Các tin tức tại MEDlatec
Nấm thanh quản mùa mưa
Phần lớn bệnh nhân tự điều trị
Tổn thương nhiễm nấm thường gặp ở những BN có yếu tố "thuận lợi" như sức đề kháng yếu, tiếp xúc với môi trường có nấm. Nguyên nhân nhiễm nấm có thể do nấm có sẵn trong niêm mạc miệng (Candida Albicans); hít phải các bào tử nấm trong không khí (Asperillus) và một số loài nấm khác như Histoplasma, Blastomyces. Nấm thanh quản chủ yếu gặp ở nam giới với các yếu tố thuận lợi: rượu, thuốc lá, HIV và lao. Trong 12 ca nhiễm nấm, khoảng 33% do HIV và lao. Triệu chứng nổi bật là ho khan, đau và rát họng, khàn tiếng kéo dài, không giảm (trên một tháng). Nhiễm nấm Asperillus là chủ yếu, trên 83% (trong không khí môi trường bị ô nhiễm), Candida Albicans (trong niêm mạc họng): trên 15% do cơ địa giảm miễn dịch.
Thanh quản có kích thước nhỏ nhất trong hệ thống đường thở, lại nằm ở ngã ba đường hô hấp dưới, đảm nhiệm chức năng nói, thở và bảo vệ lá phổi. Vì vậy, khi thanh quản bị viêm nhiễm, BN dễ bị ho (ho khan, kéo dài trên hai tuần đến trên một tháng, ho lẫn máu và đàm); đau và rát họng; khàn tiếng. Đặc biệt, 100% BN sẽ bị ho và khàn tiếng ngày càng tăng dù đã dùng nhiều loại kháng sinh khác nhau. Nhiều trường hợp không được điều trị tốt trước đó, nhập viện trễ đến ba – bốn tháng, nấm đã nằm rải rác trắng khắp dây thanh quản, hoặc mọc thành từng ụ nấm nhỏ.
Dễ phát hiện, dễ bỏ qua
BS Trọng Minh nói: “Tai mũi họng bị viêm do nhiễm trùng thông thường hoặc do viêm đặc hiệu. Điều đáng chú ý là viêm đặc hiệu có thể do lao hoặc do nấm. Hiện nay, viêm thanh quản do lao chiếm khá nhiều trong cộng đồng; trong khi đó, viêm thanh quản do nấm hiếm gặp hơn, với tỷ lệ 1/100.000”.
Nấm thanh quản phổ biến là Asperillus, thường chỉ cần điều trị bằng thuốc kháng nấm đường uống (Itraconazole - chủ yếu dành cho nấm ở nông và sâu), trong vòng hai – bốn tuần. Theo khảo sát của BS Trọng Minh, trong 12 ca nhiễm nấm thanh quản được theo dõi qua 5 năm, 11/12 ca được điều trị khỏi sau sáu tháng; nhưng sau chín tháng có hai ca tái phát và mười ca tái phát sau ba năm.
Nhiều trường hợp do tự điều trị, nên BN đã tự làm bệnh nặng hơn, phải nhập viện để được chích thuốc liều cao hơn. Thuốc kháng nấm thường có độc tính cao, nên BN cần đến các BV hoặc phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị đúng. Bên cạnh đó, khi điều trị chậm trễ, nấm xâm nhiễm sâu vào các lớp niêm mạc, việc điều trị trở nên khó khăn hơn, và giọng nói không thể trở lại như bình thường.
Ngoài những trường hợp BN đang bị suy giảm miễn dịch, ung thư vùng hầu họng, điều trị các bệnh mãn tính như: thiếu máu, thiếu sắt mãn tính, đái tháo đường thì một số đối tượng có nguy cơ dễ nhiễm nấm là BN sử dụng corticoid kéo dài không được BS theo dõi, điều chỉnh liều lượng.
BS Trọng Minh lưu ý: “Môi trường ẩm ướt, tiếp xúc với nhiều loại phân bón khi làm vườn cũng là điều kiện để nấm phát triển và gây bệnh. Do đó, khi phải tiếp xúc với các loại phân bón kèm với nước, người làm vườn nên dùng khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với nấm mốc có sẵn trong không khí. Bổ sung các vitamin nhóm B, C để tăng cường sức đề kháng. Thể dục, vận động nhiều cũng là một trong những yếu tố thuận lợi giúp cơ thể chống lại các vật thể lạ xâm nhiễm như nấm. Rửa mũi hàng ngày bằng các dung dịch như nước muối sinh lý”.
Nguồn: phunuonline.com.vn
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!