Các tin tức tại MEDlatec
Người bệnh tim với những ngày trở gió
Khi không tạo đủ năng lượng để giữ ấm, nhiệt độ trong cơ thể giảm đi. Thời tiết lạnh, gió, mưa, độ ẩm cao là những yếu tố góp phần làm giảm thân nhiệt. Người bệnh tim mạch nếu không cảnh giác với cái lạnh, không giữ đủ ấm, hoạt động ngoài trời trong thời tiết lạnh có thể đưa đến hạ thân nhiệt đột ngột, làm bệnh nặng hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Khi trái tim bị... lạnh
Trong thời tiết lạnh, nhu cầu ôxy của cơ tim tăng lên vì tim phải tăng cường hoạt động để duy trì thân nhiệt. Nếu 
tim không đáp ứng được nhu cầu này, mất cân bằng cung - cầu (cầu nhiều hơn cung) sẽ khiến tình trạng suy tim tăng lên ở người suy tim, gây đau thắt ngực ở người mắc bệnh mạch vành, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Bên cạnh đó, không khí lạnh làm đường hô hấp dễ bị viêm nhiễm, thêm phần tạo gánh nặng cho tim, làm tăng tình trạng suy tim và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Mặt khác, máu cũng trở nên "đặc" hơn khiến cục máu đông dễ hình thành ở các mạch máu và gây biến chứng nguy hiểm, nếu tắc tại mạch vành sẽ gây nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng làm mạch máu ngoại biên co lại để dồn máu cho những cơ quan quan trọng như tim, thận, não... Co mạch làm tăng kháng lực mạch máu, tình trạng không thuận lợi đối với người tăng huyết áp, làm huyết áp tăng lên.
Cần giữ ấm tốt
Giữ ấm tốt giúp trái tim và cơ thể người bệnh tim mạch tránh được các biến chứng nguy hiểm. Một số biện pháp đơn giản sau có thể giúp giữ ấm trái tim và cơ thể:
- Mặc ấm, mặc nhiều lớp áo, không để đầu trần mà nên đội mũ, mang bao tay và vớ chân để giữ ấm các phần cơ thể, tránh mất nhiệt.
- Tránh các hoạt động gắng sức ngoài trời.
- Vận động trong thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ đối với người bệnh tim mạch, tuy nhiên điều này không có nghĩa là bỏ hẳn việc tập thể dục. Có thể đi bộ ngoài trời khi thời tiết không quá lạnh, tập trong nhà hoặc ở phòng tập.
- Không hút thuốc lá, không uống cà phê và không uống rượu vì các chất kích thích này làm tim mệt hơn. Uống rượu tạo cảm giác ấm áp vì rượu làm giãn mạch, tuy nhiên điều này lại làm giảm nhiệt độ ở các cơ quan quan trọng.
- Tránh tiếp xúc với nước lạnh đột ngột hoặc lâu dài. Nên sử dụng nước ấm trong các công việc thường ngày như tắm, rửa mặt, rửa rau, giặt quần áo...
- Với trẻ bị tim bẩm sinh cần giữ ấm tốt cho trẻ, tránh để trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp khiến bệnh trở nặng. Nếu trẻ bị tim bẩm sinh, cần cho trẻ uống nhiều nước ấm, mục đích làm loãng máu hơn, tránh cho trẻ bị hình thành cục máu đông gây thuyên tắc tại các mạch máu.
BS Ngô Bảo Khoa (Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM)
Phụ nữ trên 50 tuổi nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao Sáng 18-10, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa, Hội Tim mạch học Việt Nam phối hợp với Hội Tim mạch Khánh Hòa, Liên đoàn Tim mạch Đông Nam Á, Hiệp hội Tim mạch châu Âu và Đại học Tim mạch Mỹ khai mạc Đại hội tim mạch toàn quốc lần 12 (từ ngày 18 đến 20-10). Tại đại hội, các đại biểu đã nghe nhiều báo cáo về vấn đề tim mạch và cách phòng ngừa, điều trị, trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề sức khỏe tim mạch ở phụ nữ. PGS.TS Trần Văn Huy - chủ tịch Hội Tim mạch Khánh Hòa, đồng trưởng ban tổ chức đại hội - khuyến cáo: "Tình hình sức khỏe tim mạch của phụ nữ đang ở mức báo động đỏ khi mà tỉ lệ tử vong ở phụ nữ vì bệnh tim mạch cao hơn nam giới. Phụ nữ dưới 50 tuổi bị nhồi máu cơ tim ngày càng tăng. Phụ nữ trên 50 tuổi sau khi mãn kinh nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp nhiều lần so với nam giới". Nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tử vong cao ở phụ nữ là do nhiều người chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh, đặc biệt là nguy cơ mắc bệnh sau khi mãn kinh. Bên cạnh đó, nhiễm độc thuốc lá thụ động, tăng huyết áp, mỡ trong máu cao, triệu chứng bệnh mơ hồ, đột ngột... cũng góp phần đưa tỉ lệ mắc bệnh tăng. Châu Tường |
 
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!