Các tin tức tại MEDlatec
Prolactin chỉ định và ý nghĩa lâm sàng
I. Định nghĩa
Prolactin được cấu tạo từ 198 acid amin và có trọng lượng phân tử khoảng 22-23 kD. Prolactin tồn tại trong huyết thanh dưới ba dạng khác nhau: Dạng đơn phân có hoạt tính sinh học và miễn dịch (“nhỏ”) chiếm ưu thế (khoảng 80 %), 5-20 % hiện hiện dưới dạng nhị phân không có hoạt tính sinh học ("lớn") và 0.5-5 % hiện diện dưới dạng tứ phân ("lớn-lớn") có hoạt tính sinh học thấp.
Cơ quan đích của prolactin là tuyến vú có vai trò thúc đẩy sự phát triển, biệt hóa tuyến vú và kích thích tuyến vú tiết sữa sau khi sinh.
Hormone Prolactin làm kích thích tuyến vú tiết sữa sau sinh
II. Sự thay đổi nồng độ Prolatin
- Giá trị tham chiếu:
- Nam giới: 98.0-456.0 µU/mL
- Nữ giới:
+) Nữ trưởng thành: 127.0-637.0 µU/mL
+) Mang thai: 200.0-4500.0 µU/mL
+) Mãn kinh: 30.0-430.0 µU/mL
Mức độ prolactin trong máu cũng có thể tăng lên trong một số tình trạng sinh lý bình thường như: sau bữa ăn nhiều thịt, sau giao hợp, kích thích núm vú, sau tập thể dục hoặc khi bị căng thẳng (stress), ở phụ nữ mang thai và cho con bú.
Nồng độ prolactin cao làm ức chế hoạt động tổng hợp steroid của buồng trứng, sản xuất và tiết ra nội tiết tố sinh dục ở tuyến yên. Trong thời gian mang thai, nồng độ prolactin tăng lên do ảnh hưởng của sự tăng sản sinh estrogen và progesterone.
Sự thay đổi nồng độ Prolactin
a. Sự tăng prolactin máu (hyperprolactinaemia) có thể được thấy trong nhiều bệnh lý sau:
- Khi bệnh nhân có khối u sản xuất và bài tiết thừa prolactin (prolactinomas): các khối u này thường nhỏ, kích thước trên dưới 1 cm. Để chẩn đoán u sản xuất thừa prolactin, cần kết hợp giữa việc đo mức độ prolactin máu và chụp cộng hưởng từ (MRI) não để xác định vị trí và kích thước của khối u cũng như kích thước của tuyến yên.
- Khi bệnh nhân có sự giảm estrogen máu (hypoestrogenism), vô sinh do không rụng trứng (anovulatory), ít kinh nguyệt (oligomenorrhoea), vô kinh, tiết sữa bất ngờ và mất ham muốn tình dục ở phụ nữ; rối loạn chức năng cương dương và mất ham muốn tình dục ở nam giới.
- Khi rối loạn ăn uống do chán ăn tâm thần
- Khi có bệnh tuyến yên hoặc vùng dưới đồi (hypothalamus)
- Khi suy giáp
- Bệnh thận
- Bệnh gan
- Hội chứng buồng trứng đa nang
Tăng Prolactin trong hội chứng buồng trứng đa nang
- Các khối u và các bệnh khác của tuyến yên
- Ngoài ra, sự căng thẳng (stress) do bệnh tật, chấn thương thành ngực, co giật, ung thư phổi hoặc sử dụng cần sa cũng có thể gây tăng vừa phải mức độ prolactin.
- Một số loại thuốc cũng có thể gây ra sự tăng cao prolactin gồm estrogen, thuốc chống trầm cảm, thuốc phiện (opiates), chất kích thích (như các amphetamines), thuốc điều trị tăng huyết áp (như reserpin, verapamil, methyldopa) và một số thuốc điều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản (như cimetidine).
b. Sự giảm mức độ prolactin bệnh lý:
- Sự giảm prolactin (hypoprolactinaemia) có thể gặp trong rối loạn chức năng buồng trứng ở phụ nữ và hội chứng trao đổi chất, lo âu, rối loạn chức năng cương dương, xuất tinh sớm, ít tinh bào (oligozoospermia), suy nhược tinh trùng (asthenospermia), giảm chức năng túi tinh và suy giảm anhydrogen (hypoandrogenism) ở nam giới. Người ta thấy rằng, các đặc điểm tinh trùng bình thường có thể được phục hồi khi nồng độ prolactin được điều trị trở về giá trị bình thường ở nam giới bị giảm prolactin máu .
- Mức độ prolactin thấp dưới mức bình thường có thể là biểu hiện của suy tuyến yên.
- Một số loại thuốc cũng có thể gây ra sự giảm mức độ prolatin trong máu như dopamine, levodopa hoặc các dẫn xuất alkaloid nấm cựa gà (ergot).
3. Chỉ định
- Xét nghiệm prolactin có thể được chỉ định nếu có biểu hiện triệu chứng của khối u sản xuất thừa prolactin, việc xét nghiệm cần được tiến hành theo thời gian để theo dõi tiến triển của khối u, đánh giá hiệu quả điều trị và theo dõi tái phát.
- Loại trừ các bệnh lý tuyến yên hoặc vùng dưới đồi: xét nghiệm prolactin được chỉ định cùng với các xét nghiệm hormone khác như hormone tăng trưởng (Growth hormone: GH)
- Theo dõi bệnh nhân đang điều trị với một số thuốc có thể ảnh hưởng đến sự sản xuất dopamine - một hormone ức chế sự bài tiết prolactin.
- Ở nam giới để kiểm tra rối loạn chức năng tinh hoàn, có mức testosterone thấp, rối loạn chức năng cương dương.
- Ở phụ nữ có vấn đề về vô sinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều và suy giáp.
4. Phương pháp phân tích
- Miễn dịch điện hóa phát quang
- Hoặc miễn dịch hóa phát quang
5. Mẫu bệnh phẩm-bảo quản
a. Huyết thanh, huyết tương chống đông hepain, EDTA.
Mức độ prolactin máu thay đổi rõ rệt trong một ngày, tăng dần trong khi ngủ và đạt đỉnh cao nhất vào buổi sáng. Prolactin trong máu có thời gian bán hủy sinh học chỉ là khoảng 20-30 phút. Vì vậy, thời điểm lấy máu để xét nghiệm prolactin tốt nhất là khoảng 3-4 giờ sau khi thức dậy.
Lưu ý: bệnh nhân phải nhịn ăn 12h trước khi lấy máu xét nghiệm, không được uống rượu hay các chất có cồn trong vòng 24h trước khi làm xét nghiệm.
b. Bảo quản:
+ 14 ngày ở nhiệt độ 2-8°C.
+ 6 tháng ở nhiệt độ -20°C hoặc thấp hơn.
6. Các yếu tổ ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm
Vì mức độ prolactin trong máu có thể tăng trong nhiều tình trạng sinh lý khác nhau nên khi xét nghiệm thấy mức độ prolactin cao, cần phải khám kỹ lâm sàng, đánh giá tình trạng sinh lý, bệnh sử và không nên chỉ làm xét nghiệm một lần.
Khi prolactin cao, một số xét nghiệm khác có thể được chỉ định thêm như: testosterone (mức độ thường thấp trong khi nam giới), FSH, LH (để giúp đánh giá sự rụng trứng và khả năng sinh sản), chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) não (để hiển thị mở rộng tuyến yên và giúp xác định vị trí khối u ) và kiểm tra mắt (để đánh giá rối loạn thị giác).
Một số người khỏe mạnh có mức độ prolactin cao có thể là do có một dạng prolactin khác trong máu là prolactin đại phân tử (macroprolactin). Prolactin đại phân tử là phân tử prolactin gắn được với một protein miễn dịch (immunoglobulin), không có hoạt tính và không phải là bệnh. Vì thời gian bán hủy của macroprolactin dài hơn của prolactin do có phân tử lớn hơn, đào thải qua thận chậm hơn nên nếu làm lại xét nghiệm sau một thời gian mà mức độ prolactin giảm xuống thì sự tăng này là không phải là do prolactin đại phân tử.
Tài liệu tham khảo
1. Smith CR, Norman MR. Prolactin and growth hormone: molecular heterogeneity and measurement in serum. Ann Clin Biochem 1990; 27:542-550.
2. Runnebaum B, Rabe T. Gynäkologische Endokrinologie und Fortpflanzungsmedizin Springer Verlag 1994.Band 1:21,124-126,179-181,613, Band 2:412-417,436. ISBN 3-540-57345-3, ISBN 3-540-57347-X.
3. Tietz NW. Clinical Guide To Laboratory Tests. 3rd ed. Philadelphia, Pa: WB Saunders Co, 1995:512
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!