Các tin tức tại MEDlatec

Mẹ bầu có nối mi được không: Rủi ro và những điều cần chú ý

Ngày 21/07/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Câu hỏi mẹ bầu có nối mi được không tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến nhiều phụ nữ mang thai phải đắn đo. Dù nối mi không xâm lấn nhưng việc tiếp xúc với keo dán và thời gian thực hiện kéo dài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhất định. Vậy đâu là lựa chọn an toàn? Bạn có thể tham khảo bài viết sau đây để đưa ra được ra quyết định phù hợp.

1. Nối mi là gì? Có phải dùng hóa chất nhiều hay không?

Nối mi là phương pháp làm đẹp rất được ưa chuộng hiện nay. Phương pháp này giúp chị em có hàng mi đẹp hơn mà không mất thời gian trang điểm mỗi ngày. Tuy nhiên, không ít người, đặc biệt là các mẹ bầu băn khoăn liệu kỹ thuật này có dùng nhiều hóa chất hay ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không.

Nối mi là kỹ thuật gắn từng sợi mi giả lên mi thật bằng một loại keo chuyên dụng, giúp hàng mi trở nên dày, dài và cong hơn. Quá trình này không can thiệp vào da hay cấu trúc mắt, cũng không yêu cầu phẫu thuật nên được xem là hình thức làm đẹp không xâm lấn. Hiện nay, có nhiều kiểu nối mi như classic, volume, hybrid… tùy theo độ dày và hiệu ứng mong muốn.

Nối mi là phương pháp làm đẹp không xâm lấn được nhiều chị em yêu thích

Thực tế, quá trình nối mi không sử dụng nhiều hóa chất, mà chủ yếu chỉ dùng keo dán mi để cố định sợi mi giả. Loại keo này thường chứa cyanoacrylate là một hợp chất có tính kết dính cao, được kiểm nghiệm an toàn ở liều lượng sử dụng vừa phải và đúng cách. Ngoài keo, toàn bộ quy trình không sử dụng thêm bất kỳ loại hóa chất làm đẹp nào khác như thuốc nhuộm, thuốc tẩy hay hóa chất tác động sâu.

2. Giải đáp thắc mắc bà bầu có nối mi được không?

Nếu bạn thắc mắc không biết bà bầu có nối mi được không thì câu trả lời là có. Về lý thuyết, nối mi không dùng nhiều hóa chất, không xâm lấn, tác động sâu vào da và máu nên sẽ không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, mẹ bầu cần đặc biệt thận trọng khi quyết định nối mi trong thời gian mang thai vì đây là giai đoạn cơ thể nhạy cảm hơn bình thường.

Sở dĩ nhiều mẹ bầu băn khoăn về việc đi nối mi là bởi phải sử dụng keo dính mi. Thực tế, tại những cơ sở làm đẹp uy tín, keo dính mi được sử dụng đều được đảm bảo hàm lượng thành phần các chất ở ngưỡng an toàn. Đặc biệt, chất kết dính cyanoacrylate cũng được sử dụng khá nhiều trong sơ cứu y tế.

Bên cạnh đó, mỗi lần nối mi, lượng keo dính được dùng là rất nhỏ, gần như chỉ tiếp xúc với mi thật, không thấm qua da. Trừ khi mẹ bầu lần đầu nối mi hoặc cơ địa nhạy cảm thì có thể xuất hiện một số phản ứng nhẹ như ngứa hay hơi cộm mắt nhưng thường hết nhanh sau đó.

Câu hỏi bà bầu có nối mi được không được rất nhiều người quan tâm

3. Rủi ro khi nối mi mẹ bầu cần biết

Có thể thấy nối mi là phương pháp làm đẹp gần như không gây hại cho mẹ và thai nhi. Dù vậy, trong một số trường hợp hy hữu, vẫn có những rủi ro xảy ra như:

  • Bị kích ứng do keo dán mi kém chất lượng: Sử dụng keo dán mi kém chất lượng, có hàm lượng các chất không đảm bảo đều có thể gây ra tình trạng kích ứng xung quanh vùng mắt.
  • Dị ứng tạm thời do thay đổi nội tiết: Sự thay đổi hormone trong thai kỳ làm tăng nguy cơ dị ứng tạm thời với những yếu tố từng không gây hại trước đó. Điều này lý giải vì sao một số mẹ bầu lần đầu nối mi trong thai kỳ gặp tình trạng sưng mí, mẩn đỏ quanh vùng mắt hoặc thậm chí là viêm nhẹ.
  • Tư thế nằm lâu gây mệt mỏi, tụt huyết áp: Một buổi nối mi có thể kéo dài từ 60 đến 90 phút, yêu cầu nằm ngửa hoàn toàn, hạn chế cử động. Tư thế này có thể gây chèn ép tĩnh mạch chủ dưới, dẫn đến tụt huyết áp, chóng mặt, khó thở hoặc buồn nôn ở mẹ bầu.

Vùng mắt có thể bị kích ứng do cơ thể mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn

4. Khi nối mi mẹ bầu cần lưu ý những gì?

Tuy nối mi là phương pháp làm đẹp khá an toàn nhưng mẹ bầu vẫn có thể gặp rủi ro nếu chủ quan, không tìm hiểu kỹ thông tin trước khi thực hiện. Do đó, để an tâm làm đẹp, đồng thời bảo vệ cho chính mình và thai nhi, mẹ bầu cần lưu ý:

4.1. Chọn cơ sở uy tín

Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu khi mẹ bầu quyết định nối mi chính là mức độ uy tín và chất lượng ở cơ sở thực hiện. Mẹ bầu cần ưu tiên các địa chỉ thẩm mỹ chuyên nghiệp, có chứng chỉ hành nghề, kỹ thuật viên đã có kinh nghiệm nối mi với phụ nữ mang thai.

4.2. Ưu tiên chọn kiểu mi nhẹ nhàng, không quá dày

Trong thai kỳ, mắt thường có xu hướng mỏi nhanh hơn, mí mắt cũng dễ nhạy cảm hơn do thay đổi nội tiết. Việc chọn kiểu mi quá dày sẽ khiến mắt phải chịu thêm áp lực. Chính vì vậy, mẹ bầu nên ưu tiên những kiểu nối mi tự nhiên như mi classic, sử dụng sợi mi mỏng, nhẹ, độ dài và độ cong vừa phải.

Mẹ bầu nên chọn kiểu mi nhẹ nhàng, đơn giản

4.3. Tìm hiểu kỹ các loại keo nối mi

Keo nối mi là yếu tố quyết định độ bám của mi giả lên mi thật, nhưng đồng thời cũng là thành phần dễ gây kích ứng nhất trong toàn bộ quy trình nối mi. Khi mang thai, hệ miễn dịch thường nhạy cảm hơn, khiến mẹ bầu dễ bị kích ứng dù trước đó chưa từng gặp vấn đề với cùng loại keo. 

Vì vậy, mẹ nên chủ động yêu cầu kỹ thuật viên sử dụng loại keo chuyên biệt dành cho da nhạy cảm, không mùi, không chứa formaldehyde và đã được kiểm nghiệm an toàn. Nếu không thể xác minh rõ thành phần keo, tốt nhất mẹ nên cân nhắc lại việc nối mi.

4.4. Thử phản ứng trước khi nối

Mẹ bầu không nên chủ quan vì cơ thể khi mang thai có thể phản ứng với loại keo nối mi mà trước đó bạn đã sử dụng khi chưa có thai. Do đó, trước khi tiến hành nối toàn bộ mi, mẹ nên yêu cầu kỹ thuật viên thực hiện bước thử phản ứng ở một vùng da cụ thể. Nếu không có dấu hiệu đỏ, ngứa, rát hay sưng tấy, mẹ có thể yên tâm tiếp tục nối mi.

5. Gợi ý các phương pháp dưỡng mi dài an toàn, hiệu quả khác cho mẹ bầu

Nếu mẹ bầu muốn sở hữu hàng mi dài, cong nhưng ngại nối mi vì lo ngại hóa chất, những phương pháp dưỡng mi tự nhiên dưới đây sẽ là lựa chọn thay thế không thể bỏ qua:

  • Dưỡng mi bằng dầu dừa nguyên chất: Dầu dừa chứa nhiều vitamin E và axit béo giúp nuôi dưỡng nang lông khỏe mạnh, hạn chế gãy rụng.
  • Thoa gel lô hội tinh khiết: Lô hội có đặc tính làm dịu và cấp ẩm, đồng thời giàu vitamin A, C, E giúp phục hồi sợi mi yếu.
  • Dưỡng bằng vitamin E tự nhiên: Vitamin E giúp tăng cường lưu thông máu quanh vùng mắt, hỗ trợ mi phát triển khỏe hơn. Mẹ có thể dùng viên nang, thoa một lượng nhỏ lên mi vào buổi tối, lưu ý chọn sản phẩm rõ nguồn gốc.
  • Bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm: Chế độ ăn giàu protein, biotin, omega-3 và các vitamin nhóm A, C, E giúp nuôi dưỡng mi chắc khỏe từ bên trong.

Mẹ bầu có thể dưỡng mi bằng dầu dừa để đảm bảo an toàn

Như vậy, với thắc mắc bà bầu có nối mi được không thì câu trả lời là có, nhưng cần đảm bảo các điều kiện an toàn và nên thực hiện ở cơ sở làm đẹp uy tín. Ngoài ra, nếu bạn đang mang thai và muốn làm đẹp một cách an toàn, tốt nhất hãy ưu tiên những phương pháp nhẹ nhàng, tự nhiên để bảo vệ cho bản thân và thai kỳ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.