Các tin tức tại MEDlatec
Mỗi năm thêm 20.000 người mắc bệnh đột quỵ
Bệnh nhân đột quỵ đang chạy đua với giờ vàng.
Điều đáng nói, nhiều bệnh nhân bị liệt "oan", thậm chí tử vong là do chính người nhà đè ra cạo gió, châm cứu...
Bỏ qua giờ vàng
Tại BV Nhân Dân 115, BS Nguyễn Thị Kim Liên - Trưởng khoa Nội thần kinh - cho biết, nhiều bệnh nhân đột quỵ đáng lẽ được cứu sống, nhưng do gia đình đưa người bệnh đến BV quá chậm nên các BS cấp cứu không thể làm được gì. Nhiều bệnh nhân phải chịu liệt nửa người, liệt tứ chi, méo miệng, sống phụ thuộc người thân cả đời cũng vì nhập viện trễ.
Khoa Nội thần kinh trong năm 2009 cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trễ là do người nhà không biết và tưởng trúng gió nên cứ cạo gió. Thậm chí, nhiều người liệt nhiều ngày, đi châm cứu hoài không hết mới đưa vào BV.
"Gặp những trường hợp trên, chúng tôi chỉ biết đứng nhìn bệnh nhân vì mô não đã chết. Không có cách gì có thể phục hồi được" -  BS Liên cho biết.
Đột quỵ là tình trạng rối loạn chức năng thần kinh, gồm hai loại chính là nhồi máu não và xuất huyết não.Trong đó, 80% đột quỵ là do nhồi máu não gây ra. Bệnh xảy ra khi động mạch não bị tắc nghẽn. Các động mạch này mang ôxy và các chất dinh dưỡng đến nuôi não, đồng thời mang đi khí carbonic và chất thải của tế bào. Nếu động mạch này bị tắc, các tế bào não (neurons) không được cung cấp đủ năng lượng sẽ ngừng hoạt động. Trong trường hợp động mạch bị tắc nhiều hơn một vài phút, các tế bào não có thể bị chết. Đột quỵ có thể gặp ở tất cả mọi lứa tuổi, thậm chí có cả trẻ em. Bệnh thường gặp nhất ở những người lớn tuổi (trên 50). Nguy cơ của bệnh gia tăng theo tuổi.   Những người có thêm các bệnh lý khác như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, xơ cứng mạch não... có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Người bị đột quỵ có thể bị di chứng nặng nề tùy theo vùng não bị tổn thương nặng hay nhẹ, chẳng hạn như liệt nửa người, nói ngọng, co cứng, trầm cảm... thậm chí có thể tử vong.
Khi xảy ra đột quỵ cần cấp cứu bệnh nhân kịp thời để tránh tai biến
 
Trên 48.000 người bị đột quỵ sống phụ thuộc
Theo GS-BS Lê Văn Thành - Chủ tịch Hội Phòng, chống tai biến mạch máu não VN, khi xảy ra đột quỵ, điều cần nhất là cấp cứu bệnh nhân kịp thời để ngăn ngừa những biến chứng như liệt toàn thân, bại não... "Thời gian vàng của não" là thời gian 3 giờ đầu kể từ khi bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu bệnh. Cứ một phút trôi qua thì có khoảng hai triệu tế bào thần kinh chết đi. Sau 3 giờ, toàn bộ vùng não gồm: Mô não nơi xảy ra tai biến, mô não cận kề vùng tai biến và vùng não xung quanh đều bị hư hoại. Khi đó không còn cách gì để giúp não hồi phục.
Cũng theo GS Thành, BV dù có BS giỏi và trang bị hiện đại, nhưng khi "lố" thời gian vàng của não thì việc cứu chữa cũng không còn ý nghĩa. Điển hình nhất là một bệnh nhân ở Long An bị đột quỵ, nhưng gia đình không chịu chuyển vào BV tỉnh để cấp cứu mà đòi phải đưa vào BV Chợ Rẫy. Khi đến nơi thì bệnh nhân đã hôn mê, không cứu được. Tại cuộc họp giao ban với giám đốc các BV trên địa bàn TPHCM mới đây, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, một thực tế hiện nay khiến nhiều BV không thể cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân vì lý do thời gian chuyển viện quá lâu. Đó là chưa kể đến kẹt xe, BV làm thủ tục, chẩn đoán bệnh... Ngay cả BV cấp cứu Trưng Vương, không bệnh nhân đột quỵ nào nhập viện trước 3 giờ sau tai biến
Điều tra mới nhất của Bộ Y tế, mỗi năm TPHCM có thêm 20 ngàn người mắc bệnh đột quỵ. Số bệnh nhân đột quỵ sống phụ thuộc vào người thân hiện lên trên 48 ngàn người.
Các triệu chứng của đột quỵ cần phải nhập viện ngay: - Đột ngột nhìn không rõ hoặc không nhìn thấy. - Đột ngột yếu, liệt hoặc tê mặt, tay hay chân một bên thân người. - Đột ngột nói không được, nói lắp bắp khác thường. - Đột ngột nhức đầu dữ dội không có nguyên nhân rõ ràng. - Đột ngột chóng mặt, đi lại loạng choạng hoặc té, nhất là khi có những triệu chứng trên kèm theo.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!