Các tin tức tại MEDlatec
Nội soi nhi khoa: Đẳng cấp quốc tế thực sự khẳng định
Phát triển và sáng tạo những biện pháp điều trị tiên tiến không chỉ giành lại sự sống cho nhiều người bệnh mà còn có ý nghĩa khẳng định tầm vóc của y học Việt Nam trong xu thế khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, những kỹ thuật nội soi hàng đầu "made in Bệnh viện Nhi Trung ương" đã ra đời như thế.
Những biến chứng do nhiễm khuẩn như viêm xương sườn, biến dạng lồng ngực... của những bệnh nhi viêm mủ màng cơ tim phải mổ mở đã khiến các bác sĩ quyết định ứng dụng nội soi để khắc phục những hạn chế đó. PGS.TS. Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện cho biết, cái khó nhất trong điều trị nội soi căn bệnh này là làm sao đưa dụng cụ vào trong lồng ngực để cắt bỏ những phần màng tim bị viêm trên một quả tim đang đập, hơn nữa tim của trẻ còn rất nhỏ, chỉ cần thiếu đi một phần nghìn của sự chính xác cũng dẫn đến làm rách cơ tim, lúc đó máu sẽ chảy dữ dội và khó tránh khỏi tử vong. Thành công của phương pháp đã được đăng tải trên Tạp chí Nội soi quốc tế (năm 2002) được đông đảo đồng nghiệp trong và ngoài nước đón nhận.
Nếu như xử trí viêm mủ màng cơ tim tạo ra bước tiến quan trọng cho nội soi lồng ngực thì nội soi thoát vị cơ hoành ngay từ tuổi sơ sinh đã làm kinh ngạc các nhà nội soi hàng đầu thế giới. Xử trí bệnh không gì khác là phải phẫu thuật. Trước đây, mổ mở là phương pháp chỉ định duy nhất, tỷ lệ tử vong cao nhất là các bệnh nhân suy hô hấp nặng. Khi phẫu thuật nội soi ra đời, các nhà ngoại nhi của Mỹ đã nhanh chóng ứng dụng kỹ thuật này để xử trí thoát vị cơ hoành. Nhưng họ đã thất bại với những trường hợp suy hô hấp nặng sơ sinh (dưới 72 giờ sau khi sinh), do vậy họ cho rằng khó có thể thành công khi mổ nội soi thoát vị cơ hoành cho trẻ sơ sinh.
Nhưng tất cả những trở ngại trên đã được Bệnh viện Nhi Trung ương hóa giải, đưa Việt Nam không chỉ trở thành nước thứ 3 trên thế giới nội soi thành công bệnh lý này mà còn là nước đầu tiên trên thế giới thành công ở trẻ sơ sinh, ngay cả với trẻ chỉ cân nặng 1,8 kg.
Mặc dù nội soi u nang ống mật chủ bắt đầu xuất hiện từ năm 1995 nhưng cho đến nay nó vẫn là thách thức của phẫu thuật nội soi vì trong quá trình cắt rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, đó là rách động mạch gan, tĩnh mạch cửa hoặc ống gan, vì thế phẫu thuật nội soi này vẫn chưa được tiến hành điều trị rộng rãi ở Việt Nam và thế giới. Khó khăn nữa trong phẫu thuật này là vẫn chưa thực hiện được nội soi hoàn toàn và việc nối ống gan chung với ruột non không dẫn lưu mật được vào tá tràng nên có nguy cơ làm loét hành tá tràng và rối loạn hấp thu mỡ. Khắc phục tất cả những hạn chế của các kỹ thuật nội soi trước, bệnh viện đã thực hiện thành công xử trí căn bệnh này bằng nội soi hoàn toàn, nối  ống gan chung với tá tràng, không dùng móc bóc tách u mà dùng panh vừa bóc tách vừa cầm máu. Thời gian nội soi ngắn hơn cả mổ mở.
PGS. Liêm cho biết, nếu như cách đây 3 năm, có người yêu cầu nội soi u nang ống mật chủ cho con họ thì đó là điều không thể và ngay cả năm 2006 ông cũng không nghĩ đến việc có thể làm thường quy kỹ thuật này vì... khó quá! Còn bây giờ Bệnh viện Nhi Trung ương trở thành nơi đầu tiên trên thế giới có được một kỹ thuật mổ hoàn hảo nhất cho căn bệnh này. Trong năm 2007 đã xử trí thành công 70 ca.
Tạo hình thực quản cho những trường hợp teo thực quản bẩm sinh  bằng đại tràng ngang qua nội soi ổ bụng là thành công mới nhất của nội soi nhi khoa Việt Nam mà PGS Liêm và các đồng nghiệp mang lại. Ngành nội soi quốc tế cũng được ghi nhận thêm một phương pháp xử trí hiện đại nhất căn bệnh này. Đó là việc tạo một đường hầm qua lồng ngực rồi cắt một đoạn đại tràng đưa lên nối một đầu ở cổ, đầu dưới nối với dạ dày. Khó nhất là làm xẹp phổi mới mổ được, trong khi vẫn phải duy trì được chức năng sống của bệnh nhân trong khi nội soi.
Con đường đi đến thành công
Khoa học nghiêm túc không thể nói thành công qua những trường hợp ngẫu nhiên, đơn lẻ mà phải trải qua quá trình lao động thực sự và phải được kiểm chứng. "Logo" nội soi nhi khoa mà các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương xây dựng là một quá trình như thế. Theo PGS. Liêm để có được những kỹ thuật nội soi hàng đầu này, các bác sĩ đã phải trải qua phẫu thuật mở hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ca bệnh khác nhau, đến khi thao tác các dụng cụ nội soi họ phải có được những cảm giác điều khiển chính xác nhất và phải dần hoàn thiện qua từng ca bệnh. Cách sử dụng các dụng cụ nội soi cũng phải được lựa chọn phù hợp cho từng trường hợp từ sơ sinh đến trẻ lớn.
Không chỉ hoàn thiện kỹ thuật từ chính các ca bệnh do mình thực hiện mà phải nghiên cứu cả những thất bại của đồng nghiệp. Ở Pháp, người ta gặp khó khăn khi xử trí những trường hợp thoát vị cơ hoành có màng bọc. Nghiên cứu báo cáo các ca bệnh này, PGS. Liêm và các bác sĩ của bệnh viện nhận ra rằng, nguyên nhân thất bại vì họ đặt cửa sổ cho các dụng cụ nội soi thấp (ở liên sườn 5) nên không có không gian thực hiện các thao tác nội soi và dễ đụng vào ruột. Do vậy giải pháp mà Bệnh viện Nhi đưa ra là phải đặt các cửa sổ cho dụng cụ nội soi càng cao càng tốt, đó là vị trí liên sườn 2 hoặc 3. Phát hiện này đã làm thay đổi diện mạo của một kỹ thuật khó.
PGS. Liêm cũng cho rằng, đi đến những thành công này kỹ thuật gây mê hồi sức phải phát triển cùng với kỹ thuật nội soi, hình thành 1 team work tốt nhất. Nếu không tính được lượng áp lực tuần hoàn, lượng khí thở, các chỉ số sinh hóa của cơ thể bệnh nhân khi mổ và duy trì điều đó trong suốt cuộc mổ thì không thể thực hiện thành công được cho những ca bệnh khó như thoát vị cơ hoành, teo thực quản...
Chia sẻ kinh nghiệm và tiếp tục chiếm lĩnh những thành tựu mới
- Năm 1997, phẫu thuật nội soi bắt đầu được ứng dụng tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
- Năm 2001, phẫu thuật nội soi trở thành thường quy.
- Hiện nay bệnh viện đi đầu thế giới về kỹ thuật nội soi điều trị u nang ống mật chủ, thoát vị cơ hoành sơ sinh, viêm mủ màng tim, teo thực quản bẩm sinh.
- Hiện nay bệnh viện đi đầu thế giới về kỹ thuật nội soi điều trị u nang ống mật chủ, thoát vị cơ hoành sơ sinh, viêm mủ màng tim, teo thực quản bẩm sinh.
|
Có thể ở đâu đó người ta sẽ giữ sự độc quyền cho những sáng kiến khoa học nhưng đối với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ kinh nghiệm cũng là một cách để họ tiếp tục phát triển, bởi những thành công của họ trực tiếp giành lại sự sống cho con người. Có lần một giáo sư người Canada sang và "phàn nàn"về các ca nội soi thoát vị cơ hoành của họ rất hay bị tái phát, do họ không thể nào khâu kín sát được lỗ khuyết cơ hoành và thành ngực. Một sự chuyển giao công nghệ về kỹ thuật khâu hiệu quả nhất đã được thực hiện giữa những người bạn Việt Nam và Canada. Có lẽ đồng nghiệp nhiều nơi trên thế giới đến học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với bệnh viện không chỉ vì PGS. Liêm có mặt ở các lớp đào tạo nội soi quốc tế, nhiều công trình nghiên cứu của bệnh viện đã được báo cáo tại các hội nghị ngoại khoa quốc tế và đăng tải ở các tạp chí y học uy tín như Tạp chí Ngoại khoa châu Á, Tạp chí Phẫu thuật nhi Hoa Kỳ, trang  web của Trung tâm đào tạo phẫu thuật nội soi châu Âu... mà còn bởi đến đây họ luôn nhận được sự chia sẻ thành công với tình bằng hữu.
PGS. Liêm cho biết, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục đưa kỹ thuật nội soi teo thực quản thành thường quy, hoàn thiện hơn nữa nội soi u nang ống mật chủ, tạo hình bể thận bằng nội soi cho những trường hợp tắc phần nối bể thận với niệu quản, giảm tối đa những biến chứng và tái phát sau mổ..., và tiếp tục hợp tác chặt chẽ với bạn bè quốc tế để đến với nhiều thành công hơn nữa. Bằng niềm đam mê khoa học và sự trăn trở với số phận người bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đang đưa nội soi nhi khoa Việt Nam tiếp tục khẳng định mình trên con đường dài phía trước, chúng ta có quyền tin tưởng và kỳ vọng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!