Các tin tức tại MEDlatec
Mẫu xét nghiệm chẩn đoán bệnh sởi
Bệnh sởi có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ nhỏ
Bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus sởi gây nên, bệnh hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi và có thể gây biến chứng viêm não dẫn đến tử vong.
Bệnh sởi được bắt đầu bằng các triệu chứng sốt, sổ mũi, ho, đỏ mắt và đau họng. Biểu hiện lâm sàng tiếp theo là những nốt phát ban lan khắp cơ thể. Bệnh sởi rất dễ lây truyền từ người bệnh sang người lành đường hô hấp khi ho và hắt hơi. Biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi là tiêm phòng bằng vaccine sởi, quai bị và rubella (MMR).
Các trường hợp nên lấy mẫu để kiểm tra bệnh sởi bao gồm:
- Người có các biểu hiện lâm sàng của bệnh sởi.
- Các trường hợp nghi ngờ bệnh sởi, nhưng các triệu chứng lâm sàng chưa rõ ràng.
- Xét nghiệm để loại trừ nhiễm virus khác: Rubella, nhiễm Enterovirus, bệnh Kawasaki, hoặc phát ban do virus khác.
Các mẫu bệnh phẩm dịch họng và mẫu máu nên được thu thập từ tất cả các bệnh nhân có các đặc điểm lâm sàng tương thích với bệnh sởi.
1. Mẫu bệnh phẩm huyết thanh/huyết tương
Các xét nghiệm huyết thanh học trong bệnh sởi gồm: xét nghiệm phát hiện kháng thể IgA, IgM, IgG. Tùy thuộc vào độ tuổi, giới, tiền sử đã tiêm chủng vaccine sởi của mỗi người mà thời gian xuất hiện các kháng thể này khác nhau. Trung bình kháng thể IgA xuất hiện sau 3-5 ngày, kháng thể IgM sau 5-7 ngày, kháng thể IgG sau 10-12 ngày kể từ ngày khởi phát triệu chứng.
a. Thời gian lấy mẫu
- Lấy mẫu huyết thanh đầu tiên (giai đoạn cấp tính) càng sớm càng tốt khi nghi ngờ mắc bệnh sởi.
- Nếu mẫu huyết thanh giai đoạn cấp tính được lấy mẫu trong khoảng thời gian ≤ 3 ngày sau khi phát ban cho kết quả âm tính và kết quả RT-PCR âm tính (hoặc không làm RT-PCR) thì nên làm lại xét nghiệm huyết thanh học thứ 2 sau 5-7 ngày.
- Trong một số trường hợp, phản ứng IgM không thể phát hiện được trong khoảng thời gian 3-5 ngày sau khi khởi phát triệu chứng.
b. Hướng dẫn lấy máu
- Đối với người lớn: Lấy 2-3 ml máu tính mạch cho vào ống không chứa chất chống đông hoặc chứa chất chống đông (Heparin). Mẫu lấy xong nên chuyển đến phòng xét nghiệm trong thời gian sớm nhất. Không làm đông băng ống chứa máu toàn phần. Ống máu được ly tâm (10 phút ở 2500 -3000 vòng/phút) để tách huyết thanh/huyết tương khỏi cục máu đông. Các ống tách gel nên được ly tâm trong vòng 2 giờ sau khi lấy mẫu.
- Đối với trẻ sơ sinh: Có thể sử dụng ống mao dẫn để dùng cho trẻ sơ sinh.
- Bảo quản mẫu: Xét nghiệm không bị ảnh hưởng trong 12h ở nhiệt độ 20-25°C, trong 2-3 ngày ở 4-8°C, nếu mẫu chưa được xét nghiệm ngay nên tách huyết thanh/huyết tương và bảo quản trong tủ lạnh âm sâu ở nhiệt độ -70°C, mẫu nên được vận chuyển trên túi nước đá ướt.
2. Mẫu bệnh phẩm họng hoặc mũi họng, nước tiểu
Ngoài phương pháp huyết thanh học phát hiện kháng thể, đối với mẫu bệnh phẩm dịch họng hoặc mũi họng, nước tiểu để phát hiện RNA của virus sởi bằng phương pháp RT–PCR (Real-time polymerase chain reaction)
a. Thời gian lấy mẫu
- Lấy mẫu trong khoảng 1-3 ngày đầu sau khi phát ban. Từ ngày thứ 3 trở đi việc phát hiện virus bằng RT-PCR thường cho kết quả âm tính, tuy nhiên vẫn có thể sử dụng phương pháp nuôi cấy tế bào để tìm virus đến ngày thứ 10 sau khi phát ban.
- Nên lấy mẫu bệnh phẩm họng hoặc mũi họng, nước tiểu ngay khi nghi ngờ mắc bệnh sởi. Phương pháp RT-PCR có độ nhạy chẩn đoán cao nhất khi các mẫu được thu thập ở lần tiếp xúc đầu tiên với một trường hợp nghi ngờ.
b. Hướng dẫn lấy mẫu
Dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm: sử dụng bộ dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm họng hoặc tăm bông sợi polyester.
2.1. Dịch ngoáy họng
- Yêu cầu bệnh nhân há miệng to, dùng dụng cụ đè nhẹ nhàng lưỡi bệnh nhân, đưa tăm bông vào vùng hầu họng, miết và xoay tròn nhẹ 3-4 lần tại khu vực 2 bên vùng hạch amidan và thành sau họng để lấy được dịch và tế bào vùng họng. Sau khi lấy bệnh phẩm, que tăm bông được chuyển vào tuýp chứa 3ml môi trường vận chuyển (VTM hoặc UTM) để bảo quản.
Hình ảnh: Lấy dịch ngoáy họng
2.2. Dịch tỵ hầu
- Yêu cầu bệnh nhân ngồi yên, mặt hơi ngửa, trẻ nhỏ thì phải có người lớn giữ, người lấy bệnh phẩm nghiêng đầu bệnh nhân ra sau khoảng 70 độ, tay đỡ phía sau cổ bệnh nhân, tay kia đưa nhẹ nhàng tăm bông vào mũi, vừa đẩy vừa xoay giúp tăm bông đi dễ dàng vào sâu 1 khoảng bằng 1/2 độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía.
- Lưu ý: nếu chưa đạt được độ sâu như vậy mà cảm thấy có lực cản rõ thì rút tăm bông ra và thử lấy mũi bên kia. Khi cảm thấy tăm bông chạm vào thành sau họng mũi thì dừng lại, xoay tròn rồi từ từ rút tăm bông ra, giữ tăm bông tại chỗ lấy mẫu trong vòng 5 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa, từ từ xoay và rút tăm bông ra. Đặt đầu tăm bông vào tuýp đựng bệnh phẩm có chứa môi trường vận chuyển và bẻ cán tăm bông tại điểm đánh dấu để có độ dài phù hợp với độ dài, đóng nắp, xiết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafin (nếu có).
- Bảo quản mẫu trong điều kiện nhiệt độ 2-8°C trước khi chuyển về phòng xét nghiệm. Nếu bệnh phẩm không được vận chuyển đến phòng xét nghiệm trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu, các mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản trong âm 70°C (-70°C) và sau đó phải được giữ đông trong quá trình vận chuyển đến phòng xét nghiệm.
Lưu ý: Đối với trẻ nhỏ đặt ngồi trên đùi của cha/mẹ, lưng của trẻ quay về phía ngực cha mẹ. Cha/mẹ cần ôm trẻ giữ chặt cơ thể và tay trẻ. Yêu cầu cha/mẹ đỡ đầu trẻ ngả ra phía sau.
2.3. Mẫu nước tiểu
- Dùng lọ vô trùng để lấy nước tiểu và chỉ lấy nước tiểu vài giây sau khi bắt đầu để lấy được nước tiểu giữa dòng nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm từ vi sinh vật sống trong niệu đạo. Để giảm nguy cơ lây nhiễm từ vi sinh vật trên da, bệnh nhân đi tiểu thẳng vào lọ nhựa, tránh không chạm vào bên trong hoặc vành của lọ nhựa .
- Lấy tối thiểu 50 ml nước tiểu và sau đó được xử lý bằng cách ly tâm ở 2500 vòng trong 15 phút ở 4-8°C, giữ lại khoảng 2 ml phần cặn nước tiểu.
- Bảo quản: Mẫu nước tiểu lấy xong nên được chuyển đến phòng xét nghiệm trong vòng 4-6h ở 10-20°C, cặn nước tiểu bảo quản ở (4-8°C) trong vòng 24 giờ. Điều kiện tốt nhất để bảo quản virus sởi trong nước tiểu đã được xử lý (ly tâm) là làm đông lạnh mẫu ở −70°C và vận chuyển trên đá khô.
Tài liệu tham khảo:
1. Moss, W.J., Griffin, D.E. (2006) Global Measles Elimination. Nature reviews Microbiology 4, 900-8.
2.Weltgesundheitsorganisation/WorldHealthOrganization: www.who.int/topics/measles/en/
3. Measles, in Epidemiology and Prevention of Vaccine-Preventable Diseases “The Pink Book”.Centers for Disease Control and Prevention, Atlanta, p. 115-133 (2004).
Mọi thông tin chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Địa chỉ: 42 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội | 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội
Tổng đài: 1900 56 56 56
Website: medlatec.vn * Email: info@medlatec.com.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!