thấy tuyến tiền liệt ở nam giới đang gặp vấn đề như viêm, phì đại lành tính, ung thư,... Nam giới trên 50 tuổi là đối tượng nên làm xét nghiệm kiểm tra chỉ số PSA định kỳ để chủ động bảo vệ sức khỏe, phát hiện và điều trị sớm bệnh lý nguy hiểm về tuyến tiền liệt (nếu có).

1. Chỉ số PSA là gì? 

PSA hay Prostate-Specific Antigen là một kháng nguyên đặc hiệu tiết ra bởi tuyến tiền liệt của nam giới. Chỉ số PSA thường được sử dụng trong đánh giá tình hình hoạt động của tuyến tiền liệt, hỗ trợ chẩn đoán ung thư và theo dõi các bệnh lý của tuyến tiền liệt. Sau đây là một số vai trò chính của loại Protein này: 

  • Hỗ trợ làm loãng tinh dịch: Sự tham gia của PSA giúp tinh trùng dịch chuyển trong vùng tuyến tiền liệt hiệu quả hơn, cải thiện khả năng thụ tinh. 
  • Bảo vệ tinh trùng: PSA kết hợp cùng tinh dịch giúp tinh trùng được bảo vệ trước sự tấn công của yếu tố miễn dịch từ cơ thể bạn tình nữ. Nhờ đó, tinh trùng có thể xâm nhập sâu vào vùng sinh dục nữ, kết hợp cùng trứng để thụ tinh. 

Chỉ số PSA phản ánh sự thay đổi của PSA tổng hợp bởi tuyến tiền liệt ở nam giới

Dựa vào sự thay đổi chỉ số PSA, bác sĩ sẽ chẩn đoán được bệnh lý liên quan đến tuyến tiền liệt, đánh giá khả năng đáp ứng điều trị ở từng người bệnh. 

Theo đó, xét nghiệm kiểm tra nồng độ PSA giúp xác định kháng nguyên đặc hiệu tổng hợp bởi tuyến tiền liệt. Thông thường, PSA luôn tồn tại một lượng nhỏ trong máu và trong tinh dịch. Nếu như tuyến tiền liệt không gặp vấn đề nghiêm trọng, nồng độ PSA luôn ở mức thấp (chưa đến 4 ng/ml). Còn trong trường hợp tuyến tiền liệt xuất hiện bất thường, lượng PSA trong máu bắt đầu tăng lên. 

PSA ở phần lớn trường hợp xuất hiện u ác tính đều cao hơn PSA ở những trường hợp lành tính. Nếu nhận thấy bất thường sau khi phân tích kết quả PSA, bác sĩ sẽ chỉ định để người bệnh làm thêm một số xét nghiệm cần thiết khác. 

2. Vì sao cần làm xét nghiệm PSA? 

Theo các bác sĩ, xét nghiệm kiểm PSA có thể được chỉ định cho một vài nhóm đối tượng sau: 

  • Nam giới trên 50 tuổi gặp vấn đề về đường tiết niệu: Xét nghiệm PSA lúc này trong chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến giúp đánh giá nguy cơ gây bệnh, hỗ trợ tầm soát ung thư. 
  • Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt: Xét nghiệm phân tích PSA kết hợp đánh giá giai đoạn phát triển của khối u cho phép bác sĩ xác định khả năng tiến triển của bệnh lý, xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. 
  • Bệnh nhân sau giai đoạn điều trị ung thư tuyến tiền liệt: Làm xét nghiệm PSA theo định kỳ giúp đánh giá hiệu quả điều trị, khả năng tái phát hoặc khả năng đáp ứng điều trị nội tiết. 

Nam giới trên 50 tuổi gặp vấn đề về đường tiết niệu nên làm xét nghiệm PSA 

3. Kết quả xét nghiệm PSA trong chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến

Xét nghiệm PSA cho phép bác sĩ kiểm tra định lượng PSA, một loại kháng nguyên đặc hiệu tương ứng của tuyến tiền liệt. Hiện nay, kỹ thuật phân tích này được ứng dụng rộng rãi trong tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. 

Thông qua sự biến động của chỉ số PSA, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán bệnh nhân có nguy cơ đang bị ung thư tuyến tiền liệt hay không. Bởi PSA ở nam giới khỏe mạnh, không gặp vấn đề về tuyến tiền liệt thường chỉ dao động trong khoảng 0 đến 4 ng/ml. Nếu PSA cao hơn giới hạn này, khả năng cao tuyến tiền liệt đang xuất hiện bất thường (dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt). 

Mặc dù tình trạng tăng PSA trong máu là một dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tiền liệt nhưng trong nhiều trường hợp, sự tăng sinh lành tính hoặc viêm nhiễm, thăm khám trực tràng, đặt sonde tiểu cũng có thể khiến chỉ số PSA tăng. Chính vì vậy, ngoài xét nghiệm PSA, bác sĩ cần kết hợp một vài kỹ thuật chẩn đoán khác để đưa ra kết quả khẳng định. 

Xét nghiệm PSA giúp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt 

4. Ý nghĩa của chỉ số PSA theo độ tuổi 

Theo độ tuổi, giá trị chỉ số PSA lại phản ánh ý nghĩa nhất định. 

4.1. Ở người 45 đến 75 tuổi

  • Nếu PSA nhỏ hơn 1 ng/mL, đồng thời kết quả khám tuyến tiền liệt trực tràng DRE bình thường: Tình trạng tuyến tiền liệt bình thường, nhưng nên làm xét nghiệm định kỳ 2 đến 4 năm/lần. 
  • Nếu PSA dao động từ 1 đến 3 ng/mL, đồng thời kết quả khám tuyến tiền liệt trực tràng DRE bình thường: Bộ phận tuyến tiền liệt chưa xuất hiện vấn đề nghiêm trọng, nhưng nên làm xét nghiệm định kỳ 1 đến 2 năm/lần. 
  • Nếu PSA vượt 3 ng/mL, kết quả khám tuyến tiền liệt trực tràng DRE bất thường: Xuất hiện vấn đề tại tuyến tiền liệt, cần làm thêm một số xét nghiệm khác, hoặc sinh thiết nếu cần thiết. 

PSA nhỏ hơn 1 ng/mL ở người 45 đến 75 tuổi là hoàn toàn bình thường 

4.2. Ở người trên 75 tuổi 

  • Nếu PSA nhỏ hơn 4 ng/mL, đồng thời kết quả khám tuyến tiền liệt trực tràng DRE bình thường: Tuyến tiền liệt đang hoạt động ổn định nhưng cần xét nghiệm định kỳ 1 đến 4 năm/lần. 
  • Nếu PSA vượt 4 ng/mL, đồng thời kết quả khám tuyến tiền liệt trực tràng DRE bất thường: Có khả năng tuyến tiền liệt đang gặp vấn đề, cần làm sinh thiết hoặc một số xét nghiệm khác. 

5. Yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm kiểm tra chỉ số PSA

Xét nghiệm kiểm tra chỉ số PSA thường bị tác động bởi một số yếu tố như: 

  • Nhiễm khuẩn tiết niệu: Khi bị nhiễm khuẩn, kết quả phân tích PSA dễ bị sai lệch. Chính vì thế, người bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu cần điều trị khỏi hoàn toàn trước 6 tuần kể từ khi lấy mẫu xét nghiệm. 
  • Vận động thể chất mạnh: Khi vận động thể chất cường độ cao, đặc biệt là đạp xe trong vòng 48 giờ kể từ khi lấy mẫu xét nghiệm PSA, kết quả cũng có nguy cơ bị sai lệch. 
  • Quan hệ tình dục: Quan hệ tình dục, xuất tinh trong vòng 48h trước khi làm xét nghiệm có thể làm tăng PSA. Do đó, nên kiêng các hoạt động trên trước khi xét nghiệm. 
  • Sinh thiết tuyến tiền liệt: Sinh thiết có thể làm tăng PSA trong thời gian dài. 
  • Ảnh hưởng của một số loại thuốc: Khi dùng một số loại thuốc như Finasteride, Dutasteride,... kết quả xét nghiệm PSA có thể bị sai lệch. 
  • Tiểu khó hoặc đặt ống thông tiểu: Nếu từng thực hiện thủ thuật này, bạn cần đợi ít nhất 6 tuần mới nên làm xét nghiệm PSA. 
  • Tác động của xét nghiệm, thủ thuật y tế khác: Nếu từng làm xét nghiệm, thủ thuật y tế khác liên quan đến bàng quang, bạn cần chờ tối thiểu 6 tuần. 

Lưu ý: Khi tiến hành xét nghiệm PSA, cần thông báo đầy đủ các yếu tố trên cho bác sĩ để đảm bảo kết quả chính xác.

Vận động thể chất mạnh trước thời điểm lấy mẫu dễ ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm PSA 

Chỉ số PSA là cơ sở hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý về tuyến tiền liệt. Nam giới trên 50 tuổi, gặp vấn đề về đường tiết niệu nên thực hiện xét nghiệm PSA. Để chủ động phát hiện bệnh lý về tuyến tiền liệt, bạn cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên, làm xét nghiệm kiểm tra chỉ số PSA định kỳ. Nếu chưa biết nên thăm khám ở đâu, bạn có thể tìm đến Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám hoặc xét nghiệm, Quý khách có thể liên hệ MEDLATEC theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.